COP28: Mong chờ điều gì về chống biến đổi khí hậu?

TRƯỜNG ĐẶNG 26/11/2023 03:00

Hội nghị COP28 được dự báo sẽ chứng kiến nhiều tranh cãi xung quanh các vấn đề khí hậu, khiến triển vọng thành công của COP28 bị đặt nhiều dấu hỏi.

COP28 được dự báo sẽ là một sự kiện chứng kiến nhiều tranh cãi xoay quanh cách thức chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu

COP28 được dự báo sẽ chứng kiến nhiều tranh cãi xoay quanh cách thức chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu

Các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị gặp nhau tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào đầu tháng 12 tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu tiếp theo.

>>Biến đổi khí hậu hé mở "lỗ hổng" an ninh lương thực Trung Quốc

Hội nghị các bên lần thứ 28 (COP28) sẽ chứng kiến các vòng đàm phán về khí hậu gây tranh cãi nhất trong gần một thập kỷ qua và cũng là nơi để kiểm tra tính hiệu quả của Thỏa thuận Paris 2015 trong việc giải quyết những thách thức lớn nhất về khí hậu. Ngoài ra, nhiều vấn đề khác cũng sẽ được giới ngoại giao toàn cầu quan tâm.

Tương lai của nhiên liệu hóa thạch

Điều đầu tiên có lẽ sẽ là những thảo luận xung quanh số phận của các nguồn năng lượng trọng yếu. UAE đã báo hiệu ý định sử dụng COP28 để đạt được những kết quả trên hai vấn đề cực kỳ thách thức - thiết lập các mục tiêu toàn cầu mới để xanh hóa nền kinh tế năng lượng và làm rõ hỗ trợ tài chính mà các nước giàu có nên cung cấp cho phần còn lại nhằm đẩy mạnh các hành động vì khí hậu.

Với 75% ô nhiễm khí hậu toàn cầu đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, đây đã là trung tâm của các tranh luận trong 3 thập kỷ vừa qua. Nhưng cho tới nay, kết quả vẫn là ít ỏi. Các quốc gia vẫn đang bất đồng gay gắt về cách thức và thời điểm giảm phát thải nhiên liệu hóa thạch - và thậm chí còn có nước nghĩ rằng liệu việc chấm dứt than, dầu và khí đốt có cần thiết hay không.

Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, một số quốc gia phát triển khác là những tiếng nói ủng hộ năng lượng tái tạo nhiệt thành nhất. Họ muốn COP28 thiết lập các mốc thời gian để chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch thiếu các công nghệ thu giữ khí thải. Đây rõ ràng là một vấn đề lớn bởi ngày nay hầu như tất cả lượng khí thải từ dầu, khí đốt và than đá đều khó xử lý bởi thiếu hụt về công nghệ và vốn trên phạm vi toàn cầu.

Đề xuất khác từ nhóm này là các quốc gia nên cam kết chấm dứt ngay việc xây dựng các nhà máy than mới, cũng như ấn định ngày đóng cửa các nhà máy hiện có.

Ý tưởng này không có gì phải ngạc nhiên khi vấp phải sự phản đối của các nước đang phát triển – vốn cần rất nhiều năng lượng giá thành rẻ để phát triển kinh tế.

Một số quốc gia đang phát triển ở châu Á và châu Phi lên tiếng rằng các mục tiêu nhiên liệu hóa thạch mới không nên ngay lập tức áp dụng cho các quốc gia kém phát triển nhất. Trong khi các nước khác, bao gồm Nga, Trung Quốc và Saudi Arabia, phản đối việc ấn định ngày cụ thể, cho rằng nó đi ngược lại tinh thần của Thỏa thuận Paris – cho phép mọi quốc gia tự quyết định nên theo đuổi các chính sách và công nghệ khí hậu nào.

Cam kết của Trung Quốc

Một sự chú ý khác sẽ dồn vào các cam kết và thái độ của Trung Quốc – nước phát thải lớn nhất thế giới. Bắc Kinh vẫn đang là một bên phản đối các ý tưởng về giảm phát thải của phương Tây, bất kể Trung Quốc và Mỹ đã làm việc cấp cao về vấn đề này trong khuôn khổ APEC tháng 11 vừa qua.

>>Giải pháp nào thu hút đầu tư xanh vào các nước ASEAN?

Bất chấp việc đồng ý nên tăng gấp ba lần đầu tư hàng năm trên toàn cầu vào năng lượng tái tạo vào năm 2030, Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục dẫn đầu bên phản đối các thời hạn cắt giảm nhiên liệu hóa thạch của Mỹ hay EU tại COP28 lần này.

Việc sử dụng nhiệt điện than của Trung Quốc cũng có thể là vấn đề mà Mỹ sử dụng để nêu bật lên sự nghi ngờ về tham vọng khí hậu của Bắc Kinh. Trung Quốc gần đây đã phải tăng cường xây mới các nhà máy than mới với tốc độ khủng khiếp nhằm đáp ứng nhu cầu – ước tính 2 cơ sở mới được xây mỗi tuần.

Năng lượng hóa thạch sẽ là một chủ đề nóng nhất giữa các cường quốc tại sự kiện này

Năng lượng hóa thạch sẽ là một trong những chủ đề "nóng" nhất giữa các cường quốc tại COP28.

Bên cạnh đó, phương Tây được cho sẽ cố gắng tập hợp một liên minh rộng rãi các quốc gia đang phát triển sẵn sàng cam kết ngừng xây dựng các nhà máy than mới. Con số có thể lên đến hàng chục hoặc thậm chí một trăm quốc gia, đủ đến khiến Bắc Kinh phải lạc lõng nếu đứng ngoài.

Vấn đề "tiền đâu"?

Tham vọng là vậy, nhưng vấn đề tài chính sẽ là một rào cản lớn cho các thỏa thuận cuối cùng lần này. Trong COP28, các quốc gia dự kiến sẽ tranh luận về ít nhất ba vấn đề liên quan đến tài chính khí hậu quốc tế này.

Tranh chấp đầu tiên sẽ xoay quanh tính thỏa đáng của tổng kinh phí khí hậu. Năm 2009, các nước tài trợ đã đồng ý huy động 100 tỷ USD mỗi năm đến năm 2020 để hỗ trợ hành động về khí hậu ở các nước đang phát triển. Nhưng thực tế cho thấy để thực sự xanh hóa các nền kinh tế, con số cần thiết lên tới 2,7 nghìn tỷ USD hàng năm – một con số khổng lồ gần như bất khả thi vào thời điểm này. Thậm chí, chỉ tiêu 100 tỷ USD đặt ra cũng đã không đạt được, theo Nigel Purvis, CEO của tổ chức Cố vấn Khí hậu.

Chưa kể, hiện nay chỉ một phần rất nhỏ tài chính khí hậu quốc tế đến tay các quốc gia nghèo nhất— 3,7% theo một số ước tính theo Nigel Purvis. Các nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần lớn nhất. Do đó, cách tái cân bằng viện trợ khí hậu và hướng một phần lớn hơn đến các quốc gia nghèo nhất sẽ tiếp tục được thảo luận tại COP28.

Có thể bạn quan tâm

  • Biến đổi khí hậu hé mở

    Biến đổi khí hậu hé mở "lỗ hổng" an ninh lương thực Trung Quốc

    04:30, 20/07/2023

  • Chống biến đổi khí hậu ở Thái Bình Dương: Phép thử với Mỹ và Trung Quốc

    Chống biến đổi khí hậu ở Thái Bình Dương: Phép thử với Mỹ và Trung Quốc

    03:30, 06/11/2023

  • Việt Nam - Hà Lan thúc đẩy nông nghiệp và chống biến đổi khí hậu

    Việt Nam - Hà Lan thúc đẩy nông nghiệp và chống biến đổi khí hậu

    00:00, 03/04/2023

  • Cơ hội thúc đẩy hợp tác Mỹ - Trung chống biến đổi khí hậu

    Cơ hội thúc đẩy hợp tác Mỹ - Trung chống biến đổi khí hậu

    04:00, 15/11/2022

  • COP27: Biến động địa chính trị cản trở chống biến đổi khí hậu

    COP27: Biến động địa chính trị cản trở chống biến đổi khí hậu

    03:30, 10/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
COP28: Mong chờ điều gì về chống biến đổi khí hậu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO