80 quốc gia đã đạt được thỏa thuận về bộ quy tắc quản lý thương mại điện tử toàn cầu, trong đó có miễn thuế hải quan với các giao dịch điện tử xuyên biên giới. Nhưng Mỹ chưa tham gia.
>> Tăng cường quản lý thuế thương mại điện tử
Ngày 27/7/2024 (theo giờ Việt Nam), gần 80 quốc gia trên thế giới, bao gồm các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Trung Quốc, Canada, Australia, Saudi Arabia và Nhật Bản, đã đồng ý về một bộ quy tắc để quản lý thương mại điện tử toàn cầu. Nhưng Hoa Kỳ sẽ không tham gia.
Sau 5 năm đàm phán, các quốc gia điều phối là Australia, Nhật Bản và Singapore đã soạn thảo được một văn bản thống nhất giữa các bên. Sự việc này được Ủy ban Châu Âu gọi là “lịch sử” và chính phủ Anh gọi là “cách mạng”.
“Chúng tôi đã đàm phán các quy tắc toàn cầu đầu tiên về thương mại kỹ thuật số”, Ủy viên Thương mại Châu Âu, ông Valdis Dombrovskis cho biết và nhấn mạnh điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch điện tử, kích thích đổi mới và hội nhập các nước đang phát triển vào nền kinh tế kỹ thuật số.
Các quy tắc mới bao gồm luật nhận dạng chữ ký điện tử và bảo vệ chống gian lận trực tuyến. Tất cả các thành viên sẽ cam kết số hóa tài liệu và thủ tục hải quan, công nhận hợp đồng và chữ ký điện tử, đồng thời áp dụng các biện pháp bảo vệ pháp lý chống lại các hành vi lừa đảo trực tuyến và xuyên tạc sản phẩm trên thị trường. Các bên cũng sẽ phải thúc đẩy cuộc chiến chống thư rác và bảo vệ dữ liệu cá nhân, cũng như cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia kém phát triển nhất.
Một trong những điểm quan trọng của thỏa thuận này là các bên tham gia sẽ miễn thuế hải quan đối với các giao dịch điện tử xuyên biên giới.
Tổng cộng, 91 trong số 166 thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) đã tham gia đàm phán, bao gồm các quốc gia như Trung Quốc, Canada, Achentina, Nigeria hay Saudi Arabia.
“Sau khi được tích hợp vào khung pháp lý của WTO, Hiệp định Thương mại điện tử sẽ là cơ sở cho các quy định toàn cầu về thương mại kỹ thuật số giữa nhiều thành viên của tổ chức,” Ủy ban EU nhận xét.
>> Làm gì để kiểm soát kinh doanh thuốc qua sàn thương mại điện tử?
Thỏa thuận sẽ mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số giữa các thành viên WTO tham gia nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch điện tử xuyên biên giới; giảm bớt rào cản đối với thương mại kỹ thuật số; và thúc đẩy sự đổi mới trong thương mại điện tử. Nó cũng sẽ tăng cường tính toàn diện về kỹ thuật số và tăng trưởng kinh tế ở các thành viên tham gia đang phát triển và kém phát triển nhất.
Thương mại kỹ thuật số chiếm khoảng 25% tổng thương mại quốc tế và đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn thương mại truyền thống. EU dẫn đầu thế giới về cả xuất khẩu và nhập khẩu các dịch vụ có thể cung cấp bằng kỹ thuật số, đạt tới 1,3 nghìn tỷ euro vào năm 2022, tương đương 54% tổng thương mại dịch vụ của EU.
Anh quốc tuyên bố thỏa thuận này có thể làm tăng tổng sản phẩm quốc nội của Anh lên tới 24,2 tỷ bảng Anh (31,2 tỷ USD), so với GDP năm 2023 của nước này.
Nhưng Mỹ vẫn chưa đồng thuận. Theo Washington, thỏa thuận thể hiện một bước tiến quan trọng nhưng vẫn chưa đủ, đặc biệt là về việc xây dựng các ngoại lệ vì lợi ích an ninh thiết yếu.
Đại sứ Mỹ tại WTO, bà Maria Pagan cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi mong muốn được làm việc với các thành viên quan tâm để tìm ra giải pháp cho tất cả các vấn đề còn tồn tại và đưa các cuộc đàm phán đi đến kết thúc nhanh chóng”.
Một số quốc gia khác cũng đang chưa đồng thuận như Mỹ, Brazil, Indonesia hay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bày tỏ sự dè dặt. Một điều khó là để thỏa thuận được chuyển thành quy định của WTO, cần có sự đồng ý của tất cả 166 quốc gia thành viên của tổ chức này.
Một giải pháp, theo các nhà quan sát, có thể là các bên ký kết chuyển thỏa thuận sang một tổ chức quốc tế khác. Nhưng nếu họ làm như vậy, họ sẽ không thể dựa vào cơ chế của WTO để giải quyết các tranh chấp thương mại. Theo đại diện của Mỹ thì các cuộc đàm phán của họ về thỏa thuận này sẽ vẫn được tiếp tục.
Có thể bạn quan tâm
Thương mại điện tử trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế
03:20, 26/07/2024
Alibaba “khai chiến” thương mại điện tử ở Châu Á
02:30, 26/07/2024
TikTok Shop “chia lại” thị phần thương mại điện tử Đông Nam Á
01:00, 21/07/2024
Triển vọng sáng của thương mại điện tử Việt Nam
02:00, 16/07/2024
Hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thương mại điện tử
03:00, 07/07/2024