Để giải quyết những thách thức cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, theo chuyên gia, cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động này.
>> Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển thương mại điện tử
Theo đó, những năm qua, thương mại điện tử đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng lớn trong thương mại toàn cầu. Tại Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số cũng đã phát triển tích cực, trở thành kênh phân phối quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân và góp phần phát triển các dịch vụ tài chính, dịch vụ thanh toán điện tử.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác quản lý thu thuế…
Cụ thể, các cơ quan chức năng đang gặp một số khó khăn khi xử lý hàng nhái, hàng giả trong môi trường thương mại điện tử. Đơn cử, khi mua bán, khách hàng có thể thấy hiển thị địa chỉ của nơi bán. Nhưng khi cơ quan có thẩm quyền đến địa chỉ đó thì hầu hết không phải là nơi tiến hành hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn khi xác định hành vi vi phạm. Đơn cử như, trên giao diện điện tử, khách hàng nhận thấy hình ảnh chụp túi Louis Vuitton và có đơn khiếu nại vì nhận được hàng giả. Nhưng khi cơ quan chức năng đến nơi kiểm tra thì bên vi phạm lại trưng hình ảnh phóng to cho thấy đó không phải là hình ảnh biểu tượng của nhãn hiệu Louis Vuitton.
Hay có những tình huống sau khi nhận được khiếu nại, cơ quan chức năng đến kiểm tra thì đối tượng đã kịp xóa bỏ hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.
Do đó, để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động này.
>> Lời giải cho bài toán... chống hàng giả
Nêu quan điểm về vấn đề này, Ths Lê Phú Khánh, Giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Công đoàn cho rằng, thương mại điện tử là một lĩnh vực mới phát triển tại Việt Nam. Tính phức tạp của công nghệ cũng như tính giao thoa giữa thực và ảo là 2 yếu tố thách thức những nhà hoạch địch chính sách xây dựng bộ khung pháp lý phù hợp, chặt chẽ.
“Do đó, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thương mại điện tử, xây dựng hệ sinh thái cho thương mại điện tử và kinh tế số là một nội dung quan trọng cần được xác định để định hướng phát triển thương mại điện tử trong tương lai”, Ths Lê Phú Khánh chia sẻ.
Các chính sách, pháp luật cần tạo ra hành lang pháp lý bảo đảm môi trường thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các đối tượng tham gia thương mại điện tử tạo sân chơi, sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng; tăng cường quản lý nhà nước về thương mại điện tử, chủ động phòng ngừa gian lận thương mại, các hành vi tiêu cực, lừa đảo khách hàng trong thương mại điện tử…
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phúc đề nghị, các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại nội địa, cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, ngăn chặn sớm những hành vi buôn bán phi đạo đức, trái với lương tâm, xã hội vi phạm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Theo đó, các cơ quan quản lý chuyên ngành cần rà soát các văn bản quy định về hành nghề thương mại thông qua các nền tảng số, để bổ sung hoặc thay mới các quy định nhằm quản lý lĩnh vực này được chặt chẽ, minh bạch và kỉ cương hơn. Tổ chức điều tra nắm tình hình và kịp thời xử lý các vi phạm nhất là các tổ chức kinh doanh lớn.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, là cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều giải pháp nhằm xử lý và giảm bớt tình trạng này. Theo đó, việc đầu tiên là xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật.
Gần đây Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì xây dựng Nghị định 46/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 99/2013/NĐ-CP về quy định xử lý hành chính trong lĩnh vực vi phạm sở hữu công nghiệp. Với Nghị định 46/2024/NĐ-CP, các hành vi vi phạm trong môi trường thương mại điện tử đã được làm rõ.
"Với việc sửa đổi Thông tư 11/2015, chúng tôi mong muốn giải quyết tốt hơn, hoàn thiện cơ sở pháp lý và hành lang pháp lý cho xử lý vi phạm trong môi trường thương mại điện tử. Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông để hoàn thiện nền tảng pháp lý, các chính sách liên quan tới thương mại điện tử", Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Giải bài toán bảo vệ môi trường trong thương mại điện tử
03:30, 29/06/2024
Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển thương mại điện tử
00:15, 26/06/2024
Tìm phương thức "hài hòa" trong quản lý thuế đối với thương mại điện tử
04:02, 22/06/2024
Làm gì để kiểm soát kinh doanh thuốc qua sàn thương mại điện tử?
04:30, 20/06/2024
Vận tải hàng hóa hàng không: Chìa khoá cho sự phát triển thương mại điện tử
04:30, 06/07/2024