Ngành vận tải hàng hoá hàng không sẽ là chìa khoá giúp thị trường thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam không chỉ phát triển ở trong nước, mà còn có thể vươn tầm trong toàn khu vực Đông Nam Á.
>>>Xu hướng vận tải hàng không toàn cầu đang thay đổi?
Theo Kirin Capital, quy mô thị trường TMĐT B2C toàn cầu trong giai đoạn 2019 – 2022 có sự tăng trưởng hết sức ấn tượng từ mức 3.400 tỷ USD trong năm 2019, lên đến mức 5.500 tỷ USD trong năm 2022. Trong khi đó, doanh thu bán lẻ ngoài kênh TMĐT trong cùng giai đoạn chỉ ghi nhận mức tăng trưởng quy mô từ 21.100 tỷ USD lên đến 21.800 tỷ USD.
Tại Hội nghị WCS ở Hồng Kông vừa qua, Ludwig Hausmann - Đối tác Cấp cao tại McKinsey cũng đã đề cập "Vận tải hàng hoá bằng đường hàng không vẫn được sử dụng mặc dù chi phí của nó cao hơn 10-20 lần so với các phương tiện vận chuyển khác và tốc độ nhanh chóng là lý do chính." Ngoài yếu tố trên, một số yếu tố khác cũng đóng góp vào việc ra quyết định lựa chọn vận tải hàng hoá hàng không bao gồm giá trị, yêu cầu đặc biệt, độ tin cậy của việc giao hàng đúng hẹn.
Tuy nhiên, song song với sự phát triển mạnh mẽ của vận tải hàng không những năm qua, chi phí cũng đang dần được cải thiện rõ rệt từ mức trên 3$/kg trong năm 2021 xuống chỉ còn xấp xỉ quanh mức 2,5$/kg hiện nay. Điều đó có được là nhờ sự gia tăng đầu tư của nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới vào thị trường tiềm năng này.
Bên cạnh đó, trong buổi sự kiện kể trên, Majeres cũng đã đề cập đến sự thật rằng hiện nay, sự tiếp cận vào Internet và các cửa hàng trực tuyến nhiều hơn bao giờ hết. Đây là cơ hội tích cực cho ngành TMĐT phát triển. Động lực chính của sự tăng trưởng giữa TMĐT và vận tải hàng không đến từ sự phổ biến ngày càng tăng của mua sắm trực tuyến và chi phí vận chuyển hàng hóa trực tuyến giảm.
"Ngoài ra, TMĐT đang được tích hợp nhiều hơn vào các kênh bán lẻ truyền thống, với các nhà bán lẻ lớn như Amazon và Walmart ngày càng bán các sản phẩm vận chuyển hàng không trực tiếp cho người tiêu dùng. Sự tích hợp này giúp khách hàng dễ dàng mua các sản phẩm vận chuyển hàng không và nhận chúng nhanh hơn bao giờ hết", Kirin Capital đánh giá.
Một ví dụ điển hình có thể kể đến đó là sự gia tăng nhanh chóng của các nhà bán lẻ TMĐT thời trang nhanh như Shein và Temu đang thúc đẩy ngành vận tải hàng không toàn cầu. Gần đây, Shein và TikTok Shop đã bắt đầu mở nền tảng mua sắm trực tuyến ở Hoa Kỳ và tiến hành vận chuyển phần lớn sản phẩm của họ trực tiếp từ các nhà máy ở Trung Quốc đến người mua hàng bằng đường hàng không.
Theo dữ liệu do Cargo Facts Consulting tổng hợp, Temu vận chuyển khoảng 4.000 tấn hàng hóa mỗi ngày, Shein 5.000 tấn, Alibaba.com 1.000 tấn và TikTok 800 tấn. Con số này tương đương với khoảng 108 chuyên cơ vận tải Boeing 777 mỗi ngày. Được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ cùa người tiêu dùng, Shein đã chiếm 1/5 thị trường thời trang nhanh toàn cầu tính theo doanh số bán hàng, và đã thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành TMĐT Trung Quốc, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Coresight.
Trở lại với thị trường trong nước, Kirin Capital cho rằng, thị trường TMĐT của Việt Nam cũng chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ sau hơn 10 năm phát triển. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, quy mô toàn thị trường trong nước đã đạt mức 20,5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kép trong 10 năm qua ghi nhận ở mức trên 20%/năm, đồng thời chiếm đến 8% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Không chỉ trên thế giới, mà ngay cả ở Việt Nam, vận tải hàng hoá bằng đường hàng không đang ngày càng nhận được sự quan tâm sát sao đến từ nhiều "tay chơi" lớn trong nước. Và lẽ dĩ nhiên, động lực lớn nhất để các nhà vận tải hàng hoá để ý đến chính là nhờ sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT trong nước.
“Được eMarketer đánh giá cao và xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu trên thế giới, ngành vận tải hàng hoá hàng không sẽ là chìa khoá giúp cho thị trường TMĐT của Việt Nam không chỉ phát triển ở trong nước, mà còn có thể vươn tầm trong toàn khu vực Đông Nam Á”, Kirin Capital đánh giá.
Kirin Capital cũng dẫn chia sẻ của ông Đỗ Xuân Quang - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Hàng không Vietjet, xét về mặt sản lượng, hàng hoá vận tải hàng không chỉ chiếm khoảng 1% trên tổng khối lượng hàng hoá của tất cả các loại hình vận tải khác, song giá trị của lượng hàng hoá này lại chiếm tới 25% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, việc sụt giảm sản lượng trong 2 năm vừa qua là điều khó có thể tránh khỏi khi nhu cầu mua hàng hoá giá trị cao của người dân sụt giảm vì kinh tế khó khăn.
Về mặt thị phần vận tải hàng hoá hàng không, theo ông Đỗ Xuân Quang, các hãng hàng không Việt Nam hiện chỉ khai thác được khoảng 12% lượng hàng hoá quốc tế, còn lại 88% thị phần vẫn rơi vào tay các hãng hàng không nước ngoài. Điều đó cho thấy, đây vẫn là miếng bánh hết sức màu mỡ cho các hãng hàng không trong nước. Song, thực trạng hiện nay cho thấy, các hãng hàng không trong nước vẫn chỉ chủ yếu vận chuyển bằng bụng máy bay khách hàng với tải trọng mỗi chuyến chỉ đạt 8 – 10 tấn. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực đã có máy bay loại Freighter, Boeing 747 – 400 tải trọng 100 tấn chuyên vận tải hàng hoá. Chính vì vậy để gia tăng năng lực cạnh tranh, các hãng hàng không trong nước cần phải có sự đầu tư bài bản để từ đó từng bước lấy lại miếng bánh thị phần từ các hãng hàng không nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm
Xu hướng vận tải hàng không toàn cầu đang thay đổi?
03:30, 22/02/2024
“Thời điểm vàng” cho vận tải hàng không
04:00, 04/12/2022
Giành lại thị trường vận tải hàng không
04:00, 25/09/2022
IPP Air Cargo sẽ làm tăng sức cạnh tranh cho vận tải hàng không Việt
20:30, 26/03/2022
Vận tải hàng không nỗ lực phục hồi sau “bão dịch”
03:30, 30/01/2022