Vietravel Airlines là hãng hàng không mới năng động còn ACG là doanh nghiệp duy trì hàng trăm chuyến bay freighter giữa đại dịch Covid-19.
>>VUAir Cargo - Hãng hàng không hàng hoá đầu tiên của Việt Nam
Hãng hàng không Vietravel (Vietravel Airlines) vừa chính thức ký kết hợp tác với Công ty Asean Cargo Gateway (ACG) thành lập Vietravel Airlines Cargo (VUAir Cargo) trở thành hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam vận chuyển hàng hoá bằng máy bay chuyên dụng.
Chia sẻ với DĐDN, ông Vũ Đức Biên - Tổng Giám Đốc Vietravel Airlines đánh giá, thị trường hàng hoá hàng không còn nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác triệt để.
- Ông đánh giá tiềm năng thị trường hàng hoá hàng không như thế nào để có bước đi “mạo hiểm” tại thời điểm việc kinh doanh của Vietravel Airlines không mấy khả quan?
Vận chuyển hành khách và hàng hoá là chiến lược ngay từ ban đầu của Vietravel Airlines. Đại dịch và sự đứt gãy chuỗi cung ứng đã cho thấy logistics là “mạch máu” của nền kinh tế, do đó phát triển vận tải đa phương thức là đòi hỏi và xu hướng tất yếu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được xem là một ứng viên sáng giá, đầy tiềm năng trong công cuộc dịch chuyển sản xuất của chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta cũng đã ký kết và thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do. Do đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa ở thị trường Việt Nam đang rất “nóng”. 6 tháng đầu năm 2022, cũng đạt 651 nghìn tấn, tăng 6,8% so cùng kỳ năm 2021 và tăng 7% so cùng kỳ 2019.
Dù vậy, đến nay các hãng hàng không Việt Nam vẫn chỉ chở hàng hóa kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách, chưa có hãng nào chở hàng bằng máy bay chuyên dụng. Trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hoá tăng cao khiến giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng vọt từ 3-4 lần. Thậm chí, có thời điểm, giá cước tăng 5-6 lần so với trước dịch Covid-19.
Thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng hàng không của Việt Nam đang có 29 hãng hàng không nước ngoài đến từ 16 quốc gia tham gia khai thác. Đáng nói, thị phần hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam giai đoạn 2020 – 2021 chỉ vào khoảng 11%. Đây là “nghịch lý” của chúng ta trên chính “sân nhà” của mình.
>>Đổi mới tiếp thị hàng không
- Thế mạnh của VUAir Cargo khi tham gia vào “cuộc đua” này, thưa ông?
Trong khi Vietravel Airlines được đầu tư bởi Tập đoàn du lịch lữ hành lớn nhất Việt Nam và Châu Á – Vietravel Corporation thì ACG ra đời theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ theo công văn số 7709/VPCP-CN "phải có một hãng hàng không Cargo Airlines với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt”.
Vietravel Airlines là hãng hàng không mới năng động còn ACG là doanh nghiệp duy trì hàng trăm chuyến bay freighter giữa đại dịch Covid-19 và là thành quả của mô hình liên kết hợp tác giữa các “ông lớn” trong ngành logistics. Trong năm đầu tiên, hãng sẽ tập trung khai thác vận chuyển hàng hoá giữa Việt Nam và các công xưởng lớn tại Châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan trên đội tàu bay chuyên dụng B737-800BCF dành cho cargo với số lượng 02 - 04 chiếc trong năm đầu tiên và dự kiến tăng gấp đôi trong những năm tiếp theo.
- “Miếng bánh” Aircargo vốn đang nằm phần lớn trong tay các hãng hàng không nước ngoài, VUAir Cargo đặt mục tiêu giành lại thị phần ra sao, thưa ông?
VUAir Cargo tự tin “giành” lại thị phần về tay hãng hàng không Việt Nam cũng như tận dụng được “bầu trời mở ASEAN” - Hiệp định về tự do hóa vận tải hàng không. Theo tính toán, việc xuất hiện hãng hàng không chuyên chở hàng sẽ góp phần thúc đẩy vận chuyển hàng hóa của các hãng hàng không Việt Nam tăng trưởng 10-15%/năm. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu tăng trưởng gấp đôi số tàu bay chuyên dụng mỗi năm ở các đường bay trong ASEAN và Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản.
- Xin cảm ơn!
Có thể bạn quan tâm