Trong thời điểm hiện nay mà Bộ GD-ĐT đề xuất tăng học phí ở tất các bậc học là không hợp lý.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố dự thảo lần thứ 2 nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Theo dự thảo, Bộ GD-ĐT đề xuất tăng học phí ở tất cả các cấp học. Học phí mầm non, phổ thông tăng 7,5%; đại học tăng 12,5% mỗi năm, tính từ năm học 2021-2022.
Lý giải cho đề xuất này, phía Bộ chủ quản cho rằng, việc tăng học phí là đúng lộ trình, tạo điều kiện cho các trường có kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên, cũng như chất lượng học tập. Trong khi đó, ý kiến của sinh viên và phụ huynh thì lại không như vậy.
Thực tế, việc tăng hay không tăng học phí từ trước đến nay luôn là một vấn đề gây tranh cãi từ nhiều phía, nguyên nhân sâu xa cũng chỉ do mâu thuẫn cố hữu, đó là: Một mặt bộ muốn đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập, tra cứu, thực hành của học sinh, sinh viên để nâng cao chất lượng đào tạo. Mặt khác, việc tăng học phí sẽ phải đối mặt với thực trạng rất nhiều gia đình ở vùng nông thôn, miền núi đời sống rất khó khăn có con đang đi học.
Nên khách quan mà nói, để nâng cao chất lượng đào tạo mà nguồn lực tài chính lại là điều kiện cần để thực hiện việc này.
Chúng ta phải nhìn nhận việc điều chỉnh tăng học phí trong mối quan hệ với chi phí đào tạo và chất lượng đào tạo, vì chỉ có tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo thì cơ sở đào tạo mới có đủ nguồn để tái đầu tư trang thiết bị học tập, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và các yêu cầu đảm bảo chất lượng cho việc đào tạo.
Hơn nữa, chế độ giáo viên hiện nay cũng chưa bảo đảm, do đó về lâu dài vẫn phải tăng học phí để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Vấn đề ở chỗ, câu chuyện tăng học phí nó diễn ra một cách dàn trải ở tất cả các cấp học (như đề xuất), cũng như chưa đúng thời điểm, nên mới nhận được nhiều phản ứng từ dư luận cũng như giới chuyên gia.
Tức là, tăng trong trường hợp, hoàn cảnh nào mới là điều quan trọng phải cân đối phù hợp với khả năng của người dân, đáp ứng được nhu cầu học tập của giới trẻ và phải tạo điều kiện để cùng với kinh phí nhà nước hỗ trợ cho các trường đại học thực hiện được bảo đảm chất lượng mà theo nhu cầu xã hội.
Nếu trong điều kiện bình thường, giáo dục phổ cập thì nên giữ mức học phí hỗ trợ để đúng với từ “phổ cập”. Còn giáo dục đại học thì phải tăng phí để tái đầu tư vào giảng viên, cơ sở vật chất,… nhằm tăng chất lượng. Nhưng trong hoàn cảnh thực tại và tương lai gần thì nó lại khác.
Nói vậy bởi vì, hiện tại dịch COVID-19, bão lũ ở miền Trung tác động đến cả nền kinh tế, đến miếng cơm manh áo của từng gia đình, nhất là gia đình nghèo. Ngay lộ trình tăng lương, Chính phủ cũng hoãn thời gian áp dụng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế và việc làm của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh đó còn thiên tai, bão lũ hoành hành, người dân gặp thêm nhiều khó khăn… Trong khi đó các chuyên gia kinh tế đã dự báo, năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn bởi những tác động nói trên.
Thế nên, theo quan điểm của phần đông dư luận, thời gian sắp tới việc giảm học phí, đặc biệt miễn giảm học phí cho con em các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh mới là chính sách nhân văn. Vì ngay cả lộ trình tăng lương phải dừng lại mà học phí lại đề nghị tăng nhảy vọt sẽ gây bức xúc trong xã hội.
Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT hết sức cẩn trọng trong việc đề xuất chính sách, trong đó có vấn đề tăng học phí các cấp học ở thời điểm này. Đừng để mang tiếng rằng Bộ giáo dục, đào tạo ra nguồn lực cho hạ tầng phát triển, nhưng lại thiếu tính nhân văn ở ngay thượng tầng.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 12/11/2020
02:30, 08/11/2020
11:07, 06/11/2020
10:40, 06/11/2020
15:52, 05/11/2020
13:35, 05/11/2020