Sau khi ghi nhận 9 ca nhiễm tại Bệnh viện Bạch Mai, lãnh đạo bệnh viện nhận định có hai ổ dịch tại đây và chưa khẳng định có lây nhiễm chéo, trong khi đó, Chủ tịch Hà Nội cho rằng, có lây nhiễm chéo.
Bộ Y tế vừa công bố thêm 6 bệnh nhân COVID-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân lên 169 người. Trong đó, có hai bệnh nhân là bệnh nhân 168 và bệnh nhân 169 đều là nữ, 49 tuổi, là nhân viên cung cấp nước sôi của Bệnh viện Bạch Mai.
Tại khu vực đang được coi là "ổ dịch" của Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế cho biết đã xét nghiệm tất cả các nhân viên y tế bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Trong 5.000 mẫu phát hiện 2 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Riêng 3 khoa phát hiện có người mắc COVID-19 là Khoa thần kinh, Trung tâm nhiệt đới Bạch Mai (có liên quan đến bệnh nhân 87, bệnh nhân 87) và Khoa tim mạch C4, tất cả đều có kết quả âm tính.
Bộ Y tế nhận định dịch bệnh có khả năng lây trong nhóm người nhà chăm sóc bệnh nhân, nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào bệnh viện.
Ông Dương Đức Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, về phía dịch tễ, khi có thông tin bệnh nhân số 133 - bệnh nhân đi về Lai Châu, bệnh viện Bạch Mai cho xét nghiệm ngay lập tức 2 bệnh nhân liên quan ở cùng khoa.
Trường hợp người mẹ (88 tuổi), ở Hưng Yên - nằm cùng với bệnh nhân đi về Lai Châu thì cho kết quả dương tính với COVID-19 ngay, rất rõ ràng. Còn người con dâu, ở Thượng Thanh, Long Biên (63 tuổi), có vào thăm mẹ chồng, phải làm đi làm lại mới thấy dương tính, mà dương tính với COVID-19 rất yếu ớt.
"Thời gian lên dương tính chậm, lúc đó vi sinh báo xuống từ từ để cho kiểm tra lại. Giả thiết ở đây là lượng virus thấp nên chưa đủ để lên dương tính rất nhanh. Cái này một là do mới nhiễm, hai là đã nhiễm và trong giai đoạn suy yếu. Chúng tôi cho làm định lượng về kháng thể thì dương tính với kháng thể rất rõ rệt, tức là nhiễm đã lâu", ông Hùng nêu.
Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng cũng cho biết đã rà lại lịch trình thời gian với bệnh nhân đưa từ Bạch Mai về Lai Châu. Bệnh nhân này vào viện ngày 17/3, ra viện ngày 22-3, tức là tiếp xúc với bệnh nhân ở Hưng Yên, nằm cùng nhau, trong 5 ngày.
"Rõ ràng Bạch Mai có 2 ổ dịch, 1 ổ là nơi 2 cô điều dưỡng được xác định mắc COVID-19, không liên quan gì đến nhóm bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, được xác định mắc COVID-19. Còn 3 bệnh nhân sau đó là bệnh nhân trong viện thì nằm ở phòng, sơ đồ dịch tễ hình dung ra là cô con dâu nhiễm, sau đó bà mẹ nằm cùng giường với bệnh nhân Lai Châu nên thành ra cả 3 người đều nhiễm virus. Qua việc này cho thấy, hiện tại chưa khẳng định có nhiễm chéo", ông Hùng khẳng định.
Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng lý giải với thời gian nhiễm và khi chưa vào viện của cô con dâu, rõ ràng trong cộng đồng có người nhiễm bệnh, nhưng không sàng lọc được bằng xét nghiệm.
"Cô này (con dâu) không có biểu hiện lâm sàng, vì mối liên quan mới cho làm xét nghiệm thôi, đang ở giai đoạn suy yếu, như vậy cô này đã nhiễm trong cộng đồng. Chắc là trong cộng đồng có nhiều người như vậy, nhưng không có triệu chứng lâm sàng. Tính toán thời gian thì không phải nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai”, ông Hùng quả quyết.
Có thể bạn quan tâm
01:44, 26/03/2020
11:26, 22/03/2020
12:30, 28/03/2020
05:10, 28/03/2020
20:42, 27/03/2020
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phân tích: "Về mặt cơ học tôi hiểu thể này, bệnh nhân 86 - điều dưỡng lây từ phía Nam về, sau đó lây sang bệnh nhân thứ 87 (cũng là điều dưỡng, và bệnh nhân 86 cũng lây lây cho con). Thế tức là lây nhiễm chéo trong bệnh viện rồi chứ còn gì nữa".
"Các đồng chí nói bệnh nhân con dâu (ở Thượng Thanh) là đem bệnh ở ngoài xã hội vào bệnh viện? Nhưng cá nhân tôi thấy điểm chung ơ bệnh viện Bạch Mai là từ Khoa Tim mạch và Khoa Truyền nhiễm sang Khoa Thần kinh có khoảng cách, nhưng trong quá trình vận hành bệnh viện là chung nhau. Số học sinh đang thực tập, khoa xét nghiệm, chụp chiếu hình ảnh, bãi trông giữ xe, các điểm chung này có phải là điểm kết nối không, đề nghị Bệnh viện Bạch Mai làm rõ", ông Chung nêu.
Từ dẫn chứng trên, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, rõ ràng, bệnh nhân 86 đi du lịch về ngày 8/3 và đi làm từ ngày 9/3 đến ngày 14/3.
Bệnh nhân 87 gặp bệnh nhân 86 có 2 thời điểm. Đó là trưa mùng 9/3 ngồi ăn bánh với nhau tại khoa bệnh nhân 86. Sau đó ngày 16-3 bệnh nhân 86 nằm ở Khoa Tim mạch, bác sỹ, công đoàn đến thăm. Nhưng tối vẫn về nhà nên mới lây sang con. "Liệu quá trình đi lại có lây sang ai nữa không đề nghị các đồng chí làm rõ để chúng tôi có biện pháp phòng ngừa", ông Chung nhấn mạnh.
"Với bệnh nhân từ Khoa Thần kinh bệnh viện Bạch Mai chuyển về Lai Châu, ông Chung cho biết khi Y tế Lai Châu phát hiện dương tính với COVID-19, quay ngược trở lại chúng ta phát hiện ra 2 trường hợp nằm cùng phòng ở Khoa Thần kinh dương tính, có nghĩa đây cũng là lây nhiễm chéo trong khoa", Chủ tịch Hà Nội nói.
Được biết, sau khi 2 ca nhiễm mới được công bố sáng ngày 28/3, nâng tổng số ca bệnh tại đây lên 8 người, Bệnh viện Bạch Mai có thông báo khẩn, cho biết bắt đầu ngừng ra vào bệnh viện để phòng dịch.
Hiện tại Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành phong tỏa khu vực nhà ăn. Hai nhân viên của Công ty Trường Sinh có kết quả dương tính với COVID-19 đã được đưa đi cách ly theo quy định.
Từ thời điểm này, Bệnh viện Bạch Mai cho biết sẽ ngưng tiếp nhận bệnh nhân đến khám thông thường, tái khám, ngưng cho phép thân nhân đến thăm bệnh nhân còn đang tiếp tục điều trị tại bệnh viện (hiện ước tính khoảng trên 1000 người).