COVID-19 bùng phát: Hành xử sao cho đúng?

AN NHIÊN 19/04/2023 03:00

Đúng thời kỳ giao mùa giữa mùa Xuân sang mùa Hạ, mùa của thần trùng, ôn dịch gây lên các loại bệnh theo mùa thì số ca COVID-19 cũng bùng phát trở lại.

>>Ứng phó với đợt dịch COVID-19 mới thế nào?

Nhân viên y tế tiến hành test nhanh cho giáo viên, học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Tiên Yên

Nhân viên y tế tiến hành test nhanh cho giáo viên, học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Tiên Yên. Ảnh: chinhphu.vn

Thời điểm này khí dương bùng phát mạnh mẽ trong khi khí âm vẫn còn tồn dư gây ra xung đột về thời tiết, nhất là khu vực miền Bắc với nền khí hậu á nhiệt đới, gió mùa gây lên các hiện tượng thời tiết cực đoan, sương mù, nồm ẩm, mưa dầm… những căn bệnh cơ hội liên quan đến hô hấp, xương khớp được dịp hoành hành. Việc mở cửa hoàn toàn với khách quốc tế dẫn đến việc nguồn bệnh COVID-19 với các biến chủng mới được đà theo chân khách vào Việt Nam.

Ngày 18/4/2023 số ca mắc COVID-19 lên tới 1.522 ca mới, tăng cao nhất trong vòng 6 tháng qua. Trong ngày 18/4 có 138 ca Covid-19 khỏi, số bệnh nhân nặng tăng vọt lên 102 ca, trong đó có 14 ca thở máy xâm lấn.

Thực tế số ca mắc còn cao hơn nhiều do không thể thống kê được, bởi nhiều ca mắc không có triệu chứng hoặc triệu chứng khá nhẹ. Người dân không xét nghiệm hoặc xét nghiệm có kết quả cũng không khai báo nên con số thống kê không thể đầy đủ và chính xác để đánh giá mức độ về tình hình dịch bệnh. Tình trạng này cũng giống với tình trạng chung của cả nước khi người dân có tâm lý chủ quan với dịch bệnh, không có ý thức thực hiện duy trì các biện pháp chống dịch như trước.

Mặc dù số ca tăng nặng có tới 12 ca phải thở oxy qua mặt nạ, 2 ca phải thở máy, tỉ lệ tỉ vong do COVID-19 tại nước ta đến nay tầm 43.000 ca, chiếm 0.4% trên tổng số ca nhiễm, đây là tỉ lệ không hề thấp. Nhưng do cả quãng thời gian dài người dân sống chung với COVID-19 mà số ca nhiễm rất thấp, do đó không còn để tâm đến các biện pháp chống dịch đơn giản như đeo khẩu trang hay rửa tay khử khuẩn.

Có thể nói, dù dịch bệnh có bùng phát thì cách thức phòng chống dịch ngày nay đã khác, sẽ không còn việc truy vết, khoang vùng, cách ly một cách cực đoan, gây ra việc giãn cách xã hội, đứt gẫy chuỗi cung cấp gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế mà đến giờ vẫn chưa khôi phục được. Nhưng COVID-19 vẫn chưa thể thành một bệnh cúm mùa đơn giản được khi hình thức lây lan vẫn rất dễ dàng, các biến chủng virus mới vẫn luôn xuất hiện và thay đổi liên tục, trong khi hiệu lực của vaccine đã giảm, yếu đi rất nhiều.

Nhóm nguy cơ cao như người già, trẻ em, người mắc bệnh nền về hô hấp, phụ nữ mang thai vẫn có nguy cơ bị mắc nhiễm trở nặng rồi biến chứng có thể gây tử vong, đặc biệt trong trường hợp số ca nhiễm trở nặng cần điều trị tăng quá cao, vượt qua khả năng đối ứng của các bệnh viện, trung tâm y tế, nguy cơ thiếu nhân lực, phương tiện, thuốc, vật tư y tế là có thật. Bài học đau xót của TP HCM còn nguyên đó, khi có người nhập viện thì người ra viện là lọ tro cốt, đến đám tang cũng không kèn trống, đó là nỗi đau do COVID-19 gây ra cho nhân dân, đồng bào chúng ta.

Dịch bệnh COVID-19 quay trở lại là điều không thể tránh khỏi, thay vì trốn tránh, chúng ta chỉ còn cách đối đầu, chọn phương án hợp lý nhất để giảm thiệt hại tối đa cho nhân dân. Nhất là sắp tới là kỳ nghỉ dài 30/4 và 1/5 số lượng người đi du lịch di chuyển, tập trung, tiếp xúc rất dễ làm số người mắc còn tăng cao hơn nữa, có thể gây quá tải hệ thống y tế vốn đã gặp nhiều biến cố sau đại dịch. Khi chúng ta xét nghiệm COVID-19 còn COVID-19 thì xét nghiệm khả năng đối phó của chúng ta.

Tiêm vaccine vẫn là giải pháp hữu hiệu phòng chống COVID-19. Ảnh: Hải Ngân

Tiêm vaccine vẫn là giải pháp hữu hiệu phòng chống COVID-19. Ảnh: Hải Ngân

>>"Làn sóng" dịch COVID-19 mới

>>Virus SARS-CoV-2 lây lan, liệu có làn sóng dịch COVID-19 mới?

>>Ca mắc COVID-19 "nóng" trở lại, người dân cần làm gì?

Các cơ quan quản lý cần vào cuộc mạnh mẽ, tuyên truyền và thông tin trung thực về dịch bệnh tới người dân, để mọi người có đủ thông tin cần thiết. Các gia đình cần cân nhắc các địa điểm cũng như thành phần của các chuyến du lịch sắp tới, ưu tiên việc tập trung bảo vệ cho nhóm người có nguy cơ cao như người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai. Cơ sở y tế lên phương án với từng khối lượng bệnh nhân để có biện pháp chuẩn bị nhân lực, thuốc men, vật tư y tế, giường bệnh, khu cách ly…

Người có triệu chứng hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh cần làm xét nghiệm để rõ kết quả để hạn chế tiếp xúc, tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, người thân. Không giấu diếm hoặc cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và địa điểm, sự kiện tập trung đông người. Không để tình trạng bệnh dịch bùng phát diện rộng gây vỡ trận sau kỳ nghỉ lễ dài sắp tới.

Việc tiêm vaccine cần tái khởi động vì nhiều người cho đến bây giờ vẫn chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ mũi, nguy cơ khi mắc sẽ có biểu hiện nặng hơn người chưa tiêm và một số vaccine nếu không nhanh chóng triển khai sẽ quá hạn, gây lãng phí cả về tiền bạc lẫn hiệu quả bảo vệ sức khoẻ con người.

COVID-19 trở lại cũng là lời nhắc nhở của mẹ thiên nhiên tới con người, đừng để làm tham lam của con người tiếp tục huỷ diệt thiên nhiên, phá hết rừng, cướp nơi sinh sống của muông thú, đắp đập be sông gây cạn kiêt sông ngòi, xả rác ô nhiễm đại dương. Sẽ có lúc chạm đến giới hạn và lúc đó mẹ thiên nhiên sẽ nổi giận các căn bệnh cúm, bạch hầu, sốt xuất huyết, viêm não, rubella rồi  cùng nhiều bệnh lạ khác sẽ tấn công con người. Hãy hành xử với thiên nhiên tử tế hơn trước khi quá muộn.

Có thể bạn quan tâm

  • Ứng phó với đợt dịch COVID-19 mới thế nào?

    03:00, 17/04/2023

  • "Làn sóng" dịch COVID-19 mới

    01:00, 16/04/2023

  • Virus SARS-CoV-2 lây lan, liệu có làn sóng dịch COVID-19 mới?

    03:00, 14/04/2023

  • Xây dựng công sở cho Gen Z thời hậu COVID-19

    03:00, 13/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
COVID-19 bùng phát: Hành xử sao cho đúng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO