Trong 8 tháng đầu năm, do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, gạo là mặt hàng sụt giảm mạnh nhất trong nhóm ngành hàng nông lâm thủy sản.
DĐDN đã có cuộc gặp gỡ với Doanh nhân Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh.
Trong bối cảnh này, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp có thể phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
- Thưa bà, tác động của “cơn bão COVID-19” chắc hẳn đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của Bảo Minh gặp không ít khó khăn?
Những tác động của COVID-19 chắc chắn đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động mua bán, sản xuất kinh doanh của ngành nông nghiệp nói chung và của các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo nói riêng.
Nhiều địa phương phải phong tỏa hàng loạt đã dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp phải đứng trước bài toán “cân đo đong đếm” giữa nguồn vốn và sự an toàn của người lao động.
Cùng với đó, chi phí sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” tăng cao, lượng gạo tồn kho cao vì chưa xuất khẩu được nên các thương lái, doanh nghiệp kinh doanh gạo chưa thể tiếp tục thu mua lúa cho nông dân.
Với các doanh nghiệp sản xuất, thu mua lúa gạo từ người nông dân, chúng tôi phải “trăn trở” rất nhiều để luôn đảm bảo từ đời sống tinh thần đến kinh tế cho các cán bộ nhân viên và toàn bộ người nông dân.
Đứng trước những khó khăn như vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Hiệp hội, các bộ ngành liên quan cũng đã “lắng nghe” những chia sẻ của doanh nghiệp và có những kiến nghị, đề xuất các biện pháp “tháo gỡ” khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp luôn đồng lòng và thực hiện nghiêm túc mọi chỉ đạo của Chính phủ, các ban bộ ngành liên quan để đạt được mục tiêu kép, vừa duy trì sản xuất, đảm bảo kinh tế, vừa chống dịch hiệu quả.
- Câu hỏi được đặt ra là: Mở cửa ra sao và mở cửa thế nào? Từ phía Bảo Minh, doanh nghiệp có ý kiến ra sao, thưa bà?
Tôi mong rằng, thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh đã đi qua, và chúng ta cần chuẩn bị tinh thần, chiến lược để chuyển đổi sang trạng thái an toàn, tập trung hồi phục sản xuất trong bối cảnh “bình thường mới”.
Doanh nghiệp cũng ghi nhận sự “vào cuộc” kịp thời của Chính phủ và các bộ ngành đã gỡ khó cho sản xuất, tiêu thụ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long đồng thời là giải ngân về một số nhà máy để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Để trả lời cho câu hỏi: Mở cửa ra sao và mở cửa thế nào? Doanh nghiệp cũng vô cùng băn khoăn và chờ đợi hướng dẫn cụ thể từ Chính phủ để lên kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh. Theo đó, trong cuộc chiến lâu dài chống COVID-19, doanh nghiệp cũng rất mong muốn toàn bộ lực lượng lao động và người nông dân sớm được tiêm 2 mũi vaccine để quá trình sản xuất, vận chuyển hàng hóa sớm được giải tỏa.
Doanh nghiệp mong muốn Nhà nước tiếp tục có các chương trình truyền thông cho thương hiệu gạo Việt Nam để thông thương và khẳng định giá trị gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Mặt khác, chúng ta cần tiếp tục tính toán đến bối cảnh lương thực và gạo vẫn được dự trữ và tìm kiếm những đơn vị xuất khẩu tiềm năng.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện đi lại cho các nhân sự trên trong thời gian giãn cách vì lực lượng này đang duy trì xuất khẩu cho cả nước. Cùng với đó cần có chính sách hỗ trợ thuế, các khoản phí cho doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh, bởi hiện nay doanh nghiệp đang “cõng” thêm nhiều chi phí khác do dịch như các test COVID-19, ăn ở cho lao động “3 tại chỗ”…
- Định hướng tương lai của doanh nghiệp trong “trạng thái bình thường mới” và lợi thế khác biệt của Bảo Minh so với các doanh nghiệp khác là gì, thưa bà?
Về định hướng sắp tới cho doanh nghiệp, Bảo Minh vẫn luôn vững vàng với tầm nhìn “Thương hiệu Gạo đặc sản bán chạy nhất Việt Nam” và sứ mệnh "Kết nối tinh hoa lúa gạo Việt - Cung cấp tiện ích đến mọi nhà" trong suốt hơn 25 năm hình thành và phát triển.
Theo đó, doanh nghiệp cùng với sự phối hợp của Hội đồng khoa học Gạo Bảo Minh được thành lập với sự tham gia của các Giáo sư, Tiến sĩ chuyên gia đầu ngành lĩnh vực nông nghiệp đã và luôn tính toán, nghiên cứu các giải pháp để ngày càng nâng cao chất lượng lúa gạo Việt Nam. Giá trị về con người, giá trị từ tri thức đối với doanh nghiệp là vô cùng quan trọng và luôn được chú trọng “bồi đắp” tại Bảo Minh.
Trong từng chặng đường khẳng định vị thế tại thị trường trong nước và có chiến lược xuất khẩu tại thị trường quốc tế, doanh nghiệp luôn rút kinh nghiệm và phát triển theo từng cung bậc thời gian, gắn liền với giá trị thương hiệu gạo đặc sản của từng dân tộc thiểu số.
“Gạo Bảo Minh mang đậm bản sắc từng dân tộc Việt” - Thương hiệu gạo đặc sản quy tụ 3 miền của Bảo Minh luôn mong muốn tìm ra giải pháp hòa quyện tinh hoa giữa nông sản Việt Nam và nông sản quốc tế và thay các hợp tác xã tìm ra giải pháp kinh doanh chung để “cộng lực” đem đến giá thành, chất lượng tối ưu nhất.
- Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13 tháng 10, bà có chia sẻ ra sao về câu nói “Sướng doanh nhân, khổ doanh nhân”, thưa bà?
Doanh nhân đòi hỏi phải có sức chống chịu hơn người, phải chịu trách nhiệm vô cùng lớn, đặc biệt là trong bối cảnh COVID-19 “bủa vây” trăm ngàn khó khăn. Do đó, doanh nhân luôn phải trau dồi tri thức, tạo nên giá trị riêng cho doanh nghiệp để thuyết phục cán bộ công nhân viên của mình và thuyết phục người tiêu dùng lựa chọn doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm