Trong thông điệp CEO Grab Anthony Tan mới đưa ra cho biết, trước những thách thức của COVID-19, Grab sẽ trải qua các điều chỉnh hoạt động cần thiết để vượt qua bão táp.
Theo Tech in Asia, trong một thông điệp gửi tới đối tác và nhà đầu tư hôm 20/4 của mình, CEO Grab nhận định rằng: “COVID-19 là cuộc khủng hoảng lớn nhất ảnh hưởng đến Grab trong 8 năm tồn tại. Nó đã tác động chưa từng có đối với hoạt động, kinh doanh của Grab và sinh kế của các đối tác”.
"Chúng tôi sẽ phải đưa ra những quyết định và thực hiện những đánh đổi khó khăn khi tính toán ảnh hưởng tới kinh doanh", Tan chia sẻ. Để vượt qua khủng hoảng và đạt đến mục tiêu có lợi nhuận, Anthony Tan nhận định Grab cần cắt giảm chi phí, quản trị vốn hiệu qủa và thực hiện nhiều tinh chỉnh về vận hành. Được biết, các nhà lãnh đạo cấp cao của Grab, gần đây đã giảm 20% tiền lương để giúp doanh nghiệp đối phó.
CEO Anthony Tan chỉ ra rằng, ở những thành phố và quốc gia đang trải qua đợt giãn cách xã hội, Grab đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong hoạt động kinh doanh xe công nghệ của mình, một số thị trường thậm chí sụt giảm theo tỷ lệ hai chữ số.
Có thể bạn quan tâm
11:20, 02/04/2020
00:13, 01/04/2020
Tuy nhiên, bất chấp mảng gọi xe sụt giảm thì mảng kinh doanh giao hàng lại phát triển tốt. Tan cho biết, khi nhiều người ở nhà hơn đã giúp thúc đẩy mảng giao hàng và thực phẩm trực tuyến. Để đáp ứng nhu cầu gia tăng này, Grab đã bắt đầu mở rộng dịch vụ giao hàng cần thiết hàng ngày GrabMart và dịch vụ theo yêu cầu GrabAssistant tới nhiều thành phố và quốc gia hơn.
Do đó, GrabMart sẽ có sẵn cho người dùng ở Philippines, Myanmar và Campuchia, trong khi GrabAssistant sẽ có thể truy cập được ở Philippines, Indonesia và Thái Lan. Dịch vụ trợ giúp này cũng sẽ được khởi chạy lại tại Việt Nam.
Tan cũng nói rằng Grab cũng đã cam kết chi 40 triệu USD cho các sáng kiến cứu trợ ở Đông Nam Á. Công ty gần đây đã mở rộng các Sáng kiến Cứu trợ Đối tác từ Singapore, Thái Lan và Việt Nam sang Indonesia, Malaysia, Myanmar và Philippines.
Hiện tại Việt Nam, sau khi triển khai thành công tại TP.HCM, Grab chính thức triển khai dịch vụ GrabMart tại Hà Nội từ ngày 3/4/2020. Dịch vụ GrabMart cho phép người dùng tìm kiếm và chọn mua các loại thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, trái cây tươi, thức uống đóng chai, rau củ quả từ các đối tác liên kết là các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị.
Bên cạnh đó, Grab công bố triển khai GrabAssistant tại Việt Nam. Đây là dịch vụ mua hộ hàng hóa, cho phép người dùng đặt mua một số sản phẩm, vật dụng tại các cửa hàng không liên kết với GrabMart thông qua giải pháp giao - nhận (Delivery) của Grab. Trong giai đoạn phải hạn chế di chuyển vì dịch bệnh, GrabAssistant sẽ mang đến cho người dùng thêm một tiện ích mua sắm, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu hằng ngày.
Việc tái cấu trúc của Grab dường như đi ngược lại tuyên bố trước đó của chính vị CEO này. Trước đó, chia sẻ với CNBC, CEO Anthony Tan tự tin rằng công ty của ông có đủ nguồn lực tài chính để vượt qua giai đoạn khó khăn.
“Grab có một nền tảng các nhà đầu tư rất mạnh, vì vậy chúng tôi không gặp quá nhiều vấn đề về mặt tài chính trong bối cảnh khó khăn như hiện tại. Cho dù cuộc khủng hoảng này có thể kéo dài 12 hay 36 tháng đi chăng nữa, chúng tôi vẫn sẽ vượt qua được”, ông nói.
Công ty có trụ sở tại Singapore đang là startup giá trị nhất Đông Nam Á khi mở rộng từ gọi xe tới các dịch vụ khác như giao đồ ăn hay tài chính. Hồi tháng 2, Grab có thêm 850 triệu USD vốn đầu tư để thúc đẩy phát triển dịch vụ tài chính trong khu vực. Tính đến thời điểm hiện tại, Grab đã có khoảng 9,9 tỉ USD vốn đầu tư, theo thông tin từ Crunchbase.