Nếu bạn đến Mỹ với tiềm năng dồi dào họ sẵn sàng chào đón bạn. Nhưng khi cống hiến hết rồi, thứ còn lại duy nhất với bạn là khoản tiền bảo hiểm và đường đến nhà dưỡng lão!
Lúc đang nói chuyện facetime với tôi, trước đó 20 phút có một người Mỹ vừa từ giã cõi đời vì COVID-19 - Tân kể. Có lẽ vì tâm linh tín ngưỡng mà bất kỳ cái chết nào ở Việt Nam - bởi bất kể lý do gì đều làm rung động cảm quan của cộng đồng làng, xóm.
Nhưng ở đây, ai chết cứ chết, người sống vẫn bình nhiên sống tiếp. Tôi và Tân bắt đầu câu chuyện về dịch dã bằng một tin buồn như thế ngay lúc này tại bang California - nơi có rất đông cộng đồng người Việt đang sinh sống.
Tại California người dân cũng tích trữ lương thực, trường học đã đóng cửa, hoạt động kinh tế đã hạn chế phần lớn.
Người Mỹ tỏ ra...không sợ COVID-19 vì đa số dân Mỹ sống biệt lập, các gia đình ở đây không sống quần tụ như người Việt, con cái đủ 18 tuổi có quyền ra ở riêng bằng cách thuê nhà hoặc tìm kiếm nguồn tín dụng ngân hàng để mua căn hộ.
Ông bà, bố mẹ lớn tuổi thường tìm đến Viện dưỡng lão như một nơi trú ngụ an toàn, lại có “bạn đồng minh” và được chăm sóc khá tốt. Chính đặc điểm này đã hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh cho người thân trong gia đình.
Sở dĩ, người Mỹ không sợ dịch COVID-19 nhờ thói quen phó thác sức khỏe, tính mạng của mình cho chiếc thẻ mỏng dính luôn để ở vị trí kín đáo nhất trong ví, đó là thẻ bảo hiểm y tế.
Có thể bạn quan tâm
18:30, 16/03/2020
18:20, 16/03/2020
15:00, 14/03/2020
Nhưng để có tấm thẻ này không hề đơn giản như ở Việt Nam, những người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội thường được đo đếm bằng thu nhập dưới 16.000 USD mỗi tháng sẽ được miễn phí chăm sóc y tế với chương trình Medicare.
Những người còn trẻ, sức vóc, đầy đủ tiềm năng như Tân sẽ phải mua bảo hiểm y tế với giá 240 USD mỗi năm, trong đó các hạng mục bảo hiểm được tách rời cho từng bộ phận trên cơ thể. Ví dụ, chỉ bảo hiểm răng và tứ chi sẽ có giá thấp hơn toàn thân.
Như vậy có nghĩa, để được chăm sóc “tận chân răng” bạn cần phải chi ra số tiền tương ứng, chẳng có gì là miễn phí vô điều kiện ở “miền đất hứa”.
Theo thông báo mới nhất, con số mắc COVID-19 ở Mỹ đã lên đến gần 4.736 ca với 93 trường hợp tử vong. Tối 16/3 (giờ Mỹ), San Francisco bắt đầu thực hiện giới nghiêm, Los Angeles có khả năng sẽ là thành phố thứ 4 thực hiện lệnh này trong nỗ lực của chính phủ chống lại dịch COVID-19
Trong một xã hội công nghiệp cao độ như Mỹ, người dân tiếp xúc với công nghệ, thông tin từ rất sớm, đặc biệt là khả năng lĩnh hội các nguồn tin khoa học, đáng tin cậy.
Dịch COVID-19 lần này người Mỹ đã biết từ rất sớm, hệ thống các viện nghiên cứu, trường đại học, giới khoa học gia đã đưa ra các khuyến cáo người dân nên làm gì và không nền làm gì.
Nhờ thông tin minh bạch mà người dân nhận biết được điểm mạnh, yếu của con VirusCorona, lây lan nhanh nhưng tỷ lệ tử vong không cao. Điều này chính Tổng thống Trump đã xác nhận trong một tweets cách đây mấy hôm.
Ở Mỹ hầu như không có “tin giả” về Corona, hay nói cách khác nhờ hệ thống thông tin có độ tin cậy cao, đặc điểm báo chí rất hiếm hoi “giật tít câu view” nên không có nhiễu loạn.
Người Mỹ không có thời gian để tụ tập đàm tiếu chuyện thiên hạ cho nên sự việc hầu như không có chuyện “thêm mắm thêm muối”, thành thử chuyện bé không bị xé ra to.
Tính cách nổi trội ở những xã hội tiên tiến chính là ý thức kỷ luật, ngay khi có lệnh từ chính phủ cấm đến nơi đông người, lập tức quán bar, nhà hàng, các business...nghiêm chỉnh đóng cửa.
Nhưng ở một trạng thái khác, những người nhập cư như Tân nỗi lo sợ nhiễm COVID-19 luôn thường trực, vì dưới mái nhà ở Mỹ là ông bà, bố mẹ và các em sống cùng nhau.
Là lao động chính trong gia đình, khoản nợ vay mua nhà chưa trả hết, nếu phải nằm viện mọi thứ sẽ trở nên tối tăm hơn ở xứ người. Đó là tình trạng chung của tất cả những người nhập cư hiện sống tại Mỹ.
Báo đài đưa tin chính phủ Mỹ chi hàng ngàn tỷ USD hỗ trợ chống dịch, song, những khoản này hầu như không bao giờ đến tay người nhập cư...
Dịch bệnh đang lây lan rất nhanh ở Mỹ, ý thức cá nhân rất tuyệt vời, nhưng để phát đi một lời hiệu triệu “toàn dân đoàn kết, chung tay...” thì rất khó, Tân nói như vậy.
Ngân sách Mỹ phải cáng đáng một lượng khổng lồ chi cho an sinh xã hội, rơi vào tầng lớp người cao tuổi, ốm đau, mất sức lao động. Một bài toán kinh tế là nếu số người này không may chết vì COVID-19 thì ngân khố Liên bang bớt đi một gánh nặng!
Kết thúc câu chuyện, Tân nói với tôi rằng, nếu bạn đến Mỹ với sức khỏe tốt, tiềm năng dồi dào họ sẵn sàng rộng cửa chào đón bạn. Nhưng khi cống hiến hết rồi, thứ còn lại duy nhất với bạn là khoản tiền bảo hiểm đã đóng và đường đến nhà dưỡng lão!