COVID-19 và cơ hội phát triển của công nghệ blockchain

An Chi 18/08/2020 06:40

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy các công ty công nghệ tại châu Á nâng cao việc ứng dụng công nghệ blockchain như một cách để bảo mật dữ liệu.

Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, rất nhiều quốc gia đã áp dụng chính sách giãn cách xã hội. Điều này buộc các công ty phải chuyển sang hình thức giao dịch trực tuyến. Đây cũng chính là dịp mà các tin tặc và tội phạm kỹ thuật số hoạt động ngày càng tinh vi và táo tợn hơn. Thực tế này đã thúc đẩy các công ty công nghệ tại châu Á nâng cao việc ứng dụng công nghệ blockchain như một cách để bảo mật dữ liệu.

Blockchain tối đa hóa việc sử dụng dữ liệu được lưu trữ trực tuyến trong khi hạn chế các rủi ro liên quan.

Blockchain tối đa hóa việc sử dụng dữ liệu được lưu trữ trực tuyến trong khi hạn chế các rủi ro liên quan.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường BRC, mặc dù thị trường blockchain toàn cầu có thể sẽ chỉ đạt 2,27 tỷ USD trong năm 2020, nhưng con số này sẽ đạt 15,88 tỷ USD vào năm 2023 với mức tăng trưởng tiềm năng hàng năm lên tới trên 91%.

Quản lý cấp cao của Công ty PwC Consulting – ông Tomohiro Maruyama nhận định, "nhiều công ty nên áp dụng blockchain trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát”. Ông cho rằng ở một khía cạnh nào đó, virus SARS-CoV-2 đã kích hoạt sự chuyển đổi kỹ thuật số rộng rãi, giúp thúc đẩy việc sử dụng blockchain trong việc chống lại các hoạt động tội phạm công nghệ.

Ông Maruyama cho biết thêm, “vấn đề bảo mật trong môi trường internet đã đặt ra một thách thức lớn đối với các công ty trong bối cảnh họ buộc phải số hóa các hoạt động của mình”, do sự dễ dàng làm giả các tài liệu kỹ thuật số hơn so với các phiên bản giấy. "Blockchain nổi lên như một giải pháp để chống lại các gian lận kỹ thuật số, thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng công nghệ này trong việc bảo mật thông tin"

Giám đốc điều hành công ty LasTrust tại Nhật Bản, ông Kenta Akutsu, đồng ý với nhận định trên của chuyên gia Maruyama. Ông Akutsu chia sẻ: “Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ phía khách hàngxung quanh các dịch vụ công nghệ”. Vừa qua, LasTrust đã ra mắt một dịch vụ blockchain nhằm cung cấp chứng chỉ kỹ thuật số cho các trường đại học. Ứng dụng này được gọi là CloudCerts - dịch vụ cung cấp bảng điểm học tập và bằng tốt nghiệp dự kiến cho sinh viên năm cuối đại học đang tìm kiếm việc làm. Ông Akutsu cho biết thêm: “Ngay cả trước khi dịchbùng phát, các trường đại học đã tìm cách số hóa hoạt động của mình. Nhưng dịch bệnh đã khiến họ phải đẩy nhanh hơn nữa các hoạt động công nghệ của mình”.

Chính phủ Nhật Bản đã buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp vào đầu tháng 4 do dịch bệnh. Điều này càng thúc đẩy các công ty nỗ lực hơn nữa trong việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động của mình. Vị giám đốc điều hành của LasTrust cho biết thêm: “Trong khi các tài liệu PDF và JPG rất dễ bịlàm giả, thì blockchain hứa hẹn tạo ra các bản ghi chống giả mạo rất tốt”.

Đại dịch COVID-19 cũng buộc các công ty phải xem xét lại cách thức tổ chức các cuộc họp cổ đông đồng thời tìm ra những cách an toàn và hiệu quả để các nhà đầu tư bỏ phiếu từ xa.

Công ty công nghệ bitFlyer Holdings đã đưa ra giải pháp. Bằng cách phát triển một ứng dụng dựa trên blockchain giúp ngăn chặn việc giả mạo bằng cách liên kết với hệ thống nhận dạng quốc gia My Number của Nhật Bản, sản phẩm của bitFlyer Holdings giúp các bên liên quan có thể sử dụng ứng dụng để bỏ phiếu mà không cần phải trực tiếp tham gia các cuộc họp cổ đông.

Vào tháng 6 vừa qua, bitFlyer đã thử nghiệm ứng dụng này cho cuộc họp cổ đông của chính mình và hiện hãng này có kế hoạch triển khai cung cấp dịch vụ rộng rãi tại Nhật Bản vào mùa thu này. "Chúng tôi hy vọng sẽ mở rộng ứng dụng sang các nước châu Á khác", người phát ngôn của công ty cho biết, đồng thời người này cũng lưu ý rằng có nhiều "quy định địa phương" mà họ buộc phải tuân theo.

Trong khi đó, các nhà hàng và các doanh nghiệp khác ở Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cũng hoan nghênh blockchain để có thể cung cấp các phiếu giảm giá kỹ thuật số cho khách hàng.

Nhận thấy nhu cầu tại thị trường ngách này, Công ty Nihon Unisys đã hợp tác với Công ty chuyên huy động vốn cộng đồng Glocal Crowdfunding và hiện liên danh này đang cung cấp phiếu giảm giá kỹ thuật số cho hơn 600 doanh nghiệp, hầu hết trong số đó thuộc ngành dịch vụ thực phẩm ở tỉnh Kumamoto trên đảo Kyushu phía nam Nhật Bản.

Xong xã hội hiện đại, hơn bao giờ hết, công chúng quan tâm đến sự an toàn của dữ liệu cá nhân. Điều này nghĩa là niềm tin của người tiêu dùng vào nhà cung cấp trở nên hết sức quan trọng. CEO Tomonori Makino của Nihon Unisys nhận xét: “Khi một doanh nghiệp chuyển sang kỹ thuật số, việc giành được lòng tin của người tiêu dùng là rất quan trọng. Các công ty cần hiểu và phản hồi phù hợp với dữ liệu giao dịch để có được lòng tin của người tiêu dùng."

Các yêu cầu khắt khe về nguồn gốc thực phẩm cũng là lý do chính khiến lòng tin của người tiêu dùng trở nên rất quan trọng. Shunji Murakami - Phó chủ tịch của Seafood Legacy, một công ty tư vấn chuyên về đánh bắt thủy sản bền vững có trụ sở tại Tokyo, cho biết: “Các doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm cung cấpđầy đủ thông tin về nguồn gốc thực phẩm. Ngay cả trước khi có virus SAR-CoV-2 xuất hiện, chúng tôi đã xây dựng một hệ thống dựa trên blockchain để truy xuất nguồn gốc hải sản”. Tuy nhiên, Murakami nói rằng "nhu cầu truy xuất nguồn gốc sẽ tăng hơn trước do những lo ngại về dịch bệnh"

Tại các quốc gia Châu Á khác, blockchain cũng dần nhận được rất nhiều sự chú ý trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Chẳng hạn, Agrocorp International là một công ty có trụ sở tại Singapore, mới đây đã công bố mối quan hệ đối tác với Cargill của Mỹ, cùng với đó là việc bắt tay hợp tác với công ty khởi nghiệp blockchain Dltledgers của Singapore và một số công ty hậu cần khác nhằm giám sát các chuỗi cung ứng nông nghiệp vốn bị gián đoạn sau khi Singapore đóng cửa đất nước để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Ban đầu công ty tập trung vào các giao dịch blockchain đối với mặt hàng lúa mì từ thị trường Bắc Mỹ. Nếu như các giao dịch truyền thống sử dụng tài liệu giấy mất trung bình một tháng để giải quyết, thì các giao dịch sử dụng blockchain chỉ mất năm ngày để hoàn tất.

Ở một khía cạnh khác, ngành bảo hiểm của Trung Quốc đang sử dụng blockchain để tăng tốc độ giải quyết các hồ sơ, cũng như giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên tư vấn và khách hàng.

Cụ thể, vào tháng 2 vừa qua, nền tảng chăm sóc sức khỏe trực tuyến Xiang Hu Bao thuộc Alibaba Group Holding, đã giới thiệu chính sách chi trả tới 100.000 CNY (14.000 USD) trong trường hợp khách hàng tử vong COVID-19. Người phát ngôn của công ty cho biết: “theo truyền thống, việc gian lận và thiếu minh bạch đã khiến các nền tảng hỗ trợ lẫn nhau khó có thể mang lại lợi ích hiệu quả cho những người có nhu cầu”. Nhưng Xiang Hu Bao có thể xác minh tính minh bạch và xử lý hàng tỷ giao dịch mỗi ngày nhờ vào công nghệ blockchain của Alipay. 

Có thể bạn quan tâm

  • Tự động hóa chuỗi cung ứng với blockchain

    Tự động hóa chuỗi cung ứng với blockchain

    11:14, 10/06/2020

  • Yellow Blocks tìm kiếm startup Việt dự đấu trường blockchain quốc tế

    Yellow Blocks tìm kiếm startup Việt dự đấu trường blockchain quốc tế

    04:19, 28/05/2020

  • Bộ Tư pháp đề xuất xây dựng Nghị định thí điểm về blockchain

    Bộ Tư pháp đề xuất xây dựng Nghị định thí điểm về blockchain

    04:30, 02/04/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
COVID-19 và cơ hội phát triển của công nghệ blockchain
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO