TP. Đà Nẵng đang thể hiện khát vọng hình thành trung tâm công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, thành phố này cần thêm nhiều giải pháp để biến khát vọng này thành hiện thực.
Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm khoảng 19%, tương đương khoảng 6,16 tỷ USD từ năm 2020 đến năm 2024.
Gấp rút đào tạo nguồn nhân lực
Đến nay, Đà Nẵng có khoảng 250 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp các thiết bị linh kiện điện tử với gần 10.500 lao động. Tại Đà Nẵng, đang có các công ty hoạt động về thiết kế vi mạch như Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, Fptsemi, Sannei Hytechs,… với khoảng 550 kỹ sư.
Đà Nẵng hiện có 01 khu công nghệ cao, 06 khu công nghiệp và chế xuất và 03 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm đang hoạt động. Địa phương này cũng đã triển khai đầu tư xây dựng Khu Công viên phần mềm số 2, hiện đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đưa vào vận hành, khai thác.
Tuy nhiên, số kỹ sư thiết kế vi mạch tại Đà Nẵng chỉ chiếm 7% trên phạm vi cả nước (TP Hồ Chí Minh tỷ lệ 85%; Hà Nội: 8%). Nguyên nhân do đa phần các trường đại học hiện nay chưa có một chương trình đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch/bán dẫn mà chủ yếu là trên cơ sở các ngành liên quan. Ngoài ra, do hạn chế nguồn vốn đầu tư vào hệ thống phần mềm, phòng thí nghiệm để đào tạo.
Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết tại Kế hoạch số 163/KH-UBND, TP. Đà Nẵng xác định kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố; đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số với tối thiểu 07 Khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm. “Đà Nẵng cần thêm giải pháp về đào tạo ngay nhóm kỹ sư hiện có, có chính sách cho sinh viên tham gia học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, thu hút chuyên gia; đầu tư phát triển cho một số doanh nghiệp vi mạch hiện có để tạo sức lan tỏa”, ông Chinh chia sẻ.
PGS.TS. Huỳnh Công Pháp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (Đại học Đà Nẵng) cho rằng Đà Nẵng cần xây dựng Đề án giữ chân và thu hút nhân lực, tài trợ học phí cho sinh viên có hộ khẩu TP. Đà Nẵng, hỗ trợ/tài trợ chi phí chỗ ở cho sinh viên ngoài TP. Đà Nẵng theo học vi mạch tại Đà Nẵng và cam kết làm việc tại Đà Nẵng (kể cả doanh nghiệp). Đặc biệt, thành phố cần làm cầu nối hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp.
Cần hành động cụ thể
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, nhìn nhận Đà Nẵng có nhiều cơ hội trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam và thế giới. Theo đó, chủ trương phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là động lực tăng trưởng mới và Đà Nẵng cũng có nhiều ưu điểm để phát triển công nghệ bán dẫn, như khu Công nghệ cao 5 - 100 ha cho nhà đầu tư; nguồn đất sạch, không gian 300 ha cho nghiên cứu phát triển và đào tạo, nguồn vốn từ Ngân hàng thế giới cho vay,…
“TP. Đà Nẵng có thể phát triển nguồn nhân lực bán dẫn có năng lực cao bằng nhiều cách như hợp tác với các trường Đại học và Viện nghiên cứu để triển khai các khóa học, thu hút nhân sự chất lượng cao về làm việc, xây dựng các cơ sở nghiên cứu tiên tiến. Bên cạnh đó, Chính quyền thành phố có thể thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng xây dựng nhà máy bán dẫn ở Đà Nẵng để trở thành địa điểm có nhiều nhà máy bán dẫn, góp phần nội địa hóa chuỗi cung ứng bằng cách làm trọn vẹn quy trình gồm thiết kế, sản xuất, đóng gói, kinh doanh. Việc phát triển công nghệ bán dẫn cũng cần bảo không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, khai thác đất hiếm bừa bãi”, ông Trương Gia Bình nhìn nhận.
Ông Nguyễn Văn Quảng – Bí Thư thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo Thành phố cần triển khai xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn TP. Đà Nẵng để triển khai kịp thời, trong đó đánh giá đầy đủ thực trạng về nguồn nhân lực, doanh nghiệp trên lĩnh vực bán dẫn và vi mạch. Đồng thời, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu, bổ sung thêm lĩnh vực vi mạch, bán dẫn vào lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố để có nguồn lực cho đào tạo nhân lực và đầu tư phát triển.
“Triển khai ngay Chương trình đào tạo tăng tốc bằng cách chọn, thu hút các kỹ sư ngành gần vi mạch, bán dẫn (mới ra trường) để đào tạo chuyên sâu, trong thời gian ngắn (trên dưới 01 năm) để kịp thời có nhân lực phục vụ. Đặc biệt, các trường đại học rà soát và có kế hoạch tổ chức đào tạo kỹ sư ngành gần vi mạch, bán dẫn. Đồng thời thu hút chuyên gia đã thành công, kinh nghiệm đến TP. Đà Nẵng để có được chuyển giao tri thức, kinh nghiệm và tiếp nhận công nghệ”, ông Quảng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Đà Nẵng cần triển khai khảo sát, rà soát toàn diện các doanh nghiệp vi mạch, bán dẫn hiện có và đề xuất chính sách hỗ trợ ban đầu để phát triển, lan toả. Đặc biệt, cần kết hợp giữa Nhà nước - Nhà Trường - Doanh nghiệp - Nhà khoa học để tạo tiền đề cho ngành. Song song với đó, Đà Nẵng cần đưa nội dung vi mạch, bán dẫn vào chương trình xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế, áp dụng ngay từ năm 2024; quyết tâm thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và bán dẫn, đóng gói và kiểm thử đầu tư vào Đà Nẵng.
Có thể bạn quan tâm