Ngành du lịch Hải Phòng đang tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động để hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp du lịch tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
>>>Du thuyền vịnh Lan Hạ: Xu hướng du lịch mới
>>>Doanh nghiệp Du lịch Hải Phòng và câu chuyện thích ứng chuyển đổi số
Nhiều thủ tục được giải quyết nhanh chóng
Du lịch Hải Phòng đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Chuyển đổi số là giải pháp, cũng là hướng đi tất yếu giúp du lịch Hải Phòng tăng tốc bứt phá và phát triển bền vững.
Các chuyên gia nhận định rằng, Hải Phòng là thành phố đầy đủ tiềm năng phát triển du lịch trong đó có cả đường sắt, đường bộ, đường hàng không. Hệ thống tài nguyên du lịch phong phú cả về tự nhiên và văn hóa với các địa điểm du lịch sinh thái và di tích lịch sử. Du lịch Hải Phòng ngày càng trở thành chiến lược mũi nhọn. Việc ứng dụng công nghệ số trong ngành du lịch là xu thế tất yếu trong thời công nghệ 4.0, giúp ngành du lịch khai thác hiệu quả hơn các giá trị trên môi trường số.
Ông Vũ Huy Thưởng – Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết, du lịch được xác định là một trong ba ngành mũi nhọn, chiến lược cho sự phát triển của TP Hải Phòng. Do vậy, việc đẩy nhanh công tác cải cách hành chính giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trong ngành du lịch thành phố thuận lợi, hài lòng, góp phần trực tiếp vào việc kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch thành phố.
Cũng theo ông Thưởng, để tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh, lưu trú dịch vụ du lịch, Sở Du lịch Hải Phòng đã ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động cải cách hành chính. Cụ thể, nâng cấp thủ tục hành chính đối với việc công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch hạng 1-3 sao với cơ sở lưu trú du lịch từ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm thời gian thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa từ 5 ngày làm việc xuống còn 4 ngày làm việc; giảm thời gian thực hiện thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa trong trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc.
“Hiện Sở Du lịch Hải Phòng đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với 100% thủ tục hành chính mức độ 4; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 14 thủ tục hành chính và mức độ 2 đối với 12 thủ tục hành chính lĩnh vực du lịch”, ông Thưởng cho biết thêm.
Theo bà Phạm Thị Tuyết Mai - Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hải Phòng, khi đến xin xác nhận tại Sở Du lịch Hải Phòng, chúng tôi đã được hướng dẫn khai báo thông tin trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt. Với việc ứng dụng chuyển đổi số vào cải cách thủ tục hành chính giúp cho doanh nghiệp chúng tôi tiết kiệm thời gian đi lại, mang lại cơ hội cho ngành du lịch có thể phát triển bền vững hơn.
Không chỉ ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực cải cách hành chính, năm 2022 cũng đánh dấu bước đột phá của ngành du lịch Hải Phòng khi cho ra mắt bản đồ số Hải Phòng City Tour, Sàn giao dịch du lịch trực tuyến và phát động chiến dịch quảng bá #HelloHaiPhong trên nền tảng TikTok với tên chính thức “Haiphongtourismofficial”. Đây được cho là một bước mở rộng hoạt động quảng bá du lịch trên các nền tảng số, trong chương trình, phạm vi chuyển đổi số thuộc lĩnh vực du lịch.
Để du lịch trở thành trụ cột kinh tế
Chuyển đổi số là định hướng chiến lược của ngành du lịch Việt Nam nói chung và ngành du lịch Hải Phòng nói riêng. Đặc biệt khi Hải Phòng được xác định là trọng điểm về phát triển du lịch của cả nước, nằm trong khu vực động lực phát triển du lịch Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình, thì quá trình chuyển đổi số càng cần được đẩy mạnh để đưa du lịch trở thành 1 trong 3 trụ cột kinh tế của TP Hải Phòng.
>>>Hải Phòng thúc đẩy đầu tư với Hà Lan trong lĩnh vực cảng biển, logistics
>>>Hải Phòng: Xúc tiến thương mại và đầu tư với Đan Mạch trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi
Ông Vũ Huy Thưởng - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hải Phòng cho biết: “Đại dịch là chất xúc tác thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Công nghệ mang lại các giải pháp giúp ngành du lịch có thể mở cửa một cách an toàn và phục hồi sau những tác động chưa từng có tiền lệ từ đại dịch. Với hoạt động này, TP Hải Phòng sẽ đẩy nhanh quá trình số hóa ngành du lịch, hướng tới thúc đẩy du lịch không chạm thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp, người dân Hải Phòng sử dụng các nền tảng kỹ thuật số trong lĩnh vực du lịch”.
Thực tế, chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp du lịch thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường khi dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, mà tại các điểm đến cũng đang định hình chuyển đổi số mang tới những trải nghiệm thuận tiện và an toàn cho du khách như các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR giới thiệu hiện vật... Điểm đáng chú ý là nhiều địa phương đã thực sự hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực… tại các điểm du lịch, đồng thời du khách có thể gửi phản ánh đến chất lượng dịch vụ đến cơ quan quản lý.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, phát triển du lịch phải song song với đảm bảo an toàn cho du khách, thì số hóa chính là giải pháp khắc phục nhanh nhất những “tổn thương” của ngành du lịch. Bởi nó sẽ tạo cho du khách những trải nghiệm từ xa, giúp hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu du lịch thông minh để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ của ngành du lịch.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hà - Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Hải Phòng cho biết: Toàn bộ quy trình nội bộ về hành chính thì chúng tôi đều số hoá hết. Tất cả nhân viên đều trình ký văn bản bằng phần mềm quản lý hành chính, phần mềm về bảo hiểm, tính lương… Về quản trị kết quả kinh doanh, chúng tôi đều thực hiện báo cáo qua phần mềm quản trị, như vậy tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí và công sức.
Có thể bạn quan tâm