Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp mới đến từ Hàn Quốc đã tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam để gia nhập thị trường vốn được mệnh danh là “thỏi nam châm” thu hút FDI của khu vực.
Bên cạnh lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo, nhà đầu tư Hàn Quốc đang quan tâm tới lĩnh vực năng lượng tái tạo. Mới đây nhất phải kể đến Công ty Công nghiệp IL Yang đã đề xuất kế hoạch nghiên cứu và tiến tới đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời tại huyện Hải Lăng với công suất 500 MW và huyện Vĩnh Linh công suất 200 MW tại tỉnh Quảng Trị.
Nhà đầu tư Hàn Quốc đổ vốn vào Việt Nam
Còn nhớ, năm 2017 Tập đoàn Inison Hàn Quốc cũng đã hợp tác cùng với Công ty cổ phần Năng lượng Dầu khí châu Á (Việt Nam) đăng ký đầu tư dự án nhà máy điện gió Duyên Hải giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 125 triệu USD tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
Nhà máy có công suất thiết kế khoảng 48,3 MW, bao gồm 21 tuabin, mỗi tuabin với công suất 2,3 MW. Dự kiến, sản lượng cung cấp hàng năm sẽ đạt khoảng 135,2 nghìn MWh.
Đây cũng là một trong số 3 dự án đầu tư điện năng lớn của Hàn Quốc vào Việt Nam. Những dự án này góp phần nâng tổng vốn đầu tư đăng ký từ Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 58,1 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê. Ngoài ra, những dự án đầu tư này cũng góp phần đưa tỷ trọng đầu tư FDI trong lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước đạt 20,8 tỷ USD chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.
Trong bối cảnh, dân số ngày càng tăng cao, nhu cầu sử dụng nguyên liệu ngày càng gia tăng, trong đó có điện năng. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu hoá thạch của Việt Nam đang ngày càng cạn kiệt, muốn phát triển bền vững, việc xây dựng một chiến lược thu hút đầu tư điện năng từ năng lượng sạch đã sớm được Chính phủ Việt Nam ban hành. Trong đó phải kể đến, chiến lược Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030.
Những chính sách hỗ trợ kịp thời
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Việt Nam sẽ đẩy nhanh phát triển nguồn điện sản xuất từ năng lượng tái tạo và giảm tỷ trọng thuỷ điện. Nhằm hiện thực hoá mục tiêu này, Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo”.
Cụ thể, đó những những ưu đãi về tín dụng đầu tư, thuế nhập và xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê và sử dụng đất cho các dự án năng lượng tái tạo, hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ về năng lượng.
“Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư, tiếp nhận khoa học – công nghệ để phát triển ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện trong nước”, ông Võ Tân Thành chia sẻ thêm.
Như vậy về mặt chính sách, Việt Nam đã có những chính sách khuyến khích kịp thời với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Hàn Quốc. Chính những chính sách này đã góp phần quan trọng khiến nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Chia sẻ về một trong những lý do khiến nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục mở rộng và đầu tư mới tại thị trường Việt Nam, ông Chang Book Sang - Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn CJ Việt Nam nhận định: “Bên cạnh các chính sách khuyến khích đầu tư, công tác cải cách thủ tục hành chính đã tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp và mang lại hiệu ứng lan toả tốt. Doanh nghiệp FDI được đối xử công bằng như doanh nghiệp nội..., là những lý do khiến doanh nghiệp này trong năm 2017 đã mở rộng đầu tư tại Việt Nam bằng dự án Khu Trung tâm hậu cần Sóng Thần (Bình Dương), phần vốn đầu tư của CJ ước tính lên đến 20 triệu USD.
Cũng theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, tính đến ngày 20/01/2018, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 187,1 tỷ USD, chiếm 58,4% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 53,2 tỷ USD, chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư, sản xuất, phân phối điện, khí nước với 20,8 tỷ USD, chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư.
Hiện nay, cũng đã có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 58,1 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ hai với 49,46 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư, tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Britishvirgin Island, Hồng Kông (Trung Quốc).