Kế hoạch phục hồi ngành đóng tàu của Hoa Kỳ có thể giáng một đòn mạnh vào chuỗi cung ứng vận tải biển toàn cầu.
Dự kiến thu phí tàu biển cập cảng Hoa Kỳ của Tổng thống Trump có nguy cơ làm đảo lộn vận tải hàng hóa bằng đường biển; đồng thời sẽ tái cấu trúc toàn bộ ngành công nghiệp đóng tàu.
Cũng như nhiều ngành công nghiệp khác, bao gồm sản xuất ô tô, chất bán dẫn, năng lượng, trí tuệ nhân tạo (AI) đến hàng tiêu dùng, nông sản…, Tổng thống Donald Trump muốn mọi doanh nghiệp phải chuyển nhà máy đến Hoa Kỳ. Việc làm, thu nhập được tạo ra, thương mại cân bằng, đó mới là “nước Mỹ trở lại” – khẩu hiệu của ông Trump trong chiến dịch tranh cử.
Thuế và phí lần này dự kiến sẽ áp dụng với tàu chở hàng của tất cả doanh nghiệp đang sử dụng phương tiện do Trung Quốc sản xuất, và ngay cả với các con tàu còn trong sổ đặt hàng - nếu chúng cập cảng Hoa Kỳ.
Phí dịch vụ của Hoa Kỳ có thể lên tới 1 triệu đô la Mỹ cho mỗi tàu do các công ty vận tải biển Trung Quốc trực tiếp vận hành. Đối với các hãng vận tải biển không do Trung Quốc sở hữu nhưng sử dụng đội tàu do Trung Quốc đóng, phí dịch vụ có thể lên tới 1,5 triệu đô la Mỹ cho mỗi lần cập cảng Hoa Kỳ.
Theo đề xuất, một tàu container trung bình 6.600 TEU có thể phải chịu gần 6.350 đô la Mỹ phí cho mỗi container 40 feet. Con số này sẽ gấp đôi tổng giá cước giao ngay đến và đi kết hợp giữa New York và Rotterdam.
Các nhà máy đóng tàu của Hoa Kỳ sản xuất ít hơn 10 tàu mỗi năm, trong khi Trung Quốc sản xuất 1.000 tàu, kế đến là Hàn Quốc và Nhật Bản. Đối với các loại tàu tải trọng nhỏ hơn còn có Việt Nam và Philipines.
Kế hoạch thu phí nói trên của chính quyền Trump đã gây chấn động ngành hàng hải Hoa Kỳ, bởi hầu hết các tàu container hiện nay có nguồn gốc từ châu Á. Seaboard Marine, hãng vận tải hàng hóa đường biển quốc tế lớn nhất do Hoa Kỳ sở hữu - có 16 tàu do Trung Quốc đóng trong đội tàu gồm 24 chiếc.
Tổng Giám đốc điều hành của Seaboard Marine Edward Gonzalez, cho biết: “Lợi ích quốc gia thật khó nhìn thấy nếu nỗ lực thúc đẩy ngành đóng tàu của Hoa Kỳ vô tình phá hủy các hãng vận tải biển trong nước”.
Ông Nate Herman, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giày dép và May mặc Hoa Kỳ cho rằng, phí cập cảng sẽ dẫn đến mất việc làm cho người lao động Hoa Kỳ; chi phí xuất khẩu và nhập khẩu của nước này sẽ cao hơn, cũng như tình trạng thiếu hụt hàng hóa và giá cả tăng đối với người tiêu dùng.
Để tránh hoàn toàn các loại phí trong đề xuất hiện tại, các nhà khai thác tàu phải có trụ sở bên ngoài Trung Quốc, có đội tàu ít hơn 25% số tàu được đóng tại Trung Quốc và không có đơn đặt hàng hoặc giao hàng tại xưởng đóng tàu Trung Quốc nào được lên lịch trong vòng hai năm tới.
Theo Hội đồng Vận tải biển Thế giới, ước tính 98% đội tàu toàn cầu sẽ phải chịu phí khi cập cảng Hoa Kỳ, tương đương khoảng 12.410 chiếc. Chi phí này sẽ được các hãng tàu tính thêm vào cước vận tải và một phần khác sẽ được các doanh nghiệp nhập khẩu chuyển cho người tiêu dùng.
Một tham chiếu thiệt hại đối với vùng Caribe cho thấy tàu do Trung Quốc đóng chiếm 45% tổng số đội tàu của các hãng tàu thành viên trong khu vực này. Phí 1 triệu đô la Mỹ đối với tàu 5.000 TEU tương đương 400 đô la Mỹ/container 40 feet.
Trong khi đó, với các tuyến thương mại Đông - Tây phục đến các cảng lớn hơn của Hoa Kỳ, phí 1 triệu đô la Mỹ tương đương với 2.000 đô la Mỹ/container 40 feet cho mỗi lần cập cảng đối với tàu 1.000 TEU.
Như vậy, các chủ hàng là doanh nghiệp xuất khẩu tại nhiều quốc gia sẽ phải tìm kiếm đối tác vân tải mới, hoặc chịu thêm chi phí để có thể đưa hàng đến thị trường Hoa Kỳ. Điều này có nguy cơ gây nên tình trạng “phí chồng lên thuế”, khiến biên lợi nhuận xuất khẩu bị “ăn mòn’.
Dữ liệu về các chuyến tàu container năm 2024 tại tất cả các cảng của Hoa Kỳ cho thấy những tàu có sức chứa từ 1.000 TEU đến 1.999 TEU là những tàu có trọng tải do Trung Quốc đóng nhiều nhất, ở mức 61%.
Với hơn 40% tổng lượng hàng nhập khẩu đóng container vào Hoa Kỳ đến trực tiếp từ Trung Quốc, thì có rất nhiều doanh nghiệp và rất nhiều người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng.
Với Việt Nam, 95% hàng hóa xuất nhập khẩu phụ thuộc các hãng tàu ngoại. Đặc biệt, những loại hàng hóa xuất khẩu chủ lực, như: dệt may giày dép, điện tử, điện máy, nông sản, hóa chất , máy móc, ô tô,… phần lớn được vận chuyển bằng đường biển. Nếu các phương tiện vận chuyển thuộc đối tượng thu phí cập cảng của Hoa Kỳ, sẽ là vấn đề lớn với nhiều doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ cần lên phương án ứng phó.
Phí dịch vụ của Hoa Kỳ có thể lên tới 1 triệu đô la Mỹ đối với mỗi tàu do các công ty vận tải biển Trung Quốc trực tiếp vận hành.