Cử tri không còn đơn thuần phản ánh những vụ việc mà đã hiến kế đến Đảng, Chính phủ và Quốc hội.
Diễn biến đợt tiếp xúc cử tri với ĐBQH trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng càng lúc càng đi vào những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm nhất hiện nay. Sai phạm và vấn đề xử lý sai phạm ra sao vẫn là từ khóa “hot” nhất. Cử tri không còn đơn thuần phản ánh những vụ việc mà đã hiến kế đến Đảng, Chính phủ và Quốc hội.
Sáng 27/4 tại Trung tâm hành chính Quận Sơn Trà, cử tri Huỳnh Luyến, đưa ra câu hỏi khiến cả hội trường lắng xuống: “Nhiều vi phạm không xử lý triệt để, chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm liên đới, chưa thấy đả động gì đến người đứng đầu!”.
Vấn đề của cử tri Luyến đặt ra cho thấy vì sao thực trạng tham nhũng, lãng phí, cán bộ trung, cao cấp có xu hướng vi phạm nghiêm trọng trong thời gian qua. Nhiều lão thành cách mạng là công dân thành phố tỏ thái độ “đau xót”, “mất ngủ”, “rơi nước mắt” và “khó hiểu” trước nghịch cảnh nhiều lãnh đạo phải đối mặt với luật pháp do chính họ đặt ra.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 27/04/2018
17:17, 26/04/2018
12:45, 26/04/2018
11:48, 26/04/2018
Trao đổi bên lề hội nghị, một cử tri cao tuổi (xin được dấu tên) tâm sự, với thực trạng hiện tại, nếu truy trách nhiệm liên đới không biết kết quả thế nào, mặc dù vậy nhưng muốn trong sạch, vững mạnh không còn cách nào khác là phải làm, dù có đau đớn đến đâu chăng nữa.
Có mặt tại hội nghị, cử tri Lê Văn Bình bày tỏ băn khoăn: “Cơ quan chức năng dường như chưa mạnh tay với tham nhũng, lãng phí”, cử tri này hiến kế: “Không nên để về hưu rồi mới xử lý, mà phải tiến hành ngay khi mới manh nha sai phạm”. Ông Bình chốt lại: “Nhôm đã cháy, mong rằng sắt thép cũng phải cháy!”.
Theo vị cử tri này, một trong những rào cản là chậm công bố kết quả thanh tra, kiểm tra ở những nơi người dân đã thấy rõ mồn một. Điển hình như vụ “biệt phủ ở Yên Bái” nhiều lần trì hoãn công bố. Hay việc thanh tra tình hình sử dụng đất đai trên bán đảo Sơn Trà, đã hơn 7 tháng trôi qua chưa thấy kết quả thông báo đến người dân!
Theo thông tin từ lãnh đạo UBND Quận Sơn Trà, “kết quả thanh tra đã “ra” dự thảo”, trình Chính phủ xem xét.
Điều mà nhiều cử tri mong muốn là thời điểm nào họ tận thấy thông báo kết luận? Nếu dời ngày công bố phải có lý do thật sự xác đáng, vì trong khi “chờ” người ta có thể “dựng” lên bằng chứng ngoại phạm.
Giải pháp kiểm soát quyền lực bằng “lồng cơ chế” đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý hồi năm ngoái. Nhưng ý kiến của cử tri Nguyễn Văn Có nhấn mạnh thêm rằng: “vẫn chưa có cơ chế cụ thể nào để kiểm soát quyền lực, cần thiết phải Luật hóa chủ trương kiểm soát quyền lực”.
“Lợi ích nhóm” là cụm từ được nhắc rất nhiều mấy năm gần đây, thực tế cho thấy vài cá nhân đơn lẻ không thể một tay che cả bầu trời, gây đại họa cho xã hội phải có ai đó “chống lưng”. Thế nên đòi hỏi truy trách nhiệm liên đới của cử tri là biện pháp tốt nhất để “bứng” tận gốc sai phạm.
Một câu hỏi khó được cử tri Trần Ngọc Lưu đặt ra tại buổi tiếp xúc: “Bao giờ Đà Nẵng hết lợi ích nhóm? Vì điều kiện đủ để sai phạm không bị xử lý triệt để chính là “lợi ích nhóm”.