Cúc Phương vào mùa bướm, một “đặc sản” thiên nhiên mà hiếm nơi nào có được. Bắt đầu từ tháng Tư, nhưng phải đến nửa cuối tháng Năm, vẻ đẹp ấy mới thực sự trọn vẹn.
Những cơn mưa rào đầu hè gột rửa vòm trời, mang lại một không gian trong trẻo cho bướm bay rợp trời, tạo nên sức hút kỳ lạ không chỉ với du khách, mà cả với những người làm du lịch sinh thái.
Con đường dẫn vào rừng Cúc Phương quanh co bên triền ruộng ngô xanh ngát, nơi những bắp ngô non vươn lên giữa màu nâu hung của râu ngô đong đưa, như đội hình chỉnh tề của những chú lính chì canh gác biên giới thiên nhiên. Đường nhựa nhẵn mịn, xe bon bon như lướt giữa làn gió rừng lồng lộng mang theo hương gỗ và lá mục.
Trong không gian ấy, tự dưng trong lòng ngân nga lời hát trong trẻo về Cúc Phương:
“Ơi Cúc Phương ơi, chiều nay tôi đến thăm em
Bâng khuâng giữa Động Người Xưa, vui với cây chò ngàn năm...”
Ngay từ cửa rừng, du khách như bước vào một thế giới tách biệt. Là một trong những vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, thành lập từ năm 1962, Cúc Phương vẫn giữ được nét nguyên sơ nhờ bảo tồn nghiêm ngặt không chỉ là lá phổi xanh của khu vực, mà còn là "tài sản xanh" tạo nền tảng cho phát triển kinh tế bền vững.
Mỗi năm, hàng chục nghìn du khách đến Cúc Phương, không chỉ để ngắm rừng già, cây chò chỉ ngàn năm tuổi, sưa đỏ quý hiếm hay voọc mông trắng mà còn để đắm mình trong mùa bướm huyền ảo. Thảm thực vật đa dạng với hơn 2.200 loài thực vật là nền tảng sinh thái lý tưởng cho hơn 2.000 loài côn trùng, hàng trăm loài chim, bò sát, động vật quý hiếm phát triển…, tạo ra tiềm năng lớn cho nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, và đặc biệt là du lịch sinh thái.
Giữa khung cảnh xanh tươi, bướm bay trắng trời như những đám mây sống động. Có những đoạn đường mà bướm bay quanh người như trong chuyện cổ tích, quyện quanh hoa cỏ, tạo thành "dòng sông bướm" uốn lượn giữa rừng già. Bướm không chỉ là điểm nhấn cảnh quan mà còn là “đại sứ hình ảnh” cho du lịch Cúc Phương – mỗi bức ảnh check-in với bướm là một lần quảng bá tự nhiên miễn phí, hiệu quả hơn mọi chiến dịch truyền thông.
Tại hồ Mạc, điểm dừng chân lý tưởng cách cổng rừng chưa đầy cây số, bướm bay dày đặc ven mặt nước, phản chiếu trong làn hồ trong xanh và mây trời, tạo nên những bức hình tuyệt đẹp được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Điều này không chỉ thu hút khách du lịch nội địa mà còn hấp dẫn du khách quốc tế, đặc biệt là những người yêu nhiếp ảnh và khám phá thiên nhiên hoang dã.
Cũng nhờ nhu cầu du lịch ngày càng tăng, Cúc Phương dần mở rộng thêm dịch vụ ăn nghỉ, các tuyến tham quan chuyên sâu như tour đom đóm đêm, động vật hoang dã ban đêm. Đây chính là hướng đi đúng đắn: phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, nơi mỗi bước chân du khách đều góp phần vào ngân sách bảo tồn thiên nhiên và tạo việc làm bền vững cho cộng đồng địa phương.
Ấn tượng hơn cả là tinh thần văn minh của người trẻ đến rừng: không xả rác, không ồn ào, cùng nhau chia sẻ vị trí đẹp để chụp bướm, tự tổ chức hướng dẫn lẫn nhau. Họ không chỉ là khách tham quan mà còn là những “đại sứ xanh” truyền đi tinh thần yêu thiên nhiên, sống xanh và du lịch có trách nhiệm.
Một cô gác rừng kể vui: “Bướm cũng chọn người, trời càng nắng càng nhiều bướm, nhưng muốn bướm bay đến thì phải rắc… mắm tôm trước vài ngày”. Câu chuyện tưởng hài hước ấy lại cho thấy sự tinh tế của tự nhiên – bướm tìm đến nơi có khoáng chất, tạo thành những cụm bướm dày đặc thu hút hàng trăm ống kính. Ở đó, mỗi cánh bướm lại là một “đơn vị xúc tác kinh tế” khi kéo theo chuỗi giá trị dịch vụ du lịch, tiêu dùng địa phương và ý thức bảo tồn.
Cúc Phương không chỉ là nơi trú ngụ của rừng cây, côn trùng, chim thú – mà còn là minh chứng sống động cho mối quan hệ hài hòa giữa thiên nhiên và kinh tế. Một mùa bướm không chỉ làm đẹp thêm những ngày tháng Năm, mà còn mở ra cánh cửa cho phát triển kinh tế sinh thái bền vững, nơi mỗi cánh bướm là một lời mời gọi dịu dàng từ thiên nhiên.