“Cuộc chiến nảy lửa” Boeing- Airbus

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 29/08/2020 11:13

Lịch sử ngành hàng không chứng kiến màn đối đầu không khoan nhượng giữa Boeing (Mỹ) và Airbus (EU). Cuộc chiến lần này liên quan đến “ván bài” thuế giữa Mỹ và EU.

Mỹ đang xem xét áp thuế đối với 3,1 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Anh, Tây Ban Nha, Đức và Pháp trong bối cảnh căng thẳng xung quanh vấn đề trợ cấp cho Boeing, Airbus.

 Boeing được cho là linh hoạt về thị trường hơn Airbus, Airbus không có nhiều sự lựa chọn liên doanh ngoài EU.

Boeing được cho là linh hoạt về thị trường hơn Airbus, Airbus không có nhiều sự lựa chọn liên doanh ngoài EU.

Không đội trời chung

Airbus đang “làm mưa làm gió” ở Châu Âu, trong khi Boeing hùng bá tại Châu Mỹ. Các thị trường Châu Phi, Châu Á luôn luôn chứng kiến màn cạnh tranh kịch liệt giữa 2 hãng này để giành đơn hàng.

Trong khi Airbus chú trọng vào công nghệ, kỹ thuật, số lượng hành khách có thể vận chuyển trên mỗi chuyến bay, thì Boeing tập trung tối ưu hóa lợi nhuận cho khách hàng khai thác, tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu giá thành bảo dưỡng,…

Đặt lên bàn cân, Boeing được cho là linh hoạt hơn Airbus - họ có mối liên minh chặt chẽ với các nhà công nghệ lớn như Mitsubishi, Kawasaki, trong khi đó do được hợp thành từ nhiều công ty nhỏ trải khắp “lục địa già”, nên Airbus không có nhiều sự lựa chọn liên doanh ngoài EU.

Nhưng do được định giá sản phẩm bằng USD, nên Boeing luôn gặp bất lợi trong hoạt động xuất khẩu, bởi vì tỷ giá USD liên tục tăng so với EUR.

Dùng thuế để phân thắng bại

Boeing và Airbus mỗi bên có lợi thế riêng, nên cuộc cạnh tranh này vẫn chưa có hồi kết. Với đặc điểm kinh tế tư bản - trong những trường hợp này họ sẽ sử dụng bàn “tay hữu hình”- đó là sự can thiệp của Chính phủ.

Từ tháng 10/2019 đến nay, Cơ quan đại diện thương mại Mỹ đã hai lần tăng thuế, tổng cộng 15% đối với các máy bay sản xuất tại Châu Âu. Lý do là Chính phủ Mỹ cáo buộc Airbus được trợ cấp quá đà. Không dừng lại ở đó, Chính phủ Mỹ tiếp tục đe dọa áp thuế bổ sung với lượng hàng hóa trị giá 7,5 tỷ USD nhập khẩu từ EU.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu được thúc đẩy tự do hóa, phi thuế quan hóa thì mức thuế từ 10 - 15% là bất thường, nếu không muốn nói đây là bước khởi đầu cho cuộc chiến tranh thương mại mới.

Airbus phải nhượng bộ khi chấp nhận trả lãi cao hơn cho các khoản vay từ ngân hàng Tây Ban Nha và Pháp để xoa dịu cơn giận của Mỹ, đồng thời Châu Âu cũng khơi lại vụ Boeing từng nhận 19 tỷ USD từ Chính phủ Mỹ giai đoạn 1989 – 2006.

Vấn đề ngấm ngầm trong cuộc chiến này là tìm mọi cách triệt hạ đối thủ khi khả năng sáng tạo, công nghệ, kỹ thuật đã tới hạn và khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh COVID-19 đang bao vây các doanh nghiệp khổng lồ.

“Ván bài” thuế tạm thời nghiêng về Mỹ, bởi sức mạnh “mềm” của quốc gia này, nhưng đó cũng là lý do mà cho đến nay, Mỹ- EU chưa có Hiệp định thương mại ổn định. Nếu tiếp tục giữ chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ II, rất có thể ông Trump sẽ phát động thương chiến với EU.

Có thể bạn quan tâm

  • Đã qua rồi kỷ nguyên của “nữ hoàng bầu trời” Boeing 747?

    Đã qua rồi kỷ nguyên của “nữ hoàng bầu trời” Boeing 747?

    06:34, 05/07/2020

  • Cách Boeing “thoát” khủng hoảng

    Cách Boeing “thoát” khủng hoảng

    07:00, 30/04/2020

  • “Đường băng” khác biệt của Airbus

    “Đường băng” khác biệt của Airbus

    11:30, 15/04/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Cuộc chiến nảy lửa” Boeing- Airbus
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO