Cách Boeing “thoát” khủng hoảng

Nguyễn Chuẩn 30/04/2020 07:00

Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu từ các ngành sản xuất cho đến dịch vụ du lịch, Boeing làm thế nào để “đào thoát” khỏi “cơn đau đầu tài chính”?

Theo một nguồn thạo tin cho biết, Boeing đang "vẽ" ra một kế hoạch hợp tác với các ngân hàng đầu tư về gói tài trợ bằng trái phiếu trị giá hàng tỷ đô la, nhằm mục đích củng cố bảng cân đối kế toán trong bối cảnh suy thoái toàn cầu do đại dịch COVID-19.

Trụ sở nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới tại Chicago, Illinois, Hoa Kỳ.

Trụ sở Boeing, nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới tại Chicago, Illinois, Hoa Kỳ.

Mới đây, Boeing đã lần lượt gõ cửa các ngân hàng đầu tư để có khả năng đưa ra thị trường chào bán trái phiếu cho các nhà đầu tư trong những ngày tới.

Thời gian và quy mô chính xác của đợt chào bán chưa được quyết định. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin thân cận, số tiền thu được có thể lên tới 10 tỷ USD, tùy thuộc vào nhu cầu của nhà đầu tư. Công ty dự kiến sẽ xây dựng các lựa chọn tài trợ của mình khi công bố doanh thu quý đầu tiên vào thứ Tư.

Trước đây, Boeing cũng đã từng xem xét việc nộp đơn lên Bộ Tài chính Hoa Kỳ để yêu cầu viện trợ theo chương trình trị giá 17 tỷ USD cho các công ty quan trọng đối với an ninh quốc gia nước này. Nhưng CEO của Boeing, David Calhoun, lại hết sức cảnh giác với các chương trình viện trợ như vậy, ông cho rằng, rất có thể công ty sẽ phải trao cho chính phủ Mỹ một số cổ phần nhất định.

Bên cạnh đó, Boeing cũng đang kiểm tra các gói hỗ trợ tài chính từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Một trong những chương trình mới thành lập của FED là "Cơ sở Tín dụng Doanh nghiệp Thị trường chính", sẽ cung cấp hỗ trợ cho các công ty phát hành trái phiếu mà không đặt bất kỳ điều kiện nghiêm ngặt nào đối với họ, chẳng hạn như giới hạn chi trả cổ tức hoặc bồi thường điều hành.

Hiện tại, Boeing đang cố gắng đưa dòng máy bay 737 MAX hoạt động trở lại sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng năm 2018 và 2019.

Boeing 737 MAX, dòng máy bay đắt hàng nhất của Boeing trước đây, đã bị cấm bay trên toàn toàn thế giới sau khi một máy bay loại này của hãng hàng không Ethiopian Airlines trên hành trình từ Addis Ababa tới thủ đô Nairobi của Kenya hồi tháng 3 năm 2019 bị rơi chỉ một thời gian ngắn sau khi cất cánh khiến toàn bộ 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Trước đó là vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Lion Air hồi tháng 10/2018, chiếc Boeing 737 MAX cũng rơi và chìm xuống biển Java của Indonesia không lâu sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta, khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Theo các chuyên gia hàng không, ít nhất phải đến tháng 8 mới có cơ sở cho việc cất cánh vì nhà sản xuất vẫn đang phải tiếp tục vật lộn với các vấn đề phần mềm.

Tình hình hiện tại của Boeing vẫn đang chưa cho thấy dấu hiệu khả quan, quý đầu tiên của Boeing chỉ rơi vào khoảng 1/3 số đơn hàng cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất kể từ năm 1984.

Công ty có trụ sở tại Chicago này cũng đang dính vào vụ “lùm xùm” hủy hợp đồng trị giá 4,2 tỷ USD với Embraer SA và công ty của Brazil này đang đưa mọi việc ra tòa án.

Có thể bạn quan tâm

  • Hàng không tăng tốc sau COVID-19 ?

    Hàng không tăng tốc sau COVID-19 ?

    11:00, 25/04/2020

  • Hàng không Mỹ: Gói cứu trợ 50 tỷ USD như… “muối bỏ biển”

    Hàng không Mỹ: Gói cứu trợ 50 tỷ USD như… “muối bỏ biển”

    05:51, 29/03/2020

  • “Đường băng” khác biệt của Airbus

    “Đường băng” khác biệt của Airbus

    11:30, 15/04/2020

Cũng trong ngành hàng không, nhà sản xuất máy bay Airbus của Pháp đã công bố mức sụt giảm 49% lợi nhuận hoạt động trong quý đầu tiên, từ 304,7 triệu USD xuống còn 281 triệu euro bên cạnh việc doanh thu sụt giảm 15% trong một cuộc khủng hoảng ngành công nghiệp hàng không toàn cầu chưa từng có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cách Boeing “thoát” khủng hoảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO