Các công ty công nghệ đang ngày càng nhận thức rõ hơn về việc một tương lai ít toàn cầu hóa hơn
Các quốc gia và các công ty trên thế giới đang bị cuốn vào một cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ - Trung Quốc. Tại đây họ buộc phải "chọn phe" trong một cuộc xung đột được đáng giá là đang phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy các doanh nghiệp ra khỏi những thị trường "béo bở".
TikTok là "nạn nhân" mới nhất trong cuộc chiến này. TikTok đang tạo ra một cơn sốt trên toàn cầu, đặc biệt là giới trẻ. Nền tảng chia sẻ video trực tuyến này đang có hàng trăm triệu người dùng tại các thị trường như Ấn Độ và Mỹ. Điều đáng nói TikTok thuộc sở hữu của ByteDance, một công ty Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, song lại có một CEO người Mỹ.
"Tai họa" ập đến với TikTok vào tháng trước khi mà ứng dụng này bị cấm tại Ấn Độ. Theo đó, TikTok cùng 58 ứng dụng khác của Trung Quốc đã bị cấm tại quốc gia Nam Á này sau những căng thẳng về biên giới giữa 2 nước.
Ít ngày sau đó, vận hạn lại tiếp tục đến TikTok khi mà chính quyền Mỹ cho biết đang cân nhắc cấm ứng dụng này bởi những lo ngại về an ninh quốc gia.
"Việc trở thành một nền tảng công nghệ toàn cầu đã thực sự trở nên khó khăn hơn", Dipayan Ghosh, đồng giám đốc Dự án Dân chủ và Nền tảng Kỹ thuật số tại Trường Harvard Kennedy cho biết.
Hiện đang có một cuộc cạnh tranh khốc liệt về công nghệ giữa Mỹ - Trung Quốc tại nhiều lĩnh vực như: Trí tuệ nhân tạo, mạng di động 5G... Mặc dù 2 siêu cường này có mối quan hệ kinh tế lâu dài cho phép một số sự hợp tác. Song những căng thẳng gần đây về an ninh quốc, các mối quan hệ đối tác này dường như đang được xem xét lại.
Điều đáng nói những xung đột trong cuộc tranh về công nghệ không chỉ bó hẹp giữa Mỹ - Trung Quốc mà nó còn lan ra nhiều quốc gia khác. Ví dụ như tại Anh, nước này đang xem lại vai trò của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei trong việc xây mạng 5G. Điều này diễn ra sau khi Mỹ nhiều lần áp dụng lệnh trừng phạt Huawei.
"Các công ty công nghệ đang ngày càng nhận thức rõ hơn về việc một tương lai ít toàn cầu hóa hơn. Họ đang thực sự trong một tình trạng khó xử. Michael Witt, giáo sư cấp cao về chiến lược và kinh doanh quốc tế tại INSEAD nhấn mạnh.
Một cuộc cạnh tranh gay gắt
Theo CNN, trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ và Trung Quốc đã có những quan điểm trái ngược nhau về cách sử dụng công nghệ. Trong khi IBM và Microsoft dẫn dắt sự sáng tạo công nghệ tại Mỹ vào những năm 1980, thì tại Trung Quốc, nước này đã đặt nền móng cho Great Firewall – cơ chế kiểm duyệt khổng lồ đánh sập các nội dung phổ biến trên Internet tại các nước khác. Trung Quốc tạo ra một môi trường Internet khép kín, có kiểm soát. Hiện mô hình của Trung Quốc đang được một số nước học tập, tiêu biểu như Nga.
Thời gian qua, Trung Quốc đã mạnh tay đầu tư vào công nghệ với mục tiêu "Made in China 2025". Để thực hiện kế hoạch đầy tham vọng là giảm sự phục thuộc vào công nghệ nước ngoài, Bắc Kinh đã chi nhiều tỷ đô cho các lĩnh vực như công nghệ không dây, microchip hay robot.
Không ngồi yên, Mỹ đáp trả bằng cách hạn chế bước tiến của Trung Quốc.
Theo đó, Chính quyền Tổng thống Trump đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc ăn cắp công nghệ của Mỹ. Đây được xem là một vấn đề trọng tâm trong cuộc chiến thương mại giữa 2 quốc gia này, cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ giữa 2 gã khổng lồ này từ năm 2018 đến nay.
Đương nhiên Trung Quốc phản đối cáo buộc từ phí Mỹ khi cho rằng bất cứ công nghệ nào được trao cũng là một phần thỏa thuận đã được 2 bên đồng ý.
Không chỉ dừng lại ở cáo buộc, Mỹ đã áp dụng các lệnh trừng phạt đối với các công ty công nghệ nổi tiếng của Trung Quốc. Cùng với đó là việc thực hiện các biện pháp để hạn chế Bắc Kinh tiếp cận thị trường vốn rộng lớn của Mỹ.
Khi Washington leo thang căng thẳng với Bắc Kinh, hợp tác công nghệ quốc tế dường như ngày càng biến mất.
"Bắc Kinh đã kết luận rằng việc tách rời là không thể tránh khỏi. Trung Quốc sẽ mở rộng nỗ lực định hình lại công nghệ quốc tế, thương mại và kiến trúc tài chính để thúc đẩy tốt hơn lợi ích của mình trong một thế giới ngày càng phân hóa", một báo cáo của Tập đoàn Eurasia cho biết hồi đầu năm nay.
"Bức tường Berlin ảo"
Khi mối quan hệ giữa 2 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới xấu đi, nhiều chuyên gia lo ngại rằng những ảnh hưởng của nó sẽ tác động đến mọi nguồn lực trên toàn cầu, các công ty công nghệ cũng như các tập đoàn đa quốc gia.
""Bức tường Berlin ảo mới" sẽ thúc đẩy các nền kinh tế thế giới lựa chọn phe để theo", Eurasia phân tích.
"Cả Mỹ và Trung Quốc đều chứng minh rằng họ sẵn sàng vũ khí hóa chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu", các nhà phân tích nói thêm.
Căng thẳng toàn cầu cũng đang khiến các quốc gia coi những công ty công nghệ như một thực thể quốc gia, không phải thực thể toàn cầu.
"Đó là ý tưởng rằng một công ty công nghệ đa quốc gia đang đang được yêu cầu mang cờ của đất nước mình. Điều này hoàn toàn khác so với một thập kỷ trước", Samm Sacks, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Paul Tsai của Trường Luật Yale nhấn mạnh.
Huawei được xem là ví dụ tiêu biểu cho sự thay đổi này.
Hơn một năm qua, Washington đã gây sức ép để các đồng minh "tránh xa" các thiết bị 5G của Huawei. Sức ép này đã tạo ra một số kết quả nhất định ở châu Âu. Tuần trước, Chính phủ Anh cho biết các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei có thể sẽ làm tổn hại khả năng Huawei trở thành nhà cung cấp mạng 5G tại nước này. Trong khi đó mới đây, Reuters cho biết công ty viễn thông lớn nhất của Italy đã loại Huawei khỏi cuộc đấu thầu thiết bị 5G.
Theo Kislaya Prasad - Giáo sư tại Đại học Maryland cũng nhận định rằng, tiến bộ công nghệ tại các khu vực khác trên thế giới cũng gợi ý đang xuất hiện diễn biến khác ngoài cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo ông Kislaya Prasad, Ấn Độ đang thúc đẩy tăng trưởng của các ngành công nghiệp trong nước và tận hưởng bùng nổ Internet. Khi New Delhi cấm TikTok và 58 ứng dụng Trung Quốc khác, nhiều ứng dụng bản địa như Chingari đã nhanh chóng lấp chỗ trống.
Rút lui hoặc phân cấp
Theo giáo sư Michael Witt tại INSEAD, trong bối cảnh không có nhiều sự lựa chọn dễ dàng, các công ty đang có 2 cách tiếp cận: Một là từ bỏ một phần thế giới, hoặc thứ là phân cấp hoạt động của mình đến mức thành hai hay nhiều thực thể khác nhau.
Tại đây, TikTok dường như đang thử cách tiếp cận thứ 2. Mặc dù thuộc sở hữu của ByteDance, song nó phải chấp nhận vạch ranh giới với công ty mẹ. Tháng 5, TikTok tuyển cựu Giám đốc Disney Kevin Meyer về làm CEO và liên tục nhắc đi nhắc lại rằng trung tâm dữ liệu của mình được đặt bên ngoài Trung Quốc, nơi dữ liệu không phải là đối tượng chịu quản lý của luật pháp trong nước.
Không dừng lại ở đây, WSJ mới đây trích dẫn nguồn tin riêng cho biết ByteDance đang cân nhắc việc lập trụ sở riêng cho TikTok ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, hoặc lập ra một ban quản trị mới để tách biệt với Trung Quốc. Người phát ngôn TikTok xác nhận với CNN về việc ByteDance đang xem xét thay đổi cấu trúc doanh nghiệp.
"Một liên hệ với Chính phủ Trung Quốc là lý do khiến, Huawei gặp khó tại rất nhiều thị trường. Tôi nghĩ TikTok thấy được điều này và họ không muốn rơi vào tỉnh cảnh như của Huawei", ông Dipayan Ghosh tại Harvard Kennedy School nhấn mạnh.
Tuy nhiên những cố gắng của TikTok có thể là không đủ. Các nhà lập pháp tại Mỹ đã liên tục chĩa mũi dùi về phía ứng dụng này trong những tuần qua. Trong khi TikTok luôn khẳng định rằng họ không có bất cứ mối đe dọa an ninh quốc gia cho Mỹ song cách đây ít ngày, Ngoại trưởng Mỹ đã đề cập về những lo ngại của mình và đưa ra ý tưởng về việc cấm ứng dụng này.