Ngành xe điện Trung Quốc đang đối mặt với khủng hoảng thua lỗ nghiêm trọng, khi các hãng và đại lý cùng chịu sức ép từ cuộc đua giảm giá và suy giảm nhu cầu.
Khủng hoảng thua lỗ
Trong tháng 9/2024, Hiệp hội đại lý xe Trung Quốc (CADA) đã gửi báo cáo khẩn cấp lên chính quyền, yêu cầu can thiệp kịp thời để cứu ngành công nghiệp xe điện khỏi bờ vực khủng hoảng. Theo CADA, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do phần lớn các hãng xe điện đang kinh doanh thua lỗ, và nếu không có biện pháp cứu trợ, toàn bộ hệ thống bán lẻ và phân phối xe điện tại Trung Quốc có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.
Theo số liệu từ CADA, các đại lý xe điện tại Trung Quốc đã lỗ 138 tỉ NDT (tương đương 484,4 nghìn tỉ đồng) chỉ trong 8 tháng đầu năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu là cuộc đua giảm giá mạnh mẽ giữa các hãng xe, khiến lợi nhuận bị thu hẹp, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng giảm sút. Cán cân cung – cầu mất cân bằng, khi nguồn cung dư thừa trong khi sức mua yếu, tiếp tục đẩy giá xuống thấp, tạo ra một vòng lặp thua lỗ không hồi kết.
Vào tháng 8/2024, giá bán trung bình của các mẫu xe điện tại các đại lý ở Trung Quốc đã giảm tới 17,4% so với giá gốc. Điều này khiến các đại lý gặp khó khăn nghiêm trọng, bởi thay vì có thể thu lãi từ việc bán nhiều xe hơn, họ lại đối mặt với việc bán càng nhiều xe thì càng lỗ. Các ngân hàng cũng bắt đầu thắt chặt tín dụng đối với các đại lý xe, làm cho nhiều đơn vị rơi vào cảnh cạn kiệt vốn và đối mặt với nguy cơ phá sản. CADA cảnh báo rằng nguồn vốn dự trữ của nhiều đại lý hiện đã cạn kiệt, trong khi các khoản thu chi cũng đã đạt đến giới hạn.
Tình trạng khủng hoảng thanh khoản đã buộc nhiều đại lý xe tại Trung Quốc phải đóng cửa. Theo CADA, từ đầu năm 2024, truyền thông đã liên tục đưa tin về việc các đại lý phá sản, và phần lớn các trường hợp này xuất phát từ vấn đề thiếu hụt vốn lưu động, thay vì gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Khi chuỗi vốn bị gián đoạn, các đại lý không còn giải pháp nào khác ngoài việc ngừng hoạt động và đóng cửa.
Trước tình hình này, CADA kêu gọi chính phủ Trung Quốc cần khẩn trương đưa ra biện pháp hỗ trợ. Một trong những giải pháp có thể thực hiện ngay là cung cấp nguồn vốn cứu trợ tạm thời cho các đại lý xe điện. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, toàn bộ hệ thống bán lẻ xe điện tại Trung Quốc có thể sẽ đối mặt với sự sụp đổ hàng loạt.
Cũng theo CADA, chỉ có hai hãng xe năng lượng mới là BYD và Li Auto đạt được lợi nhuận trong năm 2024. Cả hai đều có chiến lược rõ ràng trong việc phát triển song song cả xe hybrid và xe điện thay vì chỉ tập trung hoàn toàn vào xe điện 100%. Chính điều này đã giúp họ duy trì được lợi nhuận trong bối cảnh phần còn lại của thị trường đang gặp khó khăn. Hầu hết các hãng xe khác, dù đạt được doanh số cao, nhưng vẫn không thể đạt lợi nhuận do chi phí cắt giảm giá quá lớn.
Doanh nghiệp lao đao
Huawei, một trong những tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc, cũng đang phải đối mặt với thua lỗ trong bối cảnh thị trường xe điện tại quốc gia này chìm trong khó khăn. Tại sự kiện ra mắt sản phẩm mùa thu ngày 24/9/2024, Chủ tịch điều hành của Huawei, ông Dư Thừa Đông, đã xác nhận rằng hãng đang chịu lỗ 30.000 RMB (tương đương 105,3 triệu VNĐ) cho mỗi chiếc xe mới được bán ra.
Zhijie R7 là mẫu xe thứ hai trong liên minh giữa Huawei và Chery, đồng thời là chiếc SUV coupe đầu tiên của Hongmeng Zhixing, được trang bị hệ thống lái thông minh tiên tiến Huawei ADS 3.0. Dù được đầu tư công nghệ hiện đại, xe này vẫn gặp khó khăn trong việc thách thức đối thủ chính là Tesla Model Y. Ông Dư Thừa Đông thừa nhận rằng cạnh tranh trực tiếp với Tesla không hề dễ dàng, dù Zhijie R7 được định vị là đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Không chỉ Huawei, các đối tác khác của hãng này trong ngành xe điện cũng đang đối mặt với những thách thức lớn. BAIC BluePark, công ty con của Tập đoàn BAIC, đã ghi nhận khoản lỗ liên tục trong ba năm gần đây, với tổng thiệt hại hơn 19,1 tỷ RMB tính đến giữa năm 2023. Tương tự, Sokon (Seres Group), một doanh nghiệp khác hợp tác với Huawei, cũng đang phải chịu mức lỗ trung bình 14.000 RMB cho mỗi chiếc xe bán ra.
Mặc dù Huawei và các đối tác đều đang chịu tổn thất nặng nề, họ vẫn tiếp tục nhắm tới phân khúc thị trường cao cấp, trong đó Zhijie R7 được kỳ vọng sẽ cạnh tranh với Model Y của Tesla. Tuy nhiên, những mẫu xe trước đây từ các hãng khác như Xpeng G6, Jiyue 01, Denza N7... dù ra mắt để thách thức Tesla, vẫn chưa đạt được thành công như kỳ vọng. Thị trường xe điện Trung Quốc tiếp tục trải qua giai đoạn khó khăn, khi chưa mẫu xe nào vượt qua được doanh số 10.000 chiếc mỗi tháng, cho thấy sự trì trệ và mức cạnh tranh khốc liệt trong ngành.