Ô tô - Xe máy

Cuộc chiến xe điện: Trung Quốc soán ngôi, các hãng truyền thống lao đao

Thanh Trà 09/09/2024 12:35

Các hãng xe điện Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu, đe dọa thị phần các thương hiệu quốc tế và gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam.

Nhiều “ông lớn” đau đầu

Các hãng sản xuất ô tô nước ngoài từng thống trị thị trường ô tô Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, giờ đây đang đối mặt với thách thức lớn. Volkswagen, hãng xe lớn thứ hai thế giới sau Toyota, gần đây đã cảnh báo về khả năng đóng cửa nhà máy ở Đức để cắt giảm chi phí, khi doanh số bán hàng tại châu Âu giảm hơn 500.000 xe mỗi năm so với trước đại dịch. Tại Trung Quốc, doanh số của hãng cũng giảm hơn 1/4 trong vòng 3 năm qua và họ đã mất vị trí dẫn đầu về doanh số bán xe tại thị trường này vào tay BYD.

vw-factory-workers-1200x628.jpg
Áp lực từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, Volkswagen cân nhắc đóng cửa nhà máy.

Không chỉ Volkswagen, nhiều hãng xe lớn khác cũng đang gặp khó khăn tại Trung Quốc. General Motors chứng kiến doanh số giảm mạnh, chỉ còn một nửa so với mức đỉnh 4 triệu xe vào năm 2017. Mitsubishi Motors, sau nhiều năm doanh số sụt giảm, đã quyết định ngừng sản xuất ô tô tại liên doanh của mình ở Trung Quốc. Tương tự, các hãng xe như Honda, Hyundai và Ford đã phải áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí, bao gồm sa thải nhân viên và đóng cửa nhà máy để đối phó với tình hình khó khăn.

Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là sự bùng nổ của thị trường xe điện Trung Quốc, nơi các thương hiệu nội địa đang dẫn đầu về doanh số và công nghệ. BYD đã bán được 3,02 triệu xe điện và hybrid trong năm 2023, trong khi Volkswagen chỉ đạt 1,02 triệu xe. Michael Dunne, giám đốc của Dunne Insights, nhận xét rằng “những ngày vinh quang” ở Trung Quốc với mức tăng trưởng cao và lợi nhuận khổng lồ của nhà sản xuất ô tô nước ngoài đang dần khép lại.

Để tồn tại, các hãng như Volkswagen và Stellantis đang phải hợp tác với các đối tác địa phương. Volkswagen đã mua 5% cổ phần của Xpeng để cùng phát triển xe, trong khi Stellantis đầu tư 20% cổ phần vào Leapmotor. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này đang tạo thêm áp lực lớn cho các hãng xe truyền thống khi họ phải cạnh tranh với các thương hiệu nội địa đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng xe điện.

Tham vọng phủ sóng

Trên thị trường quốc tế, các hãng ô tô lớn đang ngày một khó khăn khi BYD vươn lên chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc và nhanh chóng mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn cầu. BYD không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa mà còn có kế hoạch xây dựng nhà máy tại Thái Lan, Hungary và nhiều quốc gia khác, đồng thời mua lại nhà phân phối Hedin Electric của Đức để gia tăng sự hiện diện tại châu Âu.

Sự gia tăng xuất khẩu xe của Trung Quốc cũng thể hiện rõ với gần 5 triệu xe du lịch được xuất khẩu trong năm 2023, tăng 60% so với năm trước. Trong đó có hơn 1/4 là xe điện, đưa Trung Quốc vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới. UBS dự đoán rằng đến năm 2030, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sẽ chiếm 1/3 thị phần xe điện toàn cầu, trong đó các công ty châu Âu sẽ phải đối mặt với sự mất mát thị phần lớn nhất.

Trước sự bùng nổ này, Bắc Mỹ và châu Âu đã bắt đầu tăng thuế nhập khẩu đối với xe điện từ Trung Quốc, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ô tô nội địa. Tuy nhiên, chưa rõ liệu biện pháp này có đủ để ngăn chặn sự phát triển nhanh chóng của các nhà sản xuất Trung Quốc hay không.

Tại Việt Nam, sự gia nhập của các thương hiệu ô tô Trung Quốc cũng trở nên bài bản và đầy tham vọng hơn. BYD đã công bố mục tiêu hoàn thiện 36 đại lý vào tháng 7/2024 và mở rộng lên 100 đại lý trong vòng 3 năm tới, sánh ngang với các thương hiệu lớn nhất thị trường. Chery, với hai dòng xe Jaecoo và OMODA, cũng đặt mục tiêu xây dựng 20 đại lý đạt chuẩn 3S toàn cầu trong năm 2024 và hướng đến 100 đại lý vào năm 2028, với tham vọng chiếm 10% thị phần và lọt vào top 5 thị trường.

ke-hoach-phat-trien-he-thong-dai-ly-byd-tai-viet-nam-1721299728.jpg
BYD Việt Nam mục tiêu có 100 đại lý vào năm 2026.

Lynk&Co, một thương hiệu khác từ Trung Quốc, đã hợp tác với Tasco, một doanh nghiệp ô tô lớn tại Việt Nam, để mở rộng hệ thống đại lý. Hiện Lynk&Co đã có hai trung tâm tại Hà Nội và TP.HCM, với mục tiêu mở hơn 80 đại lý trong tương lai gần.

So sánh với các thương hiệu lớn hiện có tại Việt Nam như KIA và Mazda (thuộc THACO), mỗi hãng hiện đang duy trì hơn 100 đại lý. Hyundai và VinFast có khoảng gần 90 đại lý, trong khi Toyota có 86 đại lý, Honda có gần 60 và Suzuki có gần 50. Với những kế hoạch đầy tham vọng, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang nhanh chóng gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam, cạnh tranh ngang ngửa với các thương hiệu đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cuộc chiến xe điện: Trung Quốc soán ngôi, các hãng truyền thống lao đao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO