"Cuộc chơi mới" ở Trung Đông sau khi Mỹ rút lui

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 23/08/2021 06:00

Trung Đông thời kỳ hậu Mỹ sẽ ra sao khi Trung Quốc, Nga, Ấn Độ bắt đầu phát lộ những toan tính riêng?

Liệu Taliban xây dựng được niềm tin với cộng đồng quốc tế?

Liệu Taliban xây dựng được niềm tin với cộng đồng quốc tế?

Rút quân khỏi Afghanistan, bỏ lại một đất nước ngổn ngang đã chấm dứt hoàn toàn tầm ảnh hưởng của Mỹ tại đây. Trung Đông sẽ thay đổi, nhưng không có nhiều dấu hiệu cho thấy hòa bình thịnh trị sẽ đến.

Một cuộc chơi mới - hậu Mỹ đã bắt đầu, đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, các nhóm phiến quân, các quốc gia trong vùng đang dõi theo hành động của Taliban để đưa ra quyết sách.

Taliban dễ dàng kiểm soát đất nước mà không tốn viên đạn nào, chính phủ dựa vào Mỹ nhanh chóng rệu rã, điều đó cho thấy 20 năm qua đất nước này không thực sự tồn tại với tư cách là quốc gia độc lập đúng nghĩa.

Mặc dù lực lượng mới đã trấn an người dân về một tương lai hòa bình, không cai trị hà khắc như luật hồi giáo Sharia, thế nhưng người dân vẫn bỏ chạy khỏi đất nước. Cuộc di dân tị nạn, xâu xé quyền lực, lợi ích đang manh nha ở đất nước bất hạnh này.

Vấn đề ở chỗ, Taliban có đủ thiện chí để gột rửa quá khứ là nhóm phiến quân khủng bố hay không, và liệu rằng, cộng đồng quốc tế, các nước lớn có công nhận chính thể Afghanistan trong tay Taliban là chế độ hợp pháp hay không.

Quá khứ Taliban có mối liên hệ mật thiết với tổ chức Al-Qaeda và khởi xướng phong trào Hồi giáo dòng Suni ở những người trẻ tuổi nhằm chống lại sự có mặt của Mỹ và phương Tây, bằng các biện pháp cực đoan, gây lo ngại đến an ninh toàn cầu.

Người Mỹ tuy đã tiêu diệt được trùm khủng bố Osama Bin Laden nhưng nỗi đau 11/9 đã trở thành vết xước muôn đời, ám ảnh khủng bố kinh hoàng ở Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Thụy Điển, Nga, Đức,… vẫn còn đó.

Vì thế, mâu thuẫn truyền kiếp giữa Washington, châu Âu và Taliban không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Nếu không được công nhận, Taliban không thể đường hoàng bước ra hội nhập với thế giới, điều đó sẽ đẩy tổ chức này đến các hành động cực đoan, dị biệt.

Có thể xem diễn biến ở Afghanistan như một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc? Chưa thể. Bởi, như đã nói, lực lượng lãnh đạo cách mạng không nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ dân chúng. Chưa nói đến việc, lực lượng này từng khiến dân chúng khiếp sợ.

Người dân Afghanistan bỏ chạy khỏi đất nước

Người dân Afghanistan bỏ chạy khỏi đất nước

Trong thời gian cầm quyền từ năm 1996 đến năm 2001, Taliban và các đồng minh của họ đã thực hiện các cuộc thảm sát nhằm vào thường dân Afghanistan, từ chối cung cấp lương thực của Liên Hợp Quốc cho 160.000 dân thường chết đói và tiến hành chính sách tiêu thổ, đốt cháy những vùng đất màu mỡ rộng lớn và phá hủy hàng chục nghìn ngôi nhà.

Taliban dựa vào hệ tư tưởng Hồi giáo (luật Hồi giáo) để hành động, về cơ bản đó là hệ thống “thần quyền nhập thế”, có nhiều thứ mơ hồ, huyền ảo, không đại diện cho sự tiến bộ - hoàn toàn khác với các lực lượng làm cách mạng giải phóng dân tộc từng thành công đều dựa vào các lý tưởng khoa học.

Chiến thắng có phần may mắn của Taliban sẽ tiếp thêm động lực, truyền cảm hứng chiến đấu cho các nhóm phiến quân hồi giáo đang hoạt động khắp Tây Á và Đông Nam Á. Chủ nghĩa khủng bố sẽ bùng dậy?

Cả Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan có lý do để lo lắng ở khu vực biên giới, đặc biệt vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương có thể xoay về Taliban như một mẫu hình học hỏi đấu tranh.

Việc Ngoại trưởng Trung Quốc - Vương Nghị công khai gặp gỡ nhà đàm phán của Taliban, Mullah Abdul Ghani Baradar là chỉ dấu rất đáng chú ý. Dường như Bắc Kinh biết trước tình hình.

Rõ ràng, nếu đặt quan hệ với Taliban, Trung Quốc rất có lợi về kinh tế. Taliban vẫn là lực lượng non trẻ kinh nghiệm quản lý một quốc gia, cần chỗ dựa kinh tế, chính trị, tư vấn tổ chức để có thể xây dựng một chính phủ được công nhận.

Về bản chất các mối quan hệ, dựa vào Mỹ hay Trung Quốc đều như nhau. Bởi chính người Afghanistan mới có thể mang lại hòa bình thịnh trị cho chính họ, độc lập không ai có thể giữ thay!

Có thể bạn quan tâm

  • Taliban đủ sức tái thiết Afghanistan hòa bình?

    Taliban đủ sức tái thiết Afghanistan hòa bình?

    06:00, 17/08/2021

  • Lo ngại chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy tại Afghanistan

    Lo ngại chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy tại Afghanistan

    04:00, 19/08/2021

  • Tương lai mờ mịt của Afghanistan

    Tương lai mờ mịt của Afghanistan

    13:00, 16/08/2021

  • Afghanistan - khi cơn “đau đầu” của người Mỹ tái phát

    Afghanistan - khi cơn “đau đầu” của người Mỹ tái phát

    06:00, 16/08/2021

  • "Ván cược" Afghanistan của Tổng thống Joe Biden

    05:00, 18/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Cuộc chơi mới" ở Trung Đông sau khi Mỹ rút lui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO