Cuộc đua mới trên thị trường dịch vụ y tế

Phan Nam 18/02/2019 10:31

Sau hệ thống các Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec của Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC là “đại gia” thứ hai trong lĩnh vực bất động sản lấn sân sang y tế.

Sự kết hợp giữa bất động sản và y tế là một “bài toán” đa lợi ích và được đánh giá có dư địa rất lớn để phát triển.Ngày 14/2/2019, Dự án bệnh viện Đa khoa Quốc tế 1.000 giường do Tập đoàn FLC đầu tư được khởi công tại tỉnh Thái Bình. Dự án có quy mô 12ha và tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 3.722 tỷ đồng, bao gồm 9 hạng mục chính. Trong đó có khu nhà khám liên khoa; khu vực khoa truyền nhiễm và khoa chống truyền nhiễm; khu công trình hạ tầng kỹ thuật; nhà dịch vụ tổng hợp và bán trú; cây xanh cảnh quan…

p/Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công Bệnh viện đa khoa quốc tế tỉnh Thái Bình. Ảnh: /Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công Bệnh viện đa khoa quốc tế tỉnh Thái Bình. Ảnh: /Quang Hiếu

Đa lợi ích

Dự án được xây dựng với mục tiêu trở thành một bệnh viện đa khoa hạng I. Với quy mô này, đây là dự án bệnh viện đa khoa lớn nhất tại tỉnh Thái Bình cũng như các tỉnh lân cận, đồng thời cũng là bệnh viện được xây theo mô hình bệnh viện – khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, cao cấp hàng đầu tại địa phương.

Giai đoạn 1 của dự án với quy mô 500 giường bệnh dự kiến sẽ được hoàn thành và đưa vào hoạt động vào đầu năm 2022, nhằm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tỉnh và các khu vực lân cận.

Việc đầu tư xây dựng thêm 1 bệnh viện đa khoa 1.000 giường sẽ giúp giảm quá tải cho các bệnh viện, hạn chế việc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị.

Nhìn rộng hơn, khởi công Bệnh viện Đa khoa Quốc tế đánh dấu bước khởi đầu cho việc nghiên cứu đầu tư nhiều dự án tiếp theo của Tập đoàn FLC tại tỉnh Thái Bình trong lĩnh vực dịch vụ, đô thị, giải trí… Đồng thời, đây cũng là dự án đặt dấu ấn cho kế hoạch đầu tư chuỗi bệnh viện quy mô lớn trên cả nước của Tập đoàn FLC trong nhiều năm tới. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế sẽ giúp địa phương nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; giảm chi phí cho người dân và sự quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.

  Theo Báo cáo Việt Nam 2035 của Ngân hàng Thế giới, tổng chi tiêu cho y tế của Việt Nam đang chiếm đến 5,8% GDP. 

Đánh giá về tính hiệu quả của dự án trên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, “Công trình bệnh viện này kết hợp với Đại học Y dược Thái Bình sẽ đưa Thái Bình trở thành một trung tâm dịch vụ y tế, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước”.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, mới đây, Bộ Y tế đã đồng ý đề xuất của Tập đoàn FLC về việc triển khai đầu tư, xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Y Dược Công nghệ cao tại Vân Đồn, Quảng Ninh, dự kiến sẽ là Tổ hợp KCN Y Dược Công nghệ cao đầu tiên tại Việt Nam. Dự án có định hướng rất tốt là góp phần thu hút FDI trong lĩnh vực y tế, phát triển tại chỗ nguồn nhân lực chuyên ngành dược công nghệ cao...

Thị trường tỷ USD

Đây là hướng đi tắt đón đầu thực hiện chủ trương xã hội hóa Y tế theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ. Một lĩnh vực được đánh giá là giầu tiềm năng.

Bởi, theo báo cáo thống kê của Công ty khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI) năm 2017 chi tiêu cho sức khỏe của Việt Nam đang tăng rất nhanh. Cụ thể năm 2015, chi tiêu y tế từ 13,9 tỷ USD tăng lên 14,9 tỷ USD vào 2016, dự báo đến trước 2020 chi tiêu khoảng 20,9 tỷ USD và 33,7 tỷ USD vào 2025.

Ngoài ra, dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng ước tính mỗi năm vẫn có khoảng 40.000 người Việt ra nước ngoài để khám chữa bệnh với chi phí khoảng hơn 1 tỷ USD. Dự báo những con số này có thể gia tăng hơn nữa khi thu nhập của người dân Việt ngày một nâng cao.

Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy dư địa phát triển của dịch vụ y tế tư nhân còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh tổng chi tiêu cho y tế đang chiếm đến 5,8% GDP, cao nhất so với các nước trong khu vực và dự báo duy trì ổn định trong vòng 20 năm tới nhờ lộ trình xã hội hoá y tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực y tế cũng khuyến cáo rằng: để đáp ứng được nhu cầu của phân khúc khám chữa chất lượng cao không đơn giản. Bên cạnh cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, phải cần một hệ thống dịch vụ tích hợp, hiệu quả và khác biệt, cùng chất lượng lâm sàng chuẩn quốc tế…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cuộc đua mới trên thị trường dịch vụ y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO