Những tháng cuối năm, các doanh nghiệp bất động sản đang dốc toàn lực vào cuộc đua săn tìm quỹ đất sạch, tạo nên một bức tranh thị trường sôi động và đầy kịch tính.
Với sự khan hiếm nguồn cung, quỹ đất sạch không chỉ trở thành đích đến của những tập đoàn lớn mà còn là chiến lược sống còn cho các doanh nghiệp bất động sản. Để giành được quỹ đất, các doanh nghiệp đang triển khai nhiều chiến lược khác nhau.
Theo đó, một số công ty tập trung vào việc mua lại các dự án gặp khó khăn tài chính, trong khi những doanh nghiệp khác tìm kiếm cơ hội hợp tác với các chủ đất lớn. Việc liên doanh nộp hồ sơ đăng ký hoặc đề xuất thực hiện dự án với địa phương cũng là một trong những chiến lược được áp dụng rộng rãi.
Từ đầu tháng 9 tới nay đẩy cuộc đua “săn đất” lên cao trào với loạt dự án được công bố. Tại Long An, Công ty Bất động sản Trường Sơn và Công ty Him Lam đăng ký thực hiện dự án khu dân cư tại Đức Hòa với diện tích 214,921ha, tổng vốn đầu tư 11.221 tỷ đồng.
Không bỏ lỡ cơ hội, Tập đoàn Everland đề xuất nghiên cứu đầu tư hai khu đô thị mới tại Hải Phòng, với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án khu đô thị Hồng Thái tại huyện An Dương, với quy mô 21,8ha, được kỳ vọng sẽ biến đổi toàn diện khu đất nông nghiệp hiện hữu, góp phần hiện đại hóa khu vực. Một dự án khác có quy mô 30,6ha tại xã Hoa Động và Lâm Động, huyện Thủy Nguyên, dự kiến sẽ mang lại diện mạo mới cho khu vực với vốn đầu tư 2.992 tỷ đồng.
Các thương vụ M&A trong thời gian qua cũng cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ. Đơn cử vừa qua, Tập đoàn Keppel (Singapore) đã phát đi thông báo công ty con Jencity Limited sẽ thoái 70% vốn tại dự án Saigon Sports City - đơn vị nắm quyền phát triển dự án 64 ha tại Quận 2, TP HCM. Bên mua là hai doanh nghiệp Việt gồm Công ty TNHH HTV Đại Phước và Đầu tư Bất động sản Vinobly, giá trị thương vụ dự kiến trên 7.400 tỷ đồng.
Trước đó, một ông lớn bất động sản đến từ Malaysia là SkyWorld cũng tích cực tìm kiếm quỹ đất mới tại Việt Nam. Trong tháng 9, đơn vị này cũng đã thông báo Công ty TNHH SkyWorld Development (Việt Nam) tức SkyWorld Việt Nam, một công ty con đã mua 100% cổ phần, tức 1,7 triệu cổ phiếu của CTCP Sản xuất Thương mại và Kinh doanh Bất động sản Thuận Thành với giá 350 tỷ đồng. Theo thông báo này, Thuận Thành đang là pháp nhân sử dụng duy nhất và hợp pháp của lô đất có diện tích 2.060m2 tại quận 8, TP HCM.
Hay Nishi Nippon Railroad, một công ty từ Nhật Bản, đã mua lại 25% cổ phần của dự án Paragon Đại Phước từ Tập đoàn Nam Long với giá trị 26 triệu USD. Tripod Technology Corporation cũng đã “thâu tóm” một lô đất công nghiệp 18ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ Sonadezi Châu Đức. Theo giới chuyên gia, làn sóng M&A và việc đăng ký dự án mới của các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm là dấu hiệu tích cực, cho thấy quyết tâm tăng tốc và đón đầu thị trường phục hồi trong năm tới. Không chỉ là các con số đầu tư ấn tượng, mà còn là chiến lược dài hạn của các doanh nghiệp nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh.
Tuy vậy, việc săn quỹ đất sạch không phải là cuộc chơi dễ dàng. Giá đất leo thang, sự cạnh tranh gay gắt, và các rủi ro pháp lý là những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược linh hoạt, các doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn, tìm kiếm cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Theo bà Trần Thị Khánh Linh - Phó phòng đầu tư của Savills Việt cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng hứng thú tới bất động sản Việt Nam nhờ những thay đổi mới trong vấn đề pháp lý gần đây. Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có nhiều quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục pháp lý, tăng nguồn cung bất động sản và tạo cơ hội mới cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, những nỗ lực của Chính phủ nhằm cải thiện khung khổ pháp lý và tạo môi trường đầu tư ổn định sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn trong những năm tới. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam, bà Linh cho biết họ thường chọn các dự án có pháp lý “sạch”, sẵn sàng triển khai ngay. Do đó với các dự án không đạt về thời gian, tỷ suất sinh lời thì các doanh nghiệp phải tái cơ cấu để đảm bảo mục tiêu đầu tư của doanh nghiệp.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi, việc đầu tư mạnh vào quỹ đất sạch không chỉ giúp doanh nghiệp nắm lợi thế cạnh tranh mà còn thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành bất động sản.
Bên cạnh đó, việc nhiều chủ đầu tư chuyển hướng sang các khu vực vệ tinh nơi cơ sở hạ tầng và giao thông đang được đầu tư mạnh mẽ cũng mở ra cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp dám mạo hiểm. Tuy nhiên, thách thức từ việc xử lý pháp lý và đấu giá đất công cũng đang đặt ra những rào cản lớn cho họ.
Các chuyên gia nhận định, cuộc đua săn quỹ đất sạch đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Để thành công, các doanh nghiệp cần linh hoạt trong chiến lược, kiên trì vượt qua các rào cản pháp lý và nhạy bén nắm bắt cơ hội tại các thị trường mới nổi.