Kết quả cuộc gặp thượng đỉnh giữa EU và Trung Quốc không có nhiều đột phá, khiến triển vọng phá băng quan hệ EU - Trung Quốc bị nghi ngờ.
Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý rằng mối quan hệ thương mại của họ sẽ cân bằng hơn sau hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên sau 4 năm vào thứ Năm tuần này, nhưng không đưa ra dấu hiệu giải quyết những khác biệt về một loạt vấn đề.
>>Trung Quốc đã "đánh mất" châu Âu như thế nào?
Gây áp lực lên Bắc Kinh về thâm hụt thương mại lớn của EU với Trung Quốc, các nhà lãnh đạo EU cho biết châu Âu sẽ không chấp nhận "sự cạnh tranh không lành mạnh" từ Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh cảnh báo EU rằng họ mong đợi sự thận trọng từ Brussels khi đưa ra các chính sách thương mại mang tính kiềm chế.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Châu Âu đang điều chỉnh lại chính sách của mình đối với Trung Quốc theo hướng “giảm thiểu rủi ro” cho chuỗi cung ứng và bảo đảm các công nghệ quan trọng không giúp Bắc Kinh thực hiện tham vọng toàn cầu.
“Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của EU. Nhưng có những sự mất cân bằng và khác biệt rõ ràng mà chúng ta phải giải quyết”, Chủ tịch EC bà Ursula von der Leyen nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Điểm mấu chốt trong số những vấn đề nằm ở thâm hụt thương mại giữa EU và Trung Quốc, mà Brussels đổ lỗi cho các khoản trợ cấp của Bắc Kinh dành cho các công ty Trung Quốc và các rào cản gia nhập thị trường này. EU cho biết thâm hụt thương mại gần 400 tỷ euro (431,7 tỷ USD) với Trung Quốc phản ánh những hạn chế đối với các doanh nghiệp EU hoạt động ở đó.
Vào tháng 9, khối EU tuyên bố đang mở một cuộc điều tra về sự hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc dành cho các nhà sản xuất xe điện. Bắc Kinh đã chỉ trích động thái này là “hành vi bảo hộ”, cho rằng sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp xe điện là do “đổi mới công nghệ, cạnh tranh tự do và chuỗi cung ứng công nghiệp hoàn chỉnh”.
Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy EU đã đạt được bất kỳ tiến bộ nào trong việc thuyết phục Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Nga nhiều hơn để chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine. Đây cũng là một trong những vướng mắc lớn nhất giữa hai bên được nhiều chuyên gia chỉ ra trước cuộc gặp, là nguyên nhân lớn gây căng thẳng trong quan hệ EU-Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, cuộc họp giữa 2 bên kết thúc với kết quả được giới chuyên gia dự báo từ trước khi mâu thuẫn giữa hai bên không thể giải quyết một sớm một chiều. Điều đạt được duy nhất có lẽ là thái độ thiện chí trong duy trì liên lạc giữa các bên nhằm quản lý khủng hoảng tiềm tàng.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel phát biểu trong cuộc họp báo sau khi phái đoàn EU gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường: “Chúng ta cần làm cho mối quan hệ thương mại và kinh tế của mình trở nên cân bằng và có đi có lại hơn”.
Theo đó, ít nhất EU đã có không gian để nêu ra những vướng mắc lớn nhất dẫn đến sự trục trặc trong quan hệ song phương. Ông Noah Barkin, thành viên khách mời cấp cao tại Quỹ Marshall của Đức, cho biết hội nghị thượng đỉnh phần lớn nhằm mục đích “quản lý những khác biệt và ngăn chặn việc rơi vào tình trạng đối đầu”.
Ông Noah Barkin nói: “Phía EU đã đạt được mục tiêu chính của mình, đó là truyền tải sự nghiêm túc về mối lo ngại của họ về sự mất cân bằng trong quan hệ thương mại và sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga. Nhưng sẽ là sai lầm nếu mong đợi những thay đổi cơ bản về kinh tế và chính trị từ ông Tập Cận Bình mà EU đang tìm kiếm”.
Chủ tịch EC cho biết các bên đã thảo luận về nguyên nhân sâu xa của sự mất cân bằng thương mại, từ việc thiếu khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc và ưu đãi cho các công ty Trung Quốc, đến tình trạng dư thừa năng lực sản xuất của Trung Quốc. “Về mặt chính trị, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ không thể chấp nhận được việc nền tảng công nghiệp của chúng ta bị hủy hoại bởi sự cạnh tranh không lành mạnh”, Chủ tịch EC nhấn mạnh.
Bà Von der Leyen cho biết đã có “tiến bộ” về việc Trung Quốc sẵn sàng làm rõ các hạn chế đối với luồng dữ liệu xuyên biên giới đã ảnh hưởng đến các công ty EU hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
>>Tâm lý "e ngại" Trung Quốc lan rộng khắp châu Âu
Những “thành tựu” ít ỏi đó dường như sẽ không thuyết phục được các doanh nghiệp châu Âu kỳ vọng hơn vào thị trường Trung Quốc. Triển vọng vực dậy dòng đầu tư nước ngoài từ EU do vậy càng trở nên u ám hơn, được minh chứng bằng tuyên bố của Italy sẽ rút ra khỏi sáng kiến BRI ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh.
Ông Philippe Le Corre, thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á có trụ sở tại Paris, cho rằng Trung Quốc không còn là một điểm đến hấp dẫn đối với doanh nghiệp nước ngoài như trước đây. “Người châu Âu đã nhận ra rằng kết quả cụ thể sẽ bị hạn chế. Các quan chức châu Âu và doanh nghiệp cảm thấy rằng chính sách 'mở cửa' của Bắc Kinh đã không còn nữa”, ông Philippe Le Corre nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Nông nghiệp châu Âu thêm rào cản khi EU theo đuổi chuyển đổi xanh
04:00, 21/11/2023
Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch tại thị trường Pháp và châu Âu
10:06, 17/11/2023
Xung đột Israel - Hamas: Châu Âu run rẩy vì "vàng đen"
04:30, 07/11/2023
Kinh tế Đức suy giảm, "báo động đỏ" cho châu Âu
03:30, 01/11/2023
FedEx Expres: Rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa đến châu Âu
20:45, 31/10/2023