Kinh tế thế giới

Nhiều cường quốc "chạy đua" đầu tư vào Trung Á

Cẩm Anh 02/04/2025 11:30

Với lợi thế giàu tài nguyên quan trọng, Trung Á đang dần trở thành "tâm điểm" cạnh tranh của các cường quốc toàn cầu.

trung á
Đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Kazakhstan là EU. ẢNH: PIXABAY

Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đang tập trung ngày càng nhiều vào Trung Á, phần lớn vì khu vực này sở hữu nhiều khoáng sản quan trọng phục vụ công nghệ năng lượng sạch.

Trung Á có trữ lượng khoáng sản tự nhiên khổng lồ, bao gồm khoảng 40% nguồn cung quặng mangan toàn cầu, 30% crom, 20% chì và 10% titan.

Nga từ lâu đã có lợi ích chiến lược tại khu vực này, đặc biệt là vì Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan từng là một phần của Liên Xô và hiện là thành viên hoặc thành viên liên kết của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS).

Tuy nhiên, từ sau Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc đã dần mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á, đặc biệt thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Bắc Kinh đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của khu vực với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 95 tỷ euro (137,9 tỷ SGD) vào năm 2024.

Dù vậy, Nga vẫn duy trì ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Năm 2023, Nga đã đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt sang Kazakhstan và Uzbekistan sau khi nhu cầu từ châu Âu sụt giảm do xung đột Ukraine.

Mặc dù Trung Quốc và Nga, hai quốc gia có chung mục tiêu ổn định chính trị tại Trung Á, đang nắm ưu thế kinh tế trong khu vực, nhưng các cường quốc khác vẫn có cơ hội mở rộng quan hệ với Trung Á.

Cụ thể, vào năm ngoái, Kazakhstan từ chối gia nhập BRICS dù được Nga và Trung Quốc thúc giục, và chỉ sau đó mới cùng Uzbekistan chấp nhận quy chế đối tác. Điều này cho thấy các lãnh đạo Trung Á mong muốn hợp tác với nhiều đối tác, thay vì chỉ lệ thuộc vào Moscow và Bắc Kinh.

Chiến lược của các cường quốc khác như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản tại Trung Á tập trung nhiều hơn vào thúc đẩy dân chủ và hội nhập kinh tế khu vực.

Sau cuộc tấn công Ukraine của Nga, châu Âu ngày càng quan tâm đến Trung Á nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi xanh và số hóa – hai yếu tố then chốt của sự thịnh vượng trong tương lai.

Theo ông Andrew Hammond, cộng sự tại LSE IDEAS thuộc Trường Kinh tế London, chiến lược này sẽ được thể hiện rõ trong hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Á đầu tiên do Liên minh châu Âu (EU) tổ chức vào ngày 3-4/4. Hội nghị này tiếp nối chiến lược của EU đối với Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan, được định hình từ năm 2007.

uzebekistan_tang_cuong_san_xuat_-1730090798624.jpg
Uzebekistan tăng cường sản xuất đất hiếm.

Ông Andrew Hammond cho biết thêm, chương trình nghị sự lần này sẽ tập trung vào bốn lĩnh vực chính trong sáng kiến Global Gateway của EU, với ngân sách 300 tỷ euro đến năm 2027, bao gồm năng lượng bền vững, nguyên liệu thô quan trọng, kết nối số và giao thông vận tải.

Các cam kết chính của Global Gateway với Trung Á cho đến nay gồm: hỗ trợ chuyển đổi số cho Kyrgyzstan, thúc đẩy kinh tế Turkmenistan (bao gồm hỗ trợ nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới – WTO), và cải cách giáo dục toàn diện tại Tajikistan.

Trong lĩnh vực vận tải, Diễn đàn Nhà đầu tư EU-Trung Á về Kết nối đã được tổ chức, với trọng tâm là hạ tầng giao thông. Kể từ năm 2022, EU đã thúc đẩy sáng kiến Trung lộ (Middle Corridor), tuyến vận tải đường bộ và đường biển xuyên qua Trung Á, Biển Caspi, Nam Caucasus và Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù Trung lộ hiện chưa thể cạnh tranh với tuyến Bắc (qua Nga), nhưng EU đang đầu tư mạnh vào dự án này, với 10 tỷ euro được rót vào năm 2024.

Sự quan tâm thương mại với sáng kiến này ngày càng tăng. Đầu năm nay, hãng vận tải biển Maersk của Đan Mạch đã hoàn thành lô hàng đầu tiên từ Nhật Bản đến châu Âu qua tuyến này.

EU hiện là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Kazakhstan, với kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 50 tỷ euro. Trong hai thập kỷ qua, EU cũng đã đầu tư khoảng 200 tỷ euro vào khu vực Trung Á.

Nguồn vốn từ EU còn được hỗ trợ bởi các chính phủ châu Âu và các tổ chức như Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD).

Không chỉ EU, các quốc gia thành viên như Đức và Pháp cũng đang tìm cách mở rộng quan hệ với Trung Á. Kazakhstan là nhà sản xuất uranium lớn nhất thế giới, chiếm hơn 40% nguồn cung toàn cầu. Trong bối cảnh cạnh tranh với Nga để tiếp cận nguồn tài nguyên này, Pháp đang tìm cách tăng cường hợp tác với Kazakhstan do tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân đối với nền kinh tế Pháp.

Dưới thời chính quyền Biden, Mỹ đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Trung Á theo định dạng C5+1 và ủng hộ dự án Trung lộ. Hiện chưa rõ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đặt trọng tâm thế nào vào khu vực, nhưng với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, ông Trump có thể sẽ muốn đảm bảo một phần lớn hơn trong nguồn tài nguyên của Trung Á.

Nhật Bản cũng đang tăng cường quan hệ với khu vực thông qua đối thoại "Trung Á + Nhật Bản". Nhật Bản có hình ảnh tích cực tại Trung Á và đã là nhà tài trợ viện trợ quan trọng kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng, dựa trên mối quan hệ chung về văn hóa và tôn giáo Hồi giáo với khu vực.

Một trong những sáng kiến gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ là thỏa thuận khí đốt với Turkmenistan, cho phép nước này vận chuyển khí đốt qua Iran đến Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 1/3.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhiều cường quốc "chạy đua" đầu tư vào Trung Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO