Dù các cơ quan quản lý liên tục có những biện pháp xử lý mạnh tay, nhưng tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác vẫn “bùng phát” trở lại và đang khủng bố người dùng điện thoại...
>>Tin nhắn rác và phần mềm độc hại sắp hết “đất sống”
Theo số liệu thống kê gần đây cho thấy, số lượng cuộc gọi rác trung bình tháng trong 7 tháng đầu năm 2022 lên đến 23 triệu, tăng 2,3 lần so với trung bình tháng trong 7 tháng đầu năm 2021. Thậm chí, tốc độ gia tăng cuộc gọi rác đang diễn ra phi mã. Cụ thể, tháng 1/2022 phát sinh hơn 10 triệu cuộc gọi rác thì đến tháng 3, lượng cuộc gọi rác tăng gấp đôi. Đến tháng 6 và 7, tình trạng cuộc gọi rác càng bùng phát mạnh mẽ hơn.
Trước đó theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượng cuộc gọi rác là 74,1 triệu, tăng 53% so cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 là 48,4 triệu cuộc). Và trung bình mỗi tháng có khoảng 400.000 thuê bao bị nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác.
Thế nhưng con số 6 tháng đã nhanh chóng bị con số của 7 tháng làm “lu mờ”. Theo các chuyên gia, một nghịch lý đang thể hiện qua những con số, càng chống cuộc gọi rác thì tình trạng này càng bùng phát mạnh mẽ hơn, và chính điều này đã cho thấy sự ngăn chặn tính tới thời điểm này là không hiệu quả. Bản chất của cuộc gọi rác dù tăng hay giảm cũng không có gì thay đổi, đó chủ yếu là cuộc gọi quảng cáo, bán hàng (telesale) gọi đến ngoài ý muốn của người nhận, còn lại là những cuộc gọi lừa đảo. Cả 2 loại cuộc gọi này đang được xem là bất trị.
Tuy nhiên, với cuộc gọi lừa đảo nếu đối tượng thực hiện cuộc gọi từ trong “bóng tối” thì cuộc gọi telesale đối tượng thực hiện lại chính từ các công ty, tổ chức, doanh nghiệp về kinh doanh và thương mại, dịch vụ trong các lĩnh vực như bất động sản (phát triển dự án và phân phối), bảo hiểm, chứng khoán quốc tế, bán kỳ nghỉ du lịch, bán khóa học online, mời gọi đầu tư…
Khi các chiến dịch, giải pháp chống cuộc gọi rác cho thấy không hiệu quả, người dùng di động cũng tự tìm cách cho mình, đó là sử dụng công cụ trên chính chiếc điện thoại để lưu vào “danh sách đen” các số thuê bao phát tán cuộc gọi rác đã gọi đến. Tuy nhiên, biện pháp này cũng chỉ mang tính tình thế, chỉ chặn được các số thuê bao phát tán cuộc gọi rác đã được xác định, còn những cuộc gọi rác mới thì bất khả thi.
Chính vì thế, không ít người dùng đã phải chọn một cách cực đoan để tránh bị làm phiền, đó là không nhận bất cứ cuộc gọi nào từ số không có trong danh bạ máy. Tuy nhiên cách này cũng có mặt trái là khiến cho nhiều cuộc gọi từ số lạ nhưng nhằm liên hệ công việc, hay từ những người quen nhưng chưa từng lưu số vào danh bạ, bị từ chối nghe máy.
Cách tiếp theo nữa là nhắn tin liên hệ trước và thực hiện cuộc gọi sau, hoặc liên lạc qua các ứng dụng OTT. Song những cách này cũng làm chậm nhịp độ liên lạc và thông tin, gây ra những bất tiện nhất định. Có thể nói, tình trạng cuộc gọi rác bùng phát trở lại đang tiếp tục quấy nhiễu và gây ra ức chế cho người dùng điện thoại.
Khi việc phát triển thuê bao di động mới đã tăng chậm và dần bão hòa, các dịch vụ thoại và nhắn tin ngày càng giảm doanh thu, việc nhà mạng thiếu quyết liệt ngăn chặn tình trạng cuộc gọi rác càng khiến người dùng bức xúc và vô hình chung đẩy người dùng ngày càng xa rời các dịch vụ của nhà mạng để tìm đến các tiện ích trên môi trường internet.
>>Nghị định số 91/2020: Hết thời tin nhắn rác
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp - Giám đốc Công ty Luật HPVN cho biết, gần đây cuộc gọi rác lại rộ lên. Năm trước, sau khi cơ quan quản lý liên tục nêu ra các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này thì có vẻ số lượng cuộc gọi quảng cáo có giảm xuống. Nhưng từ cuối năm vừa qua đến nay, cá nhân ông và nhiều người quen lại phải nghe các cuộc gọi rác nhiều hơn. Mặc dù Nghị định số 91/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác được ban hành, nhưng nhiều người dùng ít quan tâm. Nhất là yêu cầu phải nhắn tin hay đăng ký qua trang web danh sách không quảng cáo vẫn còn phức tạp với người dùng. Đó là chưa kể quy định này đi ngược với quyền lợi của khách hàng, vì chỉ những ai muốn nhận tin quảng cáo thì mới đăng ký như nhiều dịch vụ khác.
“Quan trọng nhất là quy định của Nghị định 91/2020 khá chi tiết nhưng đã có đơn vị, cá nhân nào phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác bị xử phạt hay chưa? Người dân không biết thì họ lại càng thờ ơ với việc phản ánh về các thuê bao đã dội bom tin nhắn hay gọi điện. Dù nhà mạng đã công bố chặn được một số thuê bao nhưng họ vẫn phát triển thuê bao mới thì những con số đó cũng không nói lên được kết quả ngăn chặn tình trạng này”, luật sư Hiệp nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, luật sư Tạ Anh Tuấn – Trưởng văn phòng luật Bách Gia Luật và Liên danh cho rằng, người dùng không quan tâm đến giải pháp kỹ thuật mà chỉ biết họ đăng ký sử dụng mạng viễn thông, trả tiền hằng tháng thì cũng phải được bảo vệ quyền lợi như không muốn bị quấy rối, bị cuộc gọi lạ quấy nhiễu bởi có thể là những cuộc gọi lừa đảo, đòi nợ trá hình... Hơn nữa, các quy định liên quan đều có đầy đủ nhưng người dân hầu như chưa thấy công bố có tổ chức, cá nhân nào đã bị xử phạt với hành vi này hay không, phạt bao nhiêu...
“Điều đó cho thấy các quy định chưa có tác dụng, không có tính răn đe. Nếu không mạnh tay xử phạt thì sẽ khó để chặn bớt vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác”, luật sư Tạ Anh Tuấn thẳng thắn nói.
Có thể bạn quan tâm