Bán ở thị trường nội địa chỉ vài nghìn đồng, nhưng sản phẩm cao Sao Vàng bỗng trở nên hút hàng ở thị trường thế giới với giá cao gấp vài chục lần.
Cộng đồng mạng bất ngờ khi nhiều trang xã hội cùng chia sẻ đoạn quảng cáo lọ cao Sao Vàng xuất xứ Việt Nam đăng trên một kênh YouTube của Nga. Đoạn quảng cáo chỉ dài 41 giây nhưng đã có hơn 23.000 lượt xem và 1.300 lượt thích. Rất nhiều người bày tỏ niềm tự hào khi sản phẩm của Việt Nam được quảng bá ra thế giới và được người nước ngoài yêu thích.
"Vang bóng một thời" ở quê nhà
Cao Sao Vàng được nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam từ sau năm 1954, dựa trên sản phẩm đã khá danh tiếng trước đó là dầu cù là nhãn hiệu con hổ trắng, xuất xứ Singapore. Thời gian đầu, mặt hàng này được Tổng công ty dược Việt Nam nghiên cứu. Từ năm 1969, sản phẩm cao xoa thương hiệu Sao Vàng chính thức ra mắt, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Những năm 70-90, Cao Sao Vàng đã trở thành sản phẩm không thể thiếu trong các gia đình Việt. Đây cũng là sản phẩm bỏ túi của nhiều người trong các chuyến đi xa, cán bộ công nhân viên, sinh viên đi công tác nước ngoài, và còn khá nổi tiếng tại Liên Xô, Đông Âu.
Đáng chú ý, từ sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Việt Nam đạt thỏa thuận hợp tác về xuất khẩu sản phẩm này sang Liên Xô. Để đảm bảo chỉ tiêu cam kết về số lượng xuất khẩu lớn, Tổng công ty Dược Việt Nam đã giao cho 5 xí nghiệp dược phẩm cùng sản xuất mặt hàng này. Đỉnh cao về xuất khẩu ghi nhận vào năm 1983, một xí nghiệp tại Đà Nẵng được giao sản xuất lên tới 20 triệu hộp.
Đã có lúc, Cao Sao Vàng là một trong những mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Liên Xô thời bấy giờ, đã từng mang về hơn 2 triệu USD cho Việt Nam.
Sau đó, số lượng ngày càng sụt giảm, năm 1986, năm cuối cùng có chỉ tiêu sản xuất với 4 triệu hộp và cho đến những năm 2000 sản phẩm dần mờ nhạt ở thị trường nội địa và bị lấn át bởi vô số các loại dầu như dầu gió, dầu khuynh diệp, dầu tràm...
Sản phẩm này hiện được Công ty cổ phần Dược phẩm OPC và Công ty cổ phần dược Trung ương 3 sản xuất. Hàng năm Cao Sao Vàng đóng góp một tỉ trọng rất khiêm tốn trong tổng doanh thu của DP3.
Trao đổi với báo giới năm 2017, ông Bùi Xuân Hưởng - Chủ tịch HĐQT Dược phẩm DP3 khi ấy nói rằng, sản phẩm Cao Sao Vàng mỗi năm chỉ đóng góp từ 5-7% tổng doanh thu công ty.
Căn cứ theo báo cáo của Dược phẩm DP3 giai đoạn 2016-2019, thì con số này rơi vào khoảng xấp xỉ 20-30 tỉ đồng mỗi năm.
Theo số liệu từ Vietnam Report JSC, cái tên Cao Sao Vàng cũng hoàn toàn mất hút trong danh sách cơ cấu doanh thu các sản phẩm "đẻ trứng vàng" cho doanh nghiệp.
Theo đó, hiện Sâm nhung bổ thận TW3 là sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp, đóng góp gần 30% tổng doanh thu. Các sản phẩm thuốc viên khác là tetracylin (11%), clorocid (8%), trong khi thuốc hoàn chiếm khoảng 10%...
"Đắt như tôm tươi" ở nước ngoài
Sau một thời gian im ắng ở Việt Nam, cao Sao Vàng gần đây bỗng trở thành hàng “hot” ở thị trường quốc tế. Đặc biệt, sản phẩm này bán khá chạy tại các website mua bán trực tuyến nổi tiếng và có uy tín trên thế giới như: Ebay, Amazon… với mức giá cao gấp vài chục lần so với thị trường Việt.
Đầu năm 2017, cao Sao Vàng xuất hiện trên sàn thương mại điện tử Amazon dưới cái tên "Golden Star Balm", nhiều cửa hàng online còn đặc biệt ấn mạnh ba chữ "Only from Vietnam" (chỉ có ở Việt Nam).
Hiện, sàn thương mại điện tử Amazon vẫn có bán sản phẩm trên với giá từ 8,99 USD (~ 200.000 đồng) tùy cửa hàng. Một số cửa hàng còn cho biết sản phẩm đã gần hết và sẽ tiếp tục nhập hàng mới về.
Trên eBay, mỗi hộp Cao Sao Vàng có giá 9.99 USD, tức khoảng 231.000 đồng, một hộp loại 4gram, gấp 25 lần so với sản phẩm bán tại Việt Nam, giá hiện tại 9.000 đồng.
Mới đây, một kênh YouTube tại Nga với gần 40.000 lượt theo dõi đã đăng tải đoạn video quảng cáo về sản phẩm "quốc dân" Cao Sao Vàng của Việt Nam. Đoạn quảng cáo đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng, thu hút được gần 70.000 lượt xem chỉ sau 4 ngày đăng tải.
Với nhiều người thế hệ 8x hoặc cả các bạn 9x và đông đảo người dân Việt Nam, nhắc đến cái tên Cao Sao Vàng là một "bầu trời ký ức" lại ùa về.
Có thể bạn quan tâm