Cách đây chưa lâu, LVMH được cho là có thương vụ M&A lịch sử khi mua lại Tiffany & Co. - hãng trang sức biểu tượng của New York, với giá 16,2 tỷ USD.
LVMH là một trong những tập đoàn thời trang xa xỉ lớn nhất thế giới, sở hữu 75 thương hiệu trong các mảng thời trang, làm đẹp, du lịch và ẩm thực cao cấp, từ Christian Dior, đến Kenzo, Dom Pérignon, Veuve Clicquot và Sephora.
Tuy nhiên, nữ trang và đồng hồ xa xỉ là lĩnh vực duy nhất mà LVMH chưa phải là cái tên đứng đầu. Nếu mua lại Tiffany, LVMH có thể ngay lập tức thâm nhập và mở rộng thị trường cho lĩnh vực mà mình còn yếu kém.
Ông Fflur Roberts, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng xa xỉ của Euromonitor International cho rằng, với việc mua lại Tiffany, LVMH sẽ củng cố vị thế của mình tại thị trường Mỹ, hướng tới một danh mục đầu tư cân bằng hơn về mặt địa lý, sau khi có những lo ngại về sự phụ thuộc của tập đoàn xa xỉ này vào Trung Quốc, Châu Á và Pháp.
Có thể nói, đây là một bước đi khá mạo hiểm của LVMH trong bối cảnh COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng xa xỉ đang gặp phải vô vàn khó khăn.
Tuy nhiên, vừa qua, LVMH đã trì hoãn việc tiếp quản Tiffany, đổ lỗi cho những lo ngại của Pháp về một cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Trước đó, vào tháng 7, Mỹ đã thông báo sẽ áp thuế 25% đối với các sản phẩm của Pháp nhập khẩu vào Mỹ, bao gồm đồ trang điểm và túi xách để trả đũa cho việc Châu Âu đánh thuế các công ty kỹ thuật số Mỹ.
Tất nhiên, Tiffany cũng chẳng chịu để yên cho LVMH. Họ vốn đã rất khó chịu với sự xử lý chậm chạp của LVMH trong việc tìm kiếm sự chấp thuận của các cơ quan quản lý cạnh tranh của Liên minh Châu Âu. Mới đây, Tiffany đã đâm đơn khởi kiện để buộc LVMH tiếp tục các điều khoản M&A ban đầu.
Có thể bạn quan tâm