Cuộc luận tội Tổng thống Trump có thể ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán ký kết thỏa thuận Mỹ - Trung giai đoạn 2 sắp tới.
Ảnh hưởng từ cuộc luận tội
Sau cuộc luận tội Tổng thống Trump vừa qua, giới quan sát đang lo ngại, có khả năng các cuộc đàm phán có thể gặp trở ngại mới. Theo đó, quá trình luận tội có thể sẽ khiến Tổng thống Trump mất tập trung trong việc giải quyết xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và làm xói mòn uy tín của chính quyền của ông.
Theo James Zimmerman, đối tác trong văn phòng luật sư Perkins Coie tại Bắc Kinh và là cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc cho biết, "Có rất nhiều người cho rằng, Tổng thống Trump đã phung phí bất cứ vốn chính trị nào mà ông có và sẽ bị phân tâm bởi cuộc luận tội cho đến khi phiên tòa tại Thượng viện diễn ra và ông không bị phế truất".
Có thể bạn quan tâm
16:00, 19/12/2019
01:21, 06/10/2019
04:35, 11/09/2018
11:23, 24/08/2018
Với việc bổ sung vào những vấn đề khiến ông Donald Trump bận tâm, từ nỗi lo kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại cho đến tình hình rối ren ở Syria, cuộc luận tội có thể sẽ làm giảm cơ hội Mỹ - Trung sớm tiến hành ký kết thỏa thuận thương mại.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc Tổng thống Trump tập trung vào cuộc bầu cử năm 2020 cũng có thể dẫn đến các cuộc tấn công mới vào Bắc Kinh nhằm giải quyết thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, nhằm giành những lợi thế trước các đối thủ.
Nếu như hai bên không nhanh chóng hoàn thiện văn bản thỏa thuận và tiến hành ký kết, có khả năng Tổng thống Trump sẽ khơi mào một cuộc chiến thuế quan mới với Trung Quốc để hướng sự chú ý của công chúng ra khỏi cuộc luận tội.
Trên thực tế, chính quyền Trump phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc dựa trên điều 301 Luật Thương mại và phương án giải quyết dựa trên cơ chế này không cần thông qua tại Quốc hội, chính vì vậy, Thượng viện hay Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ nắm giữ sẽ không can dự vào quyết định liên quan đến cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Cùng với đó, Tổng thống Mỹ chỉ bận tâm đến tiến trình luận tội nếu mối đe dọa này trở nên nghiêm trọng. Trong khi đó, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một là một trong những chiến thắng và giúp ông giành lại sự quan tâm của cử tri. Do đó, Tổng thống Mỹ sẽ không trì hoãn hoặc có bất cứ tác động nào làm chậm lại quá trình ký kết của hai bên.
Mặt khác, Bắc Kinh cũng đã từ chối bình luận về cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Mỹ để luận tội Tổng thống Donald Trump. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, quá trình luận tội là vấn đề nội bộ của Mỹ và các thành viên thuộc đoàn đàm phán của cả hai nước đã duy trì liên lạc chặt chẽ về việc ký kết sắp tới.
Mâu thuẫn căn bản
Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, cho dù kết quả cuối cùng của quá trình luận tội này là gì, cuộc chiến giữa hai nền kinh tế vẫn sẽ tiếp diễn. Xét cho cùng, mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế đã tiềm ẩn trong rất nhiều năm. Thật sai lầm khi cho rằng Tổng thống Trump là người gây ra cuộc xung đột của mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc. Ông làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa hai bên nhưng không phải là tác nhân chính, cũng như có tầm ảnh hưởng lớn đến mâu thuẫn này.
Khi Trung Quốc nhanh chóng nổi lên là nền kinh tế lớn thứ hai vào cuối những năm 2010 trong khi nền kinh tế vẫn hạn chế về độ mở với bên ngoài, Mỹ bắt đầu cảm thấy thất vọng, bất an và bị đe dọa. Sự đồng thuận mới trong chính quyền Mỹ lúc này là Trung Quốc đã trở thành một thách thức nghiêm trọng, thậm chí là mối đe dọa đối với cường quốc số một thế giới.
Ngay từ nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama, Mỹ bắt đầu nghiêm túc giải quyết thách thức mang tên Trung Quốc. Do đó, chính sách "tái cân bằng châu Á" thể hiện một trong những cách tiếp cận đặc trưng của ông Obama về Trung Quốc. Khi đó, Ngoại trưởng Hillary Clinton là một trong những "kiến trúc sư" chủ chốt của phương pháp này.
Nhưng đến thời của Tổng thống Trump, với câu nói "Đặt nước Mỹ lên trên hết", ông đã mang những vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ trở thành cuộc xung đột công khai, cùng với việc chỉ tập trung vào cạnh tranh kinh tế và công nghệ mà không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ đã khiến con đường ông đang đi trở nên khó khăn hơn.
Bắc Kinh và Washington hiện đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh về ảnh hưởng kinh tế và chính trị thế giới. Điều này chắc chắn sẽ còn kéo dài trong tương lai, thậm chí có khả năng vượt xa nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, ngay cả khi ông tái đắc cử trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sắp tới.
Do vậy, việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nước là một khởi đầu tốt nhưng sự cạnh tranh giữa hai nước sẽ không được giải quyết trong thời gian ngắn vì các vấn đề hiện tại sẽ không được giải quyết trong một năm hoặc 5 năm tới. Đây chỉ là một thoả thuận đình chiến tạm thời cho tới khi hai bên tiếp tục cuộc xung khắc với nhau.
Và ngay cả khi Tổng thống tiếp theo của Mỹ không phải ông Trump, Mỹ và Trung Quốc sẽ còn nhiều lần sử dụng chiêu thức dùng thoả hiệp tạm thời này để kiểm soát cuộc xung khắc bởi cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai bên không có hồi kết.