Ông Nguyễn Tấn Long, cựu Phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa, Đồng Nai bị cơ quan điều tra bắt tạm giam để điều tra, làm rõ các sai phạm trong quá trình công tác.
>>Khởi tố, bắt giam nhiều cán bộ liên quan cựu Phó Chủ tịch TP Biên Hòa
Mở rộng điều tra, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai cũng tiến hành bắt tạm giam, khám xét nơi ở và làm việc của một số cán bộ: Trương Thành Giàu - Phụ trách phòng 1, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai Chi nhánh Biên Hòa; Nguyễn Mộng Hiền - Tổ trưởng Tổ quản lý, khai thác quỹ đất thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai Chi nhánh Biên Hòa; Hồ Bá Minh - Nguyên Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Biên Hòa.
Các bị can này có liên quan đến vụ việc vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Dự án Khu dân cư thương mại Phước Thái, phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa do Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Phước Thái làm chủ đầu tư.
Về vấn đề này, dưới góc nhìn pháp luật, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho hay: Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều cán bộ vi phạm ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó phổ biến nhất là lĩnh vực đất đai, xây dựng, quản lý tài sản công.
Không ít những cán bộ vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, vi phạm quy định về quản lý đất đai đã bị khởi tố, điều tra về hàng loạt sai phạm. Bởi vậy việc cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam cựu Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là chuyện không quá bất ngờ.
“Qua vụ việc này, có thể thấy rằng đây là sai phạm của nhiều cán bộ, ở nhiều dự án, sai phạm có tính chất hệ thống, có tổ chức, gây thất thoát, thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, gây bất bình đẳng trong xã hội, bức xúc trong nhân dân”, luật sư Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, cơ quan điều tra đang làm rõ thêm tại thời điểm đương chức là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, phụ trách lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng ông Long đã ký những văn bản, những quyết định liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nào?
Trong quá trình thu hồi đất Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thành phố có căn cứ vào quy định của Luật đất đai để xác định diện tích đất phải thu hồi, thuộc trường hợp thu hồi và có tiến hành thu hồi theo đúng trình tự, thủ tục luật định hay không?
Rồi các các quyết định ban hành có đúng thẩm quyền, theo trình tự thủ tục luật định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân hay không…
>>Nguyên Chủ tịch tỉnh Bình Thuận vừa bị khởi tố có thể đối diện với mức án nào?
Theo luật sư Cường, những sai phạm mà cơ quan điều tra chỉ ra cho thấy hành vi vi phạm của các đối tượng đã xảy ra nhiều lần, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Bởi vậy cơ quan điều tra đã khởi tố ông Long và một số đồng phạm khác về tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 230 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là hành vi gì, hành vi này đã gây thiệt hại số tiền bao nhiêu cho Nhà nước để làm căn cứ quyết định tội danh và hình phạt đối với các bị can.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy các bị can đã thực hiện hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gây thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì hình phạt mà các bị can sẽ phải đối mặt trong vụ án này là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
“Như vậy, nếu trường hợp ông Long bị tòa án kết tội thì ông này sẽ phải đối mặt với tội danh có khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù, ngoài ra tòa án còn có thể áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, luật sư Cường phân tích.
Có thể bạn quan tâm
16:55, 04/03/2022
23:29, 25/02/2022
00:06, 20/02/2022
20:33, 18/02/2022