Với 439/463 (chiếm 91,65%) các đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, tại phiên họp chiều 30/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Dự án Luật Điện lực (sửa đổi)…
Theo đó, Luật Điện lực (sửa đổi) được thông qua sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, đã rút ngắn từ 130 Điều xuống còn 81 Điều (giảm 49 Điều so với Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8; chỉ bổ sung 11 Điều so với Luật Điện lực hiện hành). Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/02/2025.
Trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội – Lê Quang Huy cho biết, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, thống nhất chỉnh lý các nội dung liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, nhất là các đạo luật đã được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 về quy hoạch, đầu tư và đấu thầu.
Trong đó, về chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực (Điều 5), liên quan đến phát triển điện hạt nhân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chính sách quy định cụ thể về đầu tư, xây dựng dự án điện hạt nhân đã được quy định tại Luật Năng lượng nguyên tử.
Do vậy, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, thống nhất với ý kiến Chính phủ chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng: Chỉ quy định chung về quy hoạch phát triển điện hạt nhân; Các quy định cụ thể về nhà máy điện hạt nhân được thực hiện theo pháp luật về năng lượng nguyên tử, các quy định khác của pháp luật có liên quan và đã thể hiện tại khoản 10 Điều 5 Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý.
Về phát triển điện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý và thể hiện tại khoản 3, khoản 13 Điều 5, Điều 17, trong đó làm rõ việc huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển điện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và việc hỗ trợ của Nhà nước đối với tiền điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt của hộ nghèo, hộ chính sách xã hội.
Bên cạnh đó, việc phát triển năng lượng tái tạo phụ thuộc vào nguồn năng lượng tái tạo, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật; trường hợp khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo đáp ứng đủ điều kiện thì được áp dụng các cơ chế ưu đãi để đầu tư xây dựng điện năng lượng tái tạo theo quy định của Luật này.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, trong đó có điện gió ngoài khơi (Mục 1, 2 Chương III). Liên quan phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều quy định tại Chương III về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới (từ Điều 20 đến Điều 29), bảo đảm minh bạch, hiệu quả trong quản lý điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; đồng thời giao Chính phủ quy định điều kiện và thời hạn áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án này.
Về phát triển điện gió ngoài khơi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hiện nay trên thế giới chưa có định nghĩa và phân loại thống nhất về điện gió ngoài khơi. Dự thảo Luật quy định dự án điện gió trên biển thuộc vùng biển Việt Nam gồm 02 đối tượng: dự án điện gió gần bờ; dự án điện gió ngoài khơi và thể hiện như khoản 5 Điều 20...
Quy định như vậy nhằm thể chế hoá Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị, trong đó có nội dung về xây dựng cơ chế, chính sách cho điện gió ngoài khơi, bảo đảm phù hợp với công tác quản lý, thực hiện pháp luật về quy hoạch, pháp luật về biển, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và đặc thù của lĩnh vực điện gió trên biển.
Đặc biệt, đối với nội dung xóa bỏ bù chéo giá điện, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho hay, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật quy định giá điện trúng thầu là giá điện tối đa để bên mua điện đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu, giao Chính phủ quy định chi tiết việc đàm phán, giao kết hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh, hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư trúng thầu trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của các bên tại khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 19.
Đối với thị trường điện kỳ hạn là vấn đề mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm ở Việt Nam, cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng trước khi đưa vào Dự thảo Luật, Dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết như thể hiện tại khoản 6 Điều 45.