Nghiên cứu - Trao đổi

Đa dạng nguồn tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Yến Nhung 11/01/2025 11:05

Để tăng cường tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước và huy động nguồn lực từ quốc tế, doanh nghiệp, cùng cộng đồng.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã và đang phải đối diện với nhiều thách thức của biến đổi khí hậu bởi sự gia tăng của một loạt hiện tượng khí hậu cực đoan, thiên tai, dịch bệnh... trong những năm gần đây. Ngay từ sớm, Đảng, Nhà nước ta đã có những nhận thức sâu sắc trong việc đề ra các chính sách, định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Luật Bảo vệ môi trường đã đặt những viên gạch đầu tiên tạo hành lang pháp lý cho phát triển xanh, phát triển bền vững - Ảnh: ITN
Việt Nam giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, đang phải đối mặt với thách thức thiếu nguồn tài chính để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu - Ảnh: ITN

Tuy nhiên, Việt Nam giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, đang phải đối mặt với thách thức thiếu nguồn tài chính để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu vốn để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 có thể lên tới khoảng 872 tỷ USD. Theo dự báo của World Bank (2022), Việt Nam cần thêm khoảng 368 tỷ USD (tương đương 6,8% GDP) để ứng phó với biến đổi khí hậu (trong giai đoạn 2022-2040).

Xoay quanh vấn đề này, TS Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách tài chính nhận định, Việt Nam hiện chưa có chiến lược toàn diện để phối hợp và tối ưu hóa nguồn vốn có thể huy động, nhất là ở cấp địa phương, nguồn tài chính chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, còn có thể kể đến một số vấn đề như, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao để đảm bảo thực thi cam kết Net-Zero; trong những chính sách thuế hiện hành, bảo vệ môi trường vẫn là mục tiêu lồng ghép nên tác dụng còn hạn chế. Cùng với đó, nhận thức về mua sắm công xanh nhìn chung còn thấp, chính sách, văn bản pháp luật hiện hành về mua sắm công và bảo vệ môi trường thiếu tính liên kết, việc phát triển thị trường tài chính xanh còn nhiều khó khăn do các bên tham gia thị trường còn hạn chế…

“Do đó, Việt Nam cần mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế để bao phủ các nguồn gây ô nhiễm môi trường; điều chỉnh mức thuế suất phù hợp nhằm tác động đến hành vi sản xuất và tiêu dùng các loại hàng hóa tác động xấu đến môi trường; sớm hoàn thiện các quy định khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường… Cùng lúc, tăng cường nguồn vốn nước ngoài từ các nhà đầu tư hoặc các nhà tài trợ đa phương và song phương; cải cách và nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính cho biến đổi khí hậu thông qua các công cụ định giá carbon, tín chỉ carbon, triển khai thí điểm thị trường carbon”, chuyên gia này khuyến nghị.

Tài chính xanh được xem là một phương thức quan trọng mà Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang chú trọng để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững - Ảnh: ITN
Để tăng cường tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước và huy động nguồn lực từ quốc tế, doanh nghiệp, cùng cộng đồng - Ảnh: ITN

Để thúc đẩy đầu tư vào các hoạt động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, bà Trương Thị Hạnh, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương, đã chia sẻ một số chính sách quan trọng. Theo đó, cần cho vay tín dụng ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực như nông nghiệp và năng lượng sạch, giúp đảm bảo nguồn tài chính dành riêng cho các ngành có ảnh hưởng lớn đến môi trường. Tiếp theo, trái phiếu xanh cũng là một công cụ tài chính nổi bật, cho phép huy động vốn cho các dự án có lợi ích trực tiếp với môi trường, đồng thời thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư ủng hộ sáng kiến bền vững.

Theo bà Hạnh, chính sách bảo lãnh tín dụng từ Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng, giúp giảm rủi ro cho các tổ chức tài chính khi đầu tư vào các dự án khí hậu. Cùng với đó, bảo hiểm chỉ số thời tiết mang lại sự bảo vệ cho ngành nông nghiệp trước các rủi ro về thời tiết, khi các khoản thanh toán được thực hiện dựa trên các chỉ số thời tiết đo lường được như hạn hán hoặc lượng mưa. Chính sách giá mua ưu đãi dành cho các dự án năng lượng tái tạo cũng đã được triển khai để đảm bảo các dự án này có thể cạnh tranh với các nguồn năng lượng truyền thống.

Ngoài ra, các Ngân hàng Phát triển Quốc gia (NDBs), với sự hỗ trợ từ Chính phủ, đảm nhận vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn vay dài hạn, bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án bền vững, từ đó giảm thiểu rủi ro và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân. Để tập trung nguồn lực vào các mục tiêu chiến lược, các quỹ khí hậu quốc gia được thiết lập, đóng vai trò điều phối tài chính cho các sáng kiến và chương trình liên quan đến khí hậu...

“Những chính sách này không chỉ tạo cơ hội phát triển kinh tế xanh mà còn hướng đến xây dựng nền tảng phát triển bền vững, giúp các quốc gia ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu”, bà Trương Thị Hạnh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, không ít ý kiến cho rằng, có thể lập quỹ khí hậu quốc gia bởi Chính phủ nhằm huy động, phân phối và quản lý tài chính để đối phó với biến đổi khí hậu. Các quỹ này tập trung nguồn lực vào các dự án quan trọng và ưu tiên của quốc gia, nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững. Quỹ khí hậu quốc gia đóng vai trò điều phối và hỗ trợ tài chính cho các sáng kiến và chương trình liên quan đến khí hậu, giúp đảm bảo nguồn lực tài chính được sử dụng hiệu quả và tập trung vào các mục tiêu chiến lược của quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đa dạng nguồn tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO