Đã hết nỗi lo “xấu như chữ bác sĩ”?

HẠNH LÊ 25/10/2023 03:30

Các bệnh viện đang thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, từng bước đưa công nghệ hiện đại vào hoạt động.

>>>Triển khai bệnh án điện tử - "Bước đột phá" của chuyển đổi số ngành Y tế

Đề cập đến một trong những hoạt động quan trọng trong chuyển đổi số bệnh viện, Phó Giáo sư Trần Quý Tường - Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam đề cập đến việc triển khai bệnh án điện tử. Bệnh án điện tử tại các bệnh viện không chỉ góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà và thời gian chờ đợi cho người dân mà còn là giải phóng nhiều thời gian, công sức cho các nhân viên y tế.

Phó Giáo sư Trần Quý Tường - Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam (ảnh: H.L)

Phó Giáo sư Trần Quý Tường - Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam (ảnh: H.L)

Cụ thể, nhân viên y tế không cần hỏi thông tin cá nhân của bệnh nhân. Ở khâu đầu tiên, đăng ký khám chữa bệnh chỉ cần qua đầu đọc thẻ Căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế có dữ liệu hành chính. Thời gian thực hiện thủ tục này chỉ còn 30 giây thay vì phải mất 2-3 phút như trước đây.

Nỗi lo nhìn những đơn thuốc với những dòng chữ khó đọc mà lâu nay người dân vẫn nói vui là xấu như chữ bác sĩ cũng sớm được xoá bỏ.  Bởi bác sĩ không cần mất thời gian đánh máy, lo chữ xấu, giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Theo Phó Giáo sư Trần Quý Tường, lợi ích bệnh án điện tử mang lại cho bệnh nhân còn nhiều hơn thế. Người dân dễ dàng lưu trữ thông tin sức khỏe, lịch sử khám chữa bệnh của mình. Thông qua bệnh án điện tử, lãnh đạo bệnh viện có thể tiếp cận dữ liệu khám chữa bệnh của bệnh nhân tức thời.

Đó là những thông tin cần thiết như bác sĩ nào ngồi phòng khám, việc kê đơn thực hiện ra sao. Trước đây, việc kê đơn thuốc của bác sĩ không thể kiểm soát được. Do đó, đã từng có hiện tượng bác sĩ kê đơn thuốc bảo hiểm y tế lên đến hàng triệu đồng hay mỗi ngày kê vài chục đơn thuốc.  

Tuy nhiên, hiện nay, nhờ áp dụng công nghệ để triển khai bệnh án điện tử, việc kiểm soát đơn thuốc trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn. Lãnh đạo bệnh viện có thể nắm bắt những trường hợp kê đơn thuốc bất thường. Một số bệnh viện có quy định: bác sĩ kê đơn thuốc 5 triệu đồng trở lên sẽ có phản hồi về ban giám đốc.

Công nghệ thông tin đang làm thay đổi lớn công tác quản lý. Ngoài bất cập trên, một số vấn đề nổi cộm khác như xét nghiệm tăng, lạm dụng đơn thuốc hay danh mục kỹ thuật… sẽ được giải quyết tốt hơn, công tác quản lý minh bạch hơn.

Phó Giáo sư Trần Quý Tường cũng cho rằng, bệnh án điện tử là cơ sở dữ liệu y tế quan trọng để Việt Nam phát triển trí tuệ nhân tạo và công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 46/2018/TT-BYT, tất cả các bệnh viện hạng 1 phải triển khai xong bệnh án điện tử trong năm 2023. Song, cho đến nay mới có 52 bệnh viện thực hiện bệnh án điện tử, trong đó có số lượng bệnh viện hạng 1 là 20.

>>>Chuyển đổi số y tế: “Mảnh đất màu mỡ để khởi nghiệp”

Bệnh án điện tử

Triển khai bệnh án điện tử là bước đột phá trong chuyển đổi số bệnh viện

Việc triển khai bệnh viện không giấy tờ, bệnh án điện tử chậm trễ, không đảm bảo tiến độ, theo Phó Giáo sư Trần Quý Tường, có một số nguyên nhân. Thứ nhất, lãnh đạo bệnh viện chưa quan tâm, chưa hiểu hết về bệnh án điện tử; thứ hai, nhiều người e ngại tính minh bạch của bệnh án điện tử như vấn đề thuốc, tài chính, lạm dụng chỉ định.

Cuối cùng, một số đơn vị cho biết gặp khó khăn về tài chính trong chuyển đổi số trong khi chưa có cơ chế tài chính cho chuyển đổi số của bệnh viện. 

Bên cạnh đó, một số vấn đề khác cần được thực hiện đồng bộ. Chẳng hạn, bệnh viện không giấy tờ triển khai đồng thời cùng chữ ký số để tránh tình trạng ban ngày ký điện tử, tối lại ký bổ sung hồ sơ, giấy tờ như nhiều ngành đã làm. Chữ ký của bác sĩ, của lãnh đạo bệnh viện được bảo vệ và ký số sẽ công khai, minh bạch biết rõ thời điểm ký, không thể ký lại.

Chuyển đổi số bệnh viện chỉ thành công, theo Phó Giáo sư Trần Quý Tường, lãnh đạo bệnh viện cần quan tâm hơn nữa đến số hóa, chuyển đổi số y tế. Theo lộ trình, bỏ được bệnh án giấy, triển khai bệnh án điện tử góp phần chuyển đổi số thành công đến 70%; 30% còn lại từ việc ứng dụng thêm trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ cao.

Có thể bạn quan tâm

  • Những khó khăn khi triển khai bệnh án điện tử

    Những khó khăn khi triển khai bệnh án điện tử

    02:29, 06/03/2019

  • Bệnh án điện tử và những thách thức bảo mật

    Bệnh án điện tử và những thách thức bảo mật

    02:42, 02/03/2019

  • Chuyển đổi số y tế: Tiếp cận người dân vùng sâu vùng xa cách nào?

    Chuyển đổi số y tế: Tiếp cận người dân vùng sâu vùng xa cách nào?

    04:44, 26/12/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đã hết nỗi lo “xấu như chữ bác sĩ”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO