TS Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển cho rằng nếu Đà Nẵng tiếp tục đi theo hướng cũ chủ yếu dựa trên nguồn lực đất đai thì dư địa phát triển sẽ sớm cạn kiệt.
>>Chủ tịch nước: Kinh tế Đà Nẵng có phát triển nhưng chưa xứng tầm!
Sau 25 năm trở thành đơn vị trực thuộc Trung ương, kinh tế Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong đó, việc xác lập các quy hoạch đã mang lại nhiều lợi thế to lớn có công cuộc "thay da đổi thịt" của địa phương.
Xác định vai trò của quy hoạch luôn quan trọng trong việc định hướng, xác định tầm nhìn, chiến lược dài hạn, TS Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển cho rằng những kết quả đạt được sẽ là nền móng để thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, ông Đặng Huy Đông cho rằng nếu Đà Nẵng tiếp tục đi theo hướng cũ chủ yếu dựa trên nguồn lực đất đai thì dư địa phát triển sẽ sớm cạn kiệt.
Theo ông Đông, việc đổi đất lấy công trình là một chủ trương đúng đắn mang tính tình thế khi ngân sách của địa phương còn hạn hẹp để phát triển cơ sở hạ tầng và mở rộng không gian thành phố. Nhưng chủ trương này thực hiện không dựa trên một bản quy hoạch được xây dựng với tầm nhìn dài hạn và mô hình tăng trưởng bền vững đã dẫn đến một mô hình đô thị phát hiện theo xu hướng dàn trải, hiệu quả sử dụng đất chưa cao.
"Bởi vậy, để đảm bảo thực hiện được Nghị quyết 43 về phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ mới thì dư địa để phát triển còn lại đó chính là nguồn lực vô tận chính là con người, để tạo dựng nên một nền kinh tế tri thức theo đúng nghĩa. Trong quy hoạch TP Đà Nẵng giao đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, Đà Nẵng đã được định hướng trở thành một thành phố đáng sống, nơi thu hút những tầng lớp tinh hoa với an cư và lập nghiệp, là sinh lực của nền kinh tế thành phố. Định hướng này không thể được hình thành từ sự phát triển tự phát, tùy tiện theo sự dẫn dắt của lợi ích ngắn hạn trước mắt của các nhà kinh doanh bất động sản mang tính đầu cơ hay nhờ sự ngẫu nhiên nào đó trong quá trình phát triển mang lại", TS Đặng Huy Đông nhận định.
Theo ông Đông, chiến lược phát triển phải được bắt đầu ngay từ tầm nhìn chiến lược dài hạn của quy hoạch, không thể có một quy hoạch tồn tại mãi mãi không thay đổi. Song, mỗi sự thay đổi, điều chỉnh lỗi quy hoạch đều sẽ phải trả giá đắt cho sự phát triển của tương lai thành phố.
>>Doanh nghiệp không đứng ngoài “sân chơi” chuyển đổi số
>>Đà Nẵng muốn tái cơ cấu nền kinh tế
Vì thế, tính bền vững, ổn định của bản quy hoạch theo thời gian là thước đo chất lượng của một bản quy hoạch. Trên thế giới có những thành phố tồn tại hàng trăm năm gần như không hề thay đổi vóc dáng, thời gian qu ađi ngày càng trở nên giá trị và là di sản của nhân loại như Roma, Paris, LonDon hay tại Việt Nam có phố cổ Hà Nội, Hội An.
"Bên cạnh đó, quy hoạch phải mang tính may đo theo logic để đảm bảo thành phố mang những đặc trưng riêng, khác biệt hẳn với những đô thị khác bằng việc tận dụng và phát huy tối đa những điều kiện, đặc điểm tự nhiên và văn hóa sẵn có của địa phương. Có như vậy, du khách và doanh nhân đến với TP Đà Nẵng mới nhận ra được sự duyên dáng, hấp dẫn khác với các đô thị khác trên thế giới",TS Đặng Huy Đông nói.
Cũng theo ông Đông, thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Nẵng những bãi biển xanh cát trắng, những dòng sông xanh, những dải núi xa mờ từ cao hướng ra biển, khí hậu ôn hòa,... mà ít địa danh nào trên thế giới tụ hội đủ. Những khu vực tự nhiên tại Đà Nẵng cần phải được gắn trên mình những kiệt tác kiến trúc để biến thành "mỏ vàng" nhân tạo khai thác bất tận cho đến thế hệ con cháu mai sau.
Các khu vực đó sẽ là khu vực ưu tiên phát triển bất động sản cao cấp, thu hút tầng lớp ưu tú, thu nhập cao đến làm ăn, kinh doanh, nghỉ dưỡng tại thành phố. Là những thực thể tinh tế, sống động, đóng góp gia tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố.
Để tránh xung đột lợi ích giữa các hoạt động kinh tế - xã hội, ông Đặng Huy Đông đề xuất thành phố Đà Nẵng cần có quy hoạch phân khu chức năng với đặc điểm địa hình. Thành phố cần lấy tuyến cao tốc Bắc – Nam làm phân giới, cho các khu công nghiệp, khu chiết xuất gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn và gây tắc nghẽn giao thông tất cả đều đưa về phía Tây thành phố.
Đồng thời, dành toàn bộ khu vực Đông Nam thành phố để phát triển công nghiệp không khói, dịch vụ thương mại, du lịch, giáo dục, y tế,... Thành phố cũng cần nâng cao hiệu quả sử dụng đất bằng việc phát triển theo mô hình đô thị nén, trung tâm đô thị sầm uất cần được sớm hình thành.
Do đó, Đà Nẵng cần phải sử dụng tiết kiệm nguồn rài nguyên đất, không phân bổ dàn trải, phát triển đô thị với cường độ kinh tế cao. Đồng thời, chỉ khi phát triển xong khu vực này mới phát triển sang khu vực khác theo hình thức “cuốn chiếu” để phát huy ngay hiệu quả sử dụng đất theo quy luật cung - cầu nhằm tăng thu ngân sách và tăng khả năng quay vòng vốn của nhà đầu tư, giữ đất cho phát triển thành phố trong tương lai.
"Thực hiện thành công bản quy hoạch tổng thể của thành phố Đà Nẵng sẽ đạt được mục tiêu cho khát vọng được nêu ra trong Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và sẽ đưa Đà Nẵng thực sự trở thành một đô thị trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Để trở thành một đô thị trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng cần ưu tiên làm những việc mà các địa phương khác không làm hoặc không thể làm dựa theo những lợi thế cạnh tranh đặc trưng của mình dể phát triển các lĩnh vực như khoa học công nghệ, logictics, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sân bay, bến cảng,... để mang lại những giá trị gia tăng thực sự", TS Đặng Huy Đông nói thêm.
TUẤN VỸ (ghi)
Có thể bạn quan tâm