Môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố đầu tàu miền Trung đang có nhiều vấn đề.
Hàng loạt các "sự cố" liên quan đến doanh nghiệp xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là sau nhiều năm dẫn đầu, PCI của Đà Nẵng đã có chiều hướng xấu dần…
Còn nhớ, tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017 với sự tham gia của hơn 500 quan khách và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, Thủ tướng Chính phú Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đà Nẵng có vai trò đầu tàu phát triển ở khu vực miền Trung giống như Hà Nội, TP.HCM, nhưng cần phải cố gắng, nỗ lực chứ không thì tụt lại, đầu tàu đó sẽ thuộc về Khánh Hòa, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế…
Nhiều ý kiến cho rằng, với tình hình như hiện nay về môi trường đầu tư, kinh doanh thì dự báo của Thủ tướng về việc Đà Nẵng bị các địa phương khác “vượt mặt” sẽ sớm thành hiện thực.
Doanh nhân rơi nước mắt
Đầu tháng 5/2019, trong cái nắng như đổ lửa của miền Trung, giữa “tâm bão” dự luận về việc các dự án bất động sản lấn sông Hàn, chính quyền TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự án bất động sản và bến du thuyền - Marina Complex.
Là người đầu tiên được mời phát biểu, bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng Giám đốc công ty CP Quốc Cường Gia Lai cho biết: Công ty mình đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào dự án này, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng, phát triển đô thị và cảnh quan TP Đà Nẵng. Từ một khu tập kết rác, bốc mùi hôi của nhà máy hải sản thải ra và cảng cá, doanh nghiệp đã cố gắng xây dựng... cố gắng "gánh" chịu trong thời kỳ khủng hoảng, chịu chi phí lãi vay, chi phí sửa chữa nhà xuống cấp, hạ tầng,... khi dự án chưa bán. "Việc triển khai đã bước vào giai đoạn cuối, Công ty chưa kịp mừng thành quả làm được thì bị dư luận (lấn sông Hàn - PV) như một tai nạn ập đến. Bao nhiêu ấp ủ quyết tâm xây dựng bám theo thiết kế ý tưởng đã được đoạt giải giờ không còn nữa....", bà Loan phát biểu trong nỗi chua xót.
Cũng theo bà Loan, Đà Nẵng từng là địa phương dẫn đầu cả nước về PCI, đó là niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư với chính quyền. Nhưng thời gian gần đây, cộng đồng doanh nghiệp thực sự lo lắng trước những diễn biến bất lợi trong quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền. “Và thực tế đang xảy ra với chúng tôi, chúng tôi thực sự lo lắng và bất an về môi trường đầu tư và sự đối xử không bình đẳng, không công bằng với Công ty”, bà Loan nói.
Trong suốt buổi hội nghị, nếu để ý sẽ thấy thi thoảng bà Loan đưa tay lên dụi vào khóe mắt – có lẽ bà đang khóc. Và nếu đúng là Tổng Giám đốc công ty CP Quốc Cường Gia Lai khóc thì đây không phải là lần đầu tiên, chủ một doanh nghiệp khóc vì những quyết định của chính quyền Đà Nẵng.
Trước đó, vào tháng 3/2018, bà Nguyễn Thị Xuân – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thép Dana Úc đã òa khóc ngay sau khi nghe chủ trương ngừng sản xuất nhà máy thép mà nguyên nhân của việc đóng cửa không phải do lỗi của doanh nghiệp mà xuất phát từ chính quyền vì TP đã sai lầm trong quy hoạch, bố trí 2 nhà máy thép Dana - Ý và Dana – Úc đến khu vực gần dân cư,…
Đặc biệt, liên quan đến vấn đề này, chính những giải pháp đưa ra cũng bất nhất. Đầu năm 2017, UBND TP Đà Nẵng chủ trương di dời giải tỏa các hộ dân xung quanh 2 nhà máy thép. Cho phép 2 nhà máy tồn tại một thời gian để thực hiện lộ trình di dời… nhưng đến 2018 thì UBND TP Đà Nẵng lại hủy bỏ chủ trương giải tỏa di dời các hộ dân xung quanh nhà máy, tiến hành di dời và yêu cầu 2 nhà máy ngừng hoạt động khiến doanh nghiệp trở tay không kịp.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 20/05/2019
05:03, 17/05/2019
11:02, 16/05/2019
13:46, 15/05/2019
12:45, 14/05/2019
16:53, 13/05/2019
11:00, 13/05/2019
Và những nỗi lo
Mới đây nhất, câu chuyện liên quan đến ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng "lò vôi", Chủ tịch Tập đoàn Đại Nam, Bình Dương) hủy tài trợ xử lý nước cũng gây ra cơn “khủng hoảng truyền thông” liên quan đến môi trường đầu tư của Thành phố này.
Từ câu chuyện về Dự án bất động sản và bến du thuyền - Marina Complex, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ bày tỏ thông cảm về dư luận đối với tình trạng hiện nay ở Đà Nẵng (và nhiều nơi khác) là “không ai dám quyết định cả vì môi trường quá rủi ro”. Theo ông Thiên, tác động môi trường kinh doanh sẽ ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đối với Đà Nẵng trong tương lai. Nếu những nhà đầu tư lớn không vào nữa hoặc rất ngại vào thì cơ may phát triển của Đà Nẵng sẽ rất khó.
Những con số về thu hút đầu tư của Đà Nẵng trong thời gian qua cũng phần nào phản ánh được những quan ngại nói trên. Theo đó, dù năm 2018 được Đà Nẵng chọn là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” nhưng tổng vốn FDI đăng ký mới trong năm chỉ đạt 155,9 triệu USD cho 126 dự án; bình quân 1,2 triệu USD/dự án. Và đặc biệt, mặc dù Đà Nẵng vẫn chọn chủ đề năm 2019 là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư” nhưng trong tháng đầu năm, kết quả thu hút vốn FDI vào thành phố lại tiếp tục rất manh mún, chỉ đạt 12 dự án với tổng vốn cấp mới 8,708 triệu USD; bình quân 0,7 triệu USD/dự án.
Đặc biệt, dù mới đây nhất, tại “Tọa đàm mùa xuân 2019” TP. Đà Nẵng đã trao Giấy chứng nhận đầu tư và Thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư 19 dự án với tổng số vốn gần 4 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng tỏ ra lo ngại với tính hiện thực của các dự án cũng như số vốn khủng trên mà chủ đầu tư dự án đăng ký.