Lãnh đạo TP. Đà Nẵng khẳng định hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng, đối tác là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
>>Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ trong 6 tháng 2024
Chiều ngày 02/8, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội nghị “Kết nối giao thương xúc tiến xuất khẩu – Đà Nẵng 2024” giúp doanh nghiệp TP. Đà Nẵng và doanh nghiệp một số địa phương trên cả nước nắm bắt thêm thông tin về dự báo tình hình, định hướng nhu cầu thị trường xuất khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng sẽ cập nhật tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường, tiềm năng, dư địa xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Cụ thể, Hội nghị sẽ đề cập đến thông tin các thị trường châu Âu – châu Mỹ và khuyến nghị cho doanh nghiệp; tiềm năng thị trường nông thủy sản, thực phẩm tại Trung Quốc; Thuận lợi, khó khăn và triển vọng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Nga; Các khía cạnh của việc khởi nghiệp kinh doanh ở Nga; Cơ hội tiềm năng và một số lưu ý khi xuất khẩu sang Nhật Bản; Thị trường Indonesia và cơ hội hợp tác kinh doanh.
Cùng với đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ tiếp cận, đánh giá được năng lực sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp xuất khẩu Đà Nẵng cũng như tình hình phát triển logistics tại địa phương. Từ đó giúp thị trường xuất khẩu mở rộng và có thêm nhiều chuỗi cung ứng mới được hình thành, góp phần đưa các sản phẩm thế mạnh của TP. Đà Nẵng nói riêng và của Việt Nam nói chung đi xa hơn, bền vững hơn.
Ông Trần Chí Cường – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay địa phương giữ vị trí trọng yếu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung và vùng kinh tế động lực miền Trung nói riêng. Đồng thời, Đà Nẵng là cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar đến các nước vùng Đông Bắc Á thông qua Hành lang kinh tế Đông – Tây.
Thông tin từ ông Cường, Đà Nẵng dù có diện tích không lớn nhưng có lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, hệ thống giao thông kết nối liên vùng và khu vực. Đặc biệt, Đà Nẵng cũng là một trong số ít địa phương có cả cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế và nằm trên các tuyến đường huyết mạch của quốc gia…giúp thành phố thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch.
Nói về tiềm năng của địa phương, ông Cường cho hay Đà Nẵng đã được thống nhất tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng trong tầm nhìn dài hạn, trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên. Đà Nẵng cũng xây dựng thí điểm khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, trung tâm vùng về logistics,…
“Thành phố hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, quốc gia trong khu vực và quốc tế. Đà Nẵng còn nhiều tiềm năng và thế mạnh trong thu hút đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất xuất khẩu nhiều loại sản phẩm như cơ khí - điện - điện tử, thủy sản, dệt may, thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ, vật liệu xây dựng - cao su - nhựa, dược phẩm - thiết bị y tế; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành hàng không vũ trụ, chế biến chế tạo, hóa dược phẩm, nông sản thực phẩm,... Việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng, đối tác là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm hiện nay”, ông Cường thông tin.
Theo ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), TP. Đà Nẵng cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu theo quy mô chuyên nghiệp để phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá. Thông tin từ vị này, thời gian tới Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh thị trường tiêu thụ nội địa và thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.
“Qua đó, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của thành phố cả ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Với chủ trương đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các kênh trực tuyến, thương mại điện tử cho hàng Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tích cực thúc đẩy và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho sản phẩm Việt Nam với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại tất cả các khu vực trên thế giới”, ông Phú cho hay.
Sáng 2/8, Hội chợ quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng - EWEC năm 2024 chính thức khai mạc. Sự kiện có ý nghĩa góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây và các quốc gia trong vùng. Theo thông tin, hội chợ EWEC 2024 thu hút gần 300 gian hàng của hơn 150 doanh nghiệp đến từ các địa phương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây và các tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài ra, hội chợ còn có sự tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam và Đà Nẵng đến từ các nước: Campuchia, Lào, Myanmar, Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan. |
Có thể bạn quan tâm