Du lịch

Đà Nẵng đón đầu xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe

Tuấn Vỹ 14/07/2025 02:39

Với nhiều lợi thế về các mô hình chăm sóc sức khỏe sau sáp nhập, ngành du lịch Đà Nẵng đang có cơ hội để đón đầu xu hướng mới, gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Sau sáp nhập, Đà Nẵng có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để đón đầu xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe (wellness tourism). Trước khi sáp nhập, TP Hội An (cũ) hay một số nơi khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (cũ) đã triển khai nhiều mô hình và nhận được nhiều sự quan tâm từ du khách.

Có thể hình dung rõ hơn, trong một kỳ nghỉ dưỡng, du khách có thêm các trải nghiệm du lịch nhằm thư giãn, nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần khiến phần lớn đều lựa chọn. Nhiều điểm đến như làng rau Trà Quế, Đông Giang (cũ), Nam Trà My (cũ) đã có những hoạt động phục vụ như massage, ngâm chân bằng dược liệu tinh chế của làng, sử dụng dược liệu,...

950b004afc834add1392.jpg
Suối nước nóng tự nhiên Tây Viên với tiềm năng lớn cần được đầu tư, tạo lập điểm đến cho du lịch sức khỏe.

Bà Lê Phạm Thiên Hằng - người sáng lập An Farm Hội An cho hay phía đơn vị đã triển khai wellness tourism trong lĩnh vực nông nghiệp - một mảng khá phù hợp với đặc trưng, lợi thế của địa phương. Theo vị này wellness tourism là dịch vụ rất độc đáo và còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy loại hình này ở một số điểm đến du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

“Trong đó còn có thể gắn với việc trải nghiệm trồng cây, ngâm chân, ngồi thiền, sử dụng thực phẩm thân thiện…”, bà Hằng nói.

Đặc biệt hơn, Đà Nẵng hiện nay còn có cây sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu quý, các suối khoáng nóng như suối nước nóng Thái Sơn, Tây Viên, nước khoáng Phú Ninh,... cùng nhiều bài thuốc nam bí truyền của cộng đồng các dân tộc là điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm du lịch gắn với chăm sóc sức khoẻ. Vì vậy, các doanh nghiệp, địa phương cần tận dụng phát triển điểm đến đặc biệt tại địa phương thế mạnh để hình thành tour nghỉ dưỡng, trải nghiệm và dùng dược liệu một cách phù hợp, điều độ.

Ông Lê Quốc Việt – Tổng Giám đốc Santa Viet Nam nhìn nhận các địa phương của Đà Nẵng vùng phía Tây, phía Nam hiện nay đều có hệ thống bài thuốc dân gian phục vụ cho nhu cầu du lịch sức khỏe. Theo ông Việt, các doanh nghiệp cần “bổ túc” thêm về hoạt động trị liệu, hoàn thiện các giấy phép để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của du khách.

Mở rộng hơn so với du lịch chăm sóc sức khỏe, Đà Nẵng cần hình thành và tổ chức các chương trình du lịch y tế kết hợp giữa tham quan và chăm sóc sức khỏe. Bởi lẽ, Đà Nẵng có lợi thế về du lịch – thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng Đà Nẵng từ lâu đã khẳng định vị thế là một trong những điểm đến du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu tại Việt Nam.

18.jpg
Lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khỏe rất rộng, kéo theo nhu cầu của các thị trường khách ở lĩnh vực này cũng khá đa dạng nên các doanh nghiệp cần tận dụng để phát triển sản phẩm phù hợp.

BS Ngô Đức Hải – Giám đốc Công ty cổ phần Bệnh Viện Thiện Nhân Đà Nẵng cho rằng các lợi thế của Đà Nẵng nên một môi trường lý tưởng cho các hoạt động nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần. Địa phương và doanh nghiệp có thể dễ dàng tích hợp các dịch vụ khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe chuyên sâu,...

Trước đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch y tế trên địa bàn giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong kế hoạch có đề cập việc phát triển thị trường du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn và một số cơ sở y tế, khu du lịch cũng đã tích cực nâng cấp dịch vụ, sản phẩm để bắt nhịp xu hướng này.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, lĩnh vực wellness tourism rất rộng, kéo theo nhu cầu của các thị trường khách ở lĩnh vực này cũng khá đa dạng. Vì vậy, cần đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ về tour thiền - yoga phục vụ khách Hàn Quốc - Nhật Bản; các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, ăn kiêng giảm cân phục vụ khách Nga và Đông Âu hay Ấn Độ,... Chú trọng khuyến khích đầu tư vào các sản phẩm có lợi thế như tham quan tâm linh, xông hơi, nghỉ mát, ngâm bùn khoáng, tắm thuốc thảo dược, thể thao leo núi… để gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch - sự kiện - vận chuyển VITRACO lấy ví dụ rằng khách Nhật thiên về dưỡng lão, phục hồi chức năng, nghỉ dưỡng trị liệu; khách Hàn Quốc muốn du lịch kết hợp thẩm mỹ; khách Tây thích nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe; khách ASEAN chuộng nha khoa, y học cổ truyền còn thị trường khách nội địa thích nghỉ dưỡng phục hồi, vật lý trị liệu,... Vì vậy, Đà Nẵng cần đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái du lịch y tế tích hợp; phát triển sản phẩm chuyên biệt theo từng thị trường; đẩy mạnh truyền thông, xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch y tế.

“Ngoài ra, cần đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ, xây dựng các mô hình liên kết”, ông Tùng đề xuất.

Để phát huy lĩnh vực du lịch sức khỏe tại Đà Nẵng, nhiều ý kiến cho rằng thành phố cần thu hút các nhà đầu tư đủ tiềm lực đến đầu tư. Cùng với đó, khuyến khích các startup ở địa phương mạnh dạn dấn thân, khai phá để thúc đẩy phát triển các mô hình mới.

Song song với đó, cần có cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các cơ sở khám, chữa bệnh với cơ sở dịch vụ du lịch để hình thành các gói sản phẩm chăm sóc sức khỏe có giá hợp lý, bảo đảm chất lượng phục vụ khách du lịch. Đặc biệt, nên sử dụng phương thức truyền thống tại địa phương, phải cân nhắc, so sánh, tạo sự khác biệt để thu hút du khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đà Nẵng đón đầu xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO