Theo khảo sát của VCCI Đà Nẵng, 12.94% doanh nghiệp cho biết nếu không chi trả chi phí ngoài quy định, doanh nghiệp bị gây khó khăn với hình thức phổ biến nhất là kéo dài thời gian làm thủ tục.
VCCI Đà Nẵng vừa có báo cáo phục vụ cho Hội nghị đối thoại Doanh nghiệp với Hải quan Đà Nẵng năm 2019 dựa trên khảo sát 340 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics, đại lý hải quan, đang làm thủ tục hải quan tại Hải quan Đà Nẵng.
Theo báo cáo nói trên thì liên quan đến chi phí ngoài qui định, có 10.59% doanh nghiệp trả lời có chi các khoản chi phí ngoài qui định và 78.82% doanh nghiệp trả lời không. Cụ thể, trong số những doanh nghiệp có chi các chi phí ngoài qui định thì chủ yếu các doanh nghiệp chi trả cho khâu kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa với tỷ lệ là 77.78%.
Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề chi trả các khoản phí ngoài qui định, 12.94% doanh nghiệp cho biết nếu không chi trả những chi phí này thì doanh nghiệp bị gây khó khăn với hình thức phổ biến nhất là kéo dài thời gian làm thủ tục (100%). Ngoài ra còn có các hình thức khác như yêu cầu bổ sung, giải trình các chứng từ không theo quy định của pháp luật; Thái độ không văn minh, lịch sự của công chức với tỷ lệ lần lượt là 36.36% và 18.18%.
Cũng theo khảo sát nói trên, 34.12% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết gặp khó khăn do các qui định hay thay đổi nhiều nhất là ở khâu báo cáo quyết toán; tiếp theo là ở khâu miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế (12.94%) và khâu nộp thuế (10.59%) với nguyên nhân là do sự phối hợp chưa đồng bộ giữa cơ quan hải quan và các cơ quan khác trong khâu miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế là cao nhất với 12.94%.
“Một số doanh nghiệp phản ánh khó khăn liên quan tới việc chậm trễ trong kết nối thông tin giữa ngân hàng và CQHQ. Có trường hợp, dù đã nộp thuế qua ngân hàng, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa được thông quan vì lý do tiền chưa vào tài khoản của CQHQ. Cũng có trường hợp một số tờ khai doanh nghiệp đã hủy nhưng hệ thống vẫn treo nợ lệ phí, một số trường hợp sau khi nộp lệ phí HQ vẫn chưa được kịp thời xóa nợ đã ảnh hưởng đến thủ tục hoàn thuế của doanh nghiệp. Ngoài những khó khăn trên, một số doanh nghiệp phản ánh thủ tục hoàn thuế vẫn còn khó khăn, thời gian đề xuất hoàn thuế được chấp thuận cho đến khi nhận được tiền hoàn thuế cũng như thời gian làm thủ tục, cung cấp hồ sơ hoàn thuế, xét duyệt theo từng cấp còn lâu. Chưa cập nhật rõ tình trạng hồ sơ trong quá trình xử lý để doanh nghiệp tiện theo dõi”, báo cáo của VCCI cho biết.
Trước những khó khăn nói trên, để giải quyết công việc thuận lợi, 69,41% doanh nghiệp trả lời có đề nghị sự hỗ trợ từ cơ quan Hải quan khi gặp khó khăn. Các doanh nghiệp đánh giá cao cơ quan Hải quan Đà Nẵng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn trong thực hiện TTHC hải quan, với tỷ lệ khoảng 90% doanh nghiệp cho rằng sự hỗ trợ của cơ quan Hải quan phần lớn là hiệu quả và kịp thời. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng sự hỗ trợ của Hải quan Đà Nẵng vẫn chưa kịp thời (10.16%).
Cũng theo khảo sát của VCCI thì tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng khi thực hiện thủ tục HQ tại các Chi cục dao động trong khoảng từ 56% -75%. Trong đó, Chi cục Hải quan KCN Hòa Khánh-Liên Chiểu có mức độ hài lòng cao nhất (75%) và 18.75% doanh nghiệp không hài lòng về Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư, gia công.
“Kết quả khảo sát cho thấy mức độ hài lòng của các doanh nghiệp dành cho Hải quan Đà Nẵng là tương đối tốt. Tuy nhiên, sự phục vụ của cán bộ công chức Hải quan vẫn còn tồn tại một số vấn đề qua phản ánh của các doanh nghiệp. Thứ nhất là về giờ giấc làm việc, bên cạnh những cán bộ rất nhiệt tình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, sẵn sàng làm thêm giờ để giải quyết kịp thời hồ sơ cho doanh nghiệp thì vẫn còn những cá nhân đi trễ về sớm, khó chịu khi doanh nghiệp nộp hồ sơ vào khoảng thời gian cuối buổi. Thứ hai là chưa có sự đồng đều về mức độ am hiểu chuyên môn nghiệp vụ của giữa các cán bộ hải quan và giữa các Chi cục nên nhiều doanh nghiệp rất lúng túng khi được hướng dẫn khác nhau hay cách xử lý khác nhau đối với cùng một vấn đề. Thứ ba là vẫn có hiện tượng một số cán bộ hải quan cứng nhắc, bắt lỗi nhỏ gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho biết.
Cũng theo ông Quang, khi khảo sát, có 6 lĩnh vực được doanh nghiệp đề nghị cải tiến, trong đó có 3 lĩnh vực được phần lớn doanh nghiệp kiến nghị (hơn 55%), đó là tiếp tục đơn giản hóa các TTHC hải quan; tăng cường ứng dụng CNTT trong thực hiện TTHC hải quan và tăng cường quan hệ đối tác doanh nghiệp - hải quan.
Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng Hải quan Đà Nẵng cần tiếp tục cải tiến để phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn nữa. Số doanh nghiệp đề nghị tiếp tục đơn giản hóa các TTHC hải quan chiếm tỷ lệ cao 84,7%.
“Mặc dù thời gian qua Hải quan là một trong các ngành đã rất nỗ lực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn mong muốn TTHC cần tiếp tục được đơn giản để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp khi thực hiện. 60% doanh nghiệp đề nghị tăng cường ứng dụng CNTT trong thực hiện TTHC hải quan để tiếp tục rút ngắn thời gian và cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp”, báo cáo trên cho biết.
Ngoài ra, số doanh nghiệp đề nghị tiếp tục tăng cường mối quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp và hải quan chiếm tỷ lệ 56,47% thông qua việc tăng cường các hoạt động tham vấn, đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ vướng mắc, tăng cường việc cung cấp thông tin với nhiều hình thức khác nhau, giúp doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt, hiểu rõ về pháp luật Hải quan để tuân thủ và thực hiện đúng.