Đà Nẵng vừa ban hành Đề án “Chống thất thu thuế đối với một số lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế trên địa bàn thành phố”.
Đề án của UBND TP Đà Nẵng nêu rõ: “Việc đóng góp nghĩa vụ với ngân sách của các cơ sở kinh doanh chưa tương xứng với nguồn lực và quy mô kinh doanh; đặc biệt một số lĩnh vực như du lịch (gồm ăn uống, lưu trú, lữ hành,…) vận tải, bất động sản.
Giám sát thuế hạn chế ảnh hưởng doanh nghiệp
Số liệu của UBND TP cho thấy, năm 2016 Đà Nẵng đã thanh, kiểm tra 2.229 cơ sở kinh doanh, xử lý truy thu thuế 164,48 tỷ đồng, giảm lỗ 354,45 tỷ đồng, giảm khấu trừ 27,26 tỷ đồng... Năm 2017 Đà Nẵng thanh tra kiểm tra 2.906 cơ sở kinh doanh, xử lý truy thu thuế 225,08 tỷ đồng, giảm lỗ 631,97 tỷ đồng, giảm khấu trừ 44,58 tỷ đồng.
Kết quả thanh tra, giám sát thuế thời gian qua tại TP Đà Nẵng cho thấy, tình trạng bán hàng cung ứng dịch vụ không xuất hóa đơn, bỏ doanh thu ngoài sổ sách kế toán trốn thuế vẫn còn khá nghiêm trọng. Đặc biệt, phổ biến ở bán hàng cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh bất động sản phát triển nhanh về số lượng lẫn quy mô dự án tại một số địa bàn như Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ. Tuy nhiên, việc kê khai giá qua ký kết hợp đồng mua bán bất động sản (kể cả trường hợp có công chứng) chưa đúng với thực tế phát sinh, dẫn đến thất thu thuế.
Trước đó, khi Đề án chống thất thu thuế này còn trong quá trình thảo luận, Cục trưởng Cục Thuế TP Đà Nẵng – ông Nguyễn Đình Ân đã bày tỏ băn khoăn về cách thức thực hiện giám sát đối với các cơ sở kinh doanh để không vi phạm các quy định về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Đại diện Cục thuế Đà Nẵng đưa ra giải pháp cử cán bộ giám sát đến trực tại các điểm kinh doanh có nguy cơ cao thất thoát thuế.
Chống thất thu bằng cách nào?
Được biết sắp tới, cơ quan thuế TP Đà Nẵng sẽ tiến hành mời các cơ sở kinh doanh thực hiện giám sát đến thông báo chủ trương của thành phố: công khai doanh thu, số thuế phát sinh phải nộp của người nộp thuế trong thời gian qua, các yêu cầu về ghi chép sổ sách, kê khai doanh thu, số thuế phải nộp, các quy định khác về quản lý hóa đơn… Ngoài ra, với 100 đơn vị trong danh sách giám sát đặc biệt, cơ quan thuế sẽ gửi công chức thuế giám sát hoạt động kinh doanh, thực hiện khảo sát thực tế vào bất kỳ các giờ trong ngày để xác định doanh thu trong một ngày bất kỳ.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Miên cho biết, đối với lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, Đà Nẵng đã quyết định chọn các điểm thực hiện đề án chống thất thu gồm quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Thanh Khê. Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản, các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ được chọn làm điểm.
Theo UBND Đà Nẵng, Đề án quan trọng này sẽ được thực hiện trong 3 năm, từ 2018 đến 2020. Cục Thuế Đà Nẵng là đơn vị chủ trì phối hợp với các Sở ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện.
Đề án chống thất thu thuế nhấn mạnh trách nhiệm của Sở Du lịch và Sở Xây dựng TP. Cụ thể, Sở Du lịch sẽ cung cấp các thông tin về doanh thu, số lượt khách phục vụ, lịch trình tour, số khách lưu trú…
Sở Xây dựng được yêu cầu cung cấp định kỳ cho cơ quan thuế các thông tin về giấy phép xây dựng các công trình căn hộ khách Sạn, biệt thự resort.