Đến nay, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đà Nẵng vẫn đang tự lực trong việc tìm kiếm mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, phát triển sản xuất mà ít nhận được sự hỗ trợ từ quỹ đất của địa phương.
Hiện Đà Nẵng có gần 37.000 doanh nghiệp với số vốn hơn 240.000 tỷ đồng, trong đó hơn 90% doanh nghiệp là nhỏ và vừa. Sau những tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản.
>>Đà Nẵng: Hơn 80% dự án "đóng giỏ hàng", không phát sinh giao dịch
Theo đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Đà Nẵng đã có những đóng góp quan trọng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động,... Thế nhưng, cộng đồng này lại đang gặp nhiều khó khăn như thiếu các nguồn lực để phát triển, thiếu vốn và khó tiếp cận các nguồn vốn chính thức, dễ khởi nghiệp nhưng cũng chịu rất nhiều rủi ro trong kinh doanh, thiếu thông tin thị trường, chấp lượng lao động chưa cao, và thiếu kinh nghiệm quản lý.
Một vướng mắc lớn mà cộng đồng DNNVV tại Đà Nẵng muốn chính quyền địa phương tháo gỡ hiện nay đó là thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường và nguồn lao động… Đặc biệt là thiếu mặt bằng để mở rộng quy mô sản xuất bởi lẽ các cụm công nghiệp (CCN), quỹ đất hiện nay tại Đà Nẵng đang trong cảnh “bỏ không”.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc công ty TNHH Sản xuất chế biến kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế cho biết vấn đề doanh nghiệp của ông đang gặp phải đó là thiếu mặt bằng để mở rộng nhà xưởng. Thông tin từ vị này, hiện nay công ty Hương Quế đang có gần 100 lao động nhưng chỉ có khoảng 60 nhân công làm việc tập trung tại cơ sở chính. Số lượng các nhân công còn lại phải làm việc riêng lẻ tại nhiều khu vực cách xa cơ sở chính.
“Doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị địa phương hỗ trợ cho thuê mặt bằng để mở rộng nhà xưởng nhưng bất thành. Hiện nay, việc di chuyển nhiều cơ sở cũng khiến chúng tôi tốn kém chi phí và không nhiều quả, chưa kể đến là chúng tôi thuê đất của tư nhân để lập cơ sở thì chi phí sẽ tăng lên rất nhiều, ảnh hưởng đến sản xuất. Quỹ đất thành phố còn khá nhiều nhưng để doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi tiếp cận được là rất khó, doanh nghiệp đành bất lực”, ông Nguyễn Xuân Sơn chia sẻ.
>>Đà Nẵng: Phát triển đường thủy nội địa kết hợp du lịch khó vì đâu?
Một câu hỏi lớn là bao giờ cộng đồng DNNVV được hỗ trợ công bằng tương tự các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp FDI,... Khi TP Đà Nẵng đang liên tục phát triển các KCN để mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư thì việc hoàn thiện các CCN lại đang khá ì ạch. Từ đây đã dẫn đến hiện trạng nhiều đơn vị đã thuê đất tại KCN rồi phân nhỏ diện tích cho nhiều đơn vị thuê lại dẫn đến tiêu cực.
Đối với việc phát triển các CCN, hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng đang triển khai 3 CCN gồm Cẩm Lệ (29ha), Hòa Nhơn (25ha) và Hòa Khánh Nam (13ha). Trong đó, dự án CCN Cẩm Lệ được xác định sẽ được hoàn thành vào tháng 6/2023 và tiếp nhận doanh nghiệp vào hoạt động (tuy nhiên chưa thực hiện được). Còn lại, CCN Hòa Nhơn và CCN Hòa Khánh Nam vẫn đang trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà đầu tư.
Như vậy, cộng đồng DNNVV trong giai đoạn hiện tại vẫn phải chờ đợi để tiếp cận quỹ đất của thành phố. Trong khi đó, các đơn vị muốn được hỗ trợ sớm để phục hồi sản xuất sau khó khăn của đại dịch.
Theo ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng vấn đề mặt bằng thực sự cấp thiết với các doanh nghiệp Đà Nẵng hiện nay. Ông Bình thông tin thêm về vấn đề này Hiệp hội đã đề xuất rất nhiều lần trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa thể thực hiện được.
“Từ thời của Chủ tịch thành phố cũ đã có chủ trương thành lập CCN, tuy nhiên CCN lúc đó sẽ do các doanh nghiệp không phải của Nhà nước quản lý. Đà Nẵng đã đầu tư CCN Cẩm Lệ xong từ cuối năm 2022 nhưng hiện vẫn vướng mắc, vừa rồi đã xin một chính sách đặc thù cho Đà Nẵng để địa phương được quản lý CCN Cẩm Lệ. Tuy nhiên vẫn còn vướng mắc khiến thành phố chưa thể cho doanh nghiệp vào thuê đất tại đây”, ông Phạm Bắc Bình nói.
Cũng theo vị này, đối với các CCN khác như Hòa Khánh Nam, Hòa Nhơn, các KCN vừa đấu thầu đến nay vẫn chưa ổn. Hiện nay chỉ chờ chính sách, bởi lẽ doanh nghiệp đã “kêu” quá nhiều nhưng vẫn không được hỗ trợ, chỉ đành chờ đợi chứ không thể làm gì khác. ““Bài ca” đất cho DNNVV đã nói rất nhiều, điển hình như KCN Liên Chiểu, nếu doanh nghiệp vào đây thì phải trả tiền thuê đất hàng chục năm là khoản tiền rất lớn. Ngoài ra, tại Khu Công nghệ cao thì chỉ quy định đối với các lĩnh vực đặc thù, như vậy thì càng khó, đành chờ các CCN mà thôi”, ông Bình nói thêm.
Có thể bạn quan tâm