Sau nhiều năm “lép vế” trước các địa phương khác trong việc thu hút FDI Nhật Bản, Đà Nẵng đang nổi lên là điểm đến ưa thích của nhiều nhà đầu tư đến từ đất nước mặt trời mọc.
Nhưng sau những thành công bước đầu là còn lắm những nỗi lo.
Số liệu của Sở Kế hoạch Đầu tư TP Đà Nẵng cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, có 194 dự án FDI có vốn đầu tư của Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng trên 950 triệu USD, xếp vị trí thứ nhất trong hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Đà Nẵng.
Ông Lâm Quang Minh – nguyên Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng: Kinh nghiệm xúc tiến đầu tư Nhật Bản cho thấy những nhà đầu tư mới thường chỉ xem kênh thông tin từ chính quyền như một thông tin tham khảo, trong khi lại rất chú trọng thông tin từ các nhà đầu tư trước xem người ta làm ăn như thế nào. Do đó, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản. Đó là minh bạch tất cả các chính sách, thu thuế, chính sách đất, thủ tục đầu tư như thế nào. Đặc biệt là thông quan, xuất nhập khẩu; nâng cấp cơ sở hạ tầng như sân bay Đà Nẵng, cảng biển, điện, hệ thống xử lý nước thải tại các KCN bởi người Nhật rất coi trọng vấn đề môi trường. Đồng thời, TP cần chăm sóc thật tốt những nhà đầu tư tại chỗ để những nhà đầu tư này trở thành một kênh xúc tiến đầu tư cho mình. Ông Lương Minh SÂM - PHÓ HIỆU TRƯỞNG ĐẠI HỌC ĐÔNG Á: Trong xu thế các doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm nước thứ 2 ngoài Trung Quốc để đầu tư, TP Đà Nẵng cần “chào” khu công nghiệp, các chính sách cụ thể, rõ ràng, minh bạch... và nhắm vào những lĩnh vực chúng ta cần như công nghệ cao, công nghiệp phần mềm, công nghiệp phụ trợ cho điện tử, máy tính... Đặc biệt, Nhật Bản rất mạnh về công nghệ y tế nên chúng ta cũng cần kêu gọi đầu tư vào những ngành công nghệ cao về y, dược. TP Đà Nẵng cũng cần đặt mối quan hệ với các thành phố của Nhật, với các Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản để thông qua đó kêu gọi đầu tư. Đối với nguồn nhân lực nên hướng đến việc đưa lao động sang đào tạo tại Nhật Bản, sau một thời gian họ sẽ quay về Việt Nam làm việc. |
Liên tục rót vốn
Tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh mới đây, Tập đoàn khách sạn Mikazuki (Nhật Bản) thông báo đầu tư 50 triệu USD xây dựng chợ đêm và phố đi bộ tương tự “phố đêm Tokyo” ngay bên cạnh khu du lịch Mikazuki Spa & Hotel 100 triệu USD mà Tập đoàn này đang triển khai với tổng 2 công trình chính là khách sạn 5 sao với 464 phòng và khu công viên nước đối diện bãi biển Xuân Thiều. Cùng với đó, việc dự án xây dựng của Công ty TNHH MTV Sun Froniter tiếp tục rót vốn vào Đà Nẵng với dự án xây dựng tòa tháp cao 29 tầng mang tên Khu dân cư, nhà ở, khách sạn, căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ cũng làm dài thêm tên các dự án khủng của người Nhật tại Đà Nẵng.
Nói về dự án của Mikazuki, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh thông tin, Nhật Bản đang là nhà đầu tư nước ngoài dẫn đầu về số dự án FDI của Đà Nẵng và các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của thành phố, giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động địa phương và các tỉnh lân cận. “Đà Nẵng đang có nhu cầu lớn đối với các dịch vụ lưu trú và du lịch chất lượng cao... Dự án sẽ là cột mốc đánh dấu cho một trang mới trong làn sóng đầu tư từ các tập đoàn lớn của Nhật Bản vào Đà Nẵng. Từ đây, Đà Nẵng sẽ có nhiều cơ hội chào đón nhiều hơn nữa các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư và kinh doanh”, ông Chinh nhấn mạnh.
Trước đó, cũng liên quan đến bất động sản, Công ty TNHH MTV Sun Frontier với 100% vốn Nhật Bản đã tổ chức lễ khởi công dự án Khu căn hộ cao cấp Garden Tower tại Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư hơn 27 triệu USD; hay vào cuối năm 2016, Tập đoàn khách sạn hàng đầu Nhật Bản Route Inn của tỉ phú Katsutoshi Nagayama tham gia đầu tư vào Đà Nẵng với dự án đầu tư kinh doanh phát triển khách sạn với tổng vốn đầu tư hơn 58 triệu USD...
Đó là những doanh nghiệp “đổ bộ” vào bất động sản. Với các lĩnh vực khác, nhắc đến FDI Nhật Bản không thể không kể đến hàng loạt các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa với tổng vốn đầu tư 119 triệu USD; Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư hơn 89 triệu USD; Công ty TNHH Daiwa VN với 45 triệu USD… Đây là những doanh nghiệp đang mở rộng đầu tư góp phần hình thành các trung tâm công nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng đã hiến kế xây dựng chính sách với TP Đà Nẵng khá tích cực và TP đã tiếp thu, điều chỉnh. Điều này thể hiện sự cầu thị của lãnh đạo TP trong xây dựng Đà Nẵng trở thành TP đáng sống cho người dân và nhà đầu tư nước ngoài.
Đáng chú ý, trong tổng số hơn 700 dự án FDI đầu tư vào Đà Nẵng hiện nay có 162 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, xét về mức vốn đầu tư thì các dự án công nghiệp chiếm hơn 47% tổng vốn FDI tại đây. Cuộc đua đầu tư FDI vào Đà Nẵng được đẩy nhanh trong những năm gần đây, không chỉ gia tăng về số lượng các dự án, mà quy mô của các dự án cũng tăng mạnh.
Từ thu hút đến giữ chân
“Người Nhật thường có khuynh hướng đầu tư “theo sau”, các doanh nghiệp đi trước dẫn dắt các doanh nghiệp đi sau và thường khép kín nên việc các nhà đầu tư bất động sản Nhật Bản “đổ vốn” vào thị trường Đà Nẵng để đáp ứng nhu cầu người Nhật sang làm việc tại đây cũng là điều dễ hiểu”, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong việc thu hút đầu tư từ Nhật Bản nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để đạt được những con số ấn tượng về FDI như đã nói ở trên, Đà Nẵng cũng được đánh giá rất cao “trong mắt” người Nhật. Nói như tỉ phú Nagayama Katsutoshi, Chủ tịch Route Inn Group thì: “Trước đây tôi cũng không có ý định đầu tư ra nước ngoài, nhưng nghe các công ty lữ hành, các khách hàng sử dụng dịch vụ của Route Inn ở Nhật Bản chia sẻ rất nhiều câu chuyện về Đà Nẵng nên cách đây 2 năm tôi đã đến TP này. Khi đến đây, tôi cảm nhận được tình cảm ấm áp của người dân, quang cảnh TP rất tuyệt vời nên tôi quyết định chọn đây làm nơi đầu tiên để đến với Việt Nam!”.
Tuy nhiên, thu hút là một chuyện, còn giữ chân và “lôi kéo” thêm nhiều “ông lớn” Nhật Bản đến lại là một chuyện khác. Nói về đặc điểm nhà đầu tư Nhật Bản quyết định đầu tư từ cảm nhận của nhà đầu tư trước, ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.Đà Nẵng cũng phải thừa nhận môi trường đầu tư TP vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều dự án được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhưng do bị vướng các thủ tục liên quan đến đất đai (quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư), xây dựng… nên chưa thể tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.
Cụ thể, theo ông Sơn, hiện nay trên địa bàn TP có 6 khu công nghiệp về cơ bản đã được lấp đầy. TP có chủ trương thành lập thêm 03 Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh, nhưng vẫn còn vướng nhiều thủ tục nên chưa thể triển khai. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng đến nay đã có dấu hiệu quá tải: sân bay, đường bộ, môi trường... cũng như ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển nên việc thu hút đầu tư vào các ngành sản xuất công nghệ cao, công nghệ nguồn gặp nhiều khó khăn.