Với 408/450 đại biểu (chiếm 84,30%) tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, từ 1/1/2020 cấm hoàn toàn hành vi uống rượu bia khi lái xe.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội hai phương án, trong đó phương án “Cấm người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông”. Nhưng các phương án này đều không đạt được trên 50% đại biểu Quốc hội tán thành.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 14/05/2019
06:16, 16/04/2019
10:36, 06/04/2019
11:20, 04/04/2019
Thông thường, với kết quả xin ý kiến trên thì các khoản quy định sẽ không được thể hiện trong dự thảo. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì việc quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết.
“Quy định này sẽ mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và đại biểu Quốc hội, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, của Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông”, báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm một khoản ghi rõ "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông.
Trao đổi với DĐDN bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP. HCM) chia sẻ, ở đây là do cách hiểu lầm, vì trong quá trình thảo luận chưa đưa ra vấn đề này. Nhưng bản thân tôi cũng đã có kiến nghị cần có chế tài mạnh hơn đối với trường hợp uống rượu bia khi lái xe. Bản chất vấn đề theo bà Lan, chúng ta đã có luật giao thông đường bộ với Nghị định 46, trong đó quy định nếu đã uống rượu bia thì không được lái xe ô tô, còn điều khiển xe gắn máy thì sẽ kiểm tra nồng độ cồn, có thể trong hơi thở, một số trường hợp tai nạn giao thông thì xác định bằng máu không được vượt quá quy định. Đây là ngưỡng chung, có thể dựa trên những nghiên cứu, nếu chỉ số rượu bia dưới nồng độ nhất định mà người tham gia giao thông vẫn đủ tỉnh táo.
Tuy nhiên, khi đưa ra hội trường, chúng ta đề xuất khi đã uống rượu, bia, tức là chỉ cần có nồng độ cồn thì không được điều khiển phương tiện giao thông. Như vậy, sẽ bao gồm tất cả từ xe ô tô đến xe gắn máy, bản thân các ĐBQH băn khoăn, thứ nhất chưa tương thích với luật giao thông đường bộ (Nghị định 46), thứ hai liệu có khả thi không.
Những ĐBQH bỏ phiếu không ủng hộ có thể đã nghĩ đến hướng “trung dung” là hạ ngưỡng độ cồn xuống. Ví dụ, trước đây có thể 1,5 lon bia giờ chỉ còn 1 lon, chứ không có nghĩa ủng hộ đã uống rượu mà lái xe. Sau phản ứng của dư luận, và qua phiếu thăm dò để thấy nhận thức của ĐBQH ủng hộ như thế nào, ban soạn thảo đã mạnh dạn đưa vào một trong những hành vi nghiêm cấm, đó là đã uống rượu bia thì không lái xe.
“Theo tôi, đây là sự tiếp thu hết sức cởi mở, vấn đề là đưa luật thành hiện thực, nếu chỉ để trang trí thì sẽ mất tác dụng. Và bước đầu tiên sẽ phải sửa đổi Nghị định 46 của Luật giao thông đường bộ, theo hướng siết chặt hơn. Tức là, bất kỳ trường hợp nào điều khiển phương tiện giao thông bao gồm ô tô và xe gắn máy mà lực lượng chức năng không cần biết đo được nồng độ cồn là bao nhiêu, cứ thấy có trong hơi thở có nồng độ cồn là phạm luật, và sẽ có những hình thức phạt tương xứng”, bà Lan nói.
Trong điều 5 của dự thảo luật phòng chống tác hại của rượu, bia đã có quy định cụ thể việc nghiêm cấm không sử dụng rượu, bia. Tức là khi điều khiển giao thông thì không được có nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở. “Điều này cũng dễ dàng hơn cho lực lượng cảnh sát giao thông khỏi “lích kích” máy móc đo đạc, chỉ cần dương tính là không được”, bà Lan bày tỏ.
Sau khi Quốc hội thông qua Luật phòng chống tác hại của rượu, bia vào sáng 14/6, bà Lan đánh giá, việc thực hiện chắc chắn cần phải có thời gian. Vì rượu, bia là thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người Việt Nam, cho nên có thể giai đoạn đầu sẽ gặp lúng túng. Nhưng trước tiên đã thể hiện được quyết tâm, còn sau đó sẽ phải có nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể. Chúng ta đừng để giống như luật phòng chống tác hại của thuốc lá, luật có hết nhưng chế tài thì rất hạn chế, vì chưa biết ai sẽ là người đi xử phạt.
Do đó, luật phòng chống tác hại rượu, bia phải tương thích với luật giao thông đường bộ, đường thủy nói riêng và luật giao thông nói chung, cùng với các luật khác. Nếu làm được như vậy thì luật mới thực sự đi vào cuộc sống. “Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng nghĩ luật như chiếc đũa thần, vừa ra thì mọi người đều răm rắp phải làm theo. Điều quan trọng là phải thay đổi ý thức của xã hội, đầu tiên các lãnh đạo phải làm gương bớt “đi nhậu”, bà Lan bày tỏ.