Thể chế tốt thì khai thông các nguồn lực, giúp “tiền đẻ ra tiền”. Do đó, điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đơn giản hoá thủ tục hành chính.
>>Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh tại Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ngày 1/11.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, để phục hồi và phát triển kinh tế, thì tiền bạc là quan trọng nhưng có thứ còn quan trọng hơn tiền bạc đó là thể chế.
“Thể chế tốt thì khai thông nguồn lực, giúp “tiền đẻ ra tiền”. Do đó, điều quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đơn giản hoá các thủ tục hành chính”, đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ.
Thực tế, theo phản ánh của người dân và doanh nghiệp, thủ tục hành chính đang ngày càng nặng nề hơn trong thời gian vừa qua. Do đó, phải khắc phục cho được vấn đề pháp lý chồng chéo, bất cập. Đồng thời, phải xoá bỏ tâm lý sợ oan sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của các cán bộ công chức và doanh nghiệp.
Từ đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị cần nghiên cứu “đặt” giới hạn tần suất, phạm vi thanh tra, kiểm tra để các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp yên tâm tập trung nỗ lực để giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.
“Chúng ta cần bổ sung ngay các chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hoá các quan hệ kinh tế. Đồng thời, triển khai tích cực, tận tâm các biện pháp bảo vệ cán bộ và cả các doanh nhân dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, trong đó có yêu cầu phải luật hoác các quy định về vấn đề này”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
Vẫn theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, trong thời điểm khủng hoảng, giải pháp “kinh điển” trực diện có thể phát huy được hiệu quả trực tiếp nhanh nhất là bơm tiền vào nền kinh tế.
Các quyết định bơm tiền đã được Quốc hội ban hành, nhưng việc triển khai thực hiện lại gặp rất nhiều trở ngại. Như vậy, vấn đề cấp bách hiện nay cần phải quan tâm giải quyết đó là “có tiền nhưng không tiêu được”.
“Chừng nào tình trạng này vẫn còn thì chừng đó chúng ta khó hy vọng có sự phát triển bứt phá của nền kinh tế trong thời gian tới”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Mặc dù đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thách thức, nhưng theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, đất nước ta cũng đang đứng trước những cơ hội chưa từng có. Đó là, sự chuyển dịch địa chính trị, kinh tế và cạnh tranh chiến lược trên thế giới.
>>Quốc hội thông qua danh sách lấy phiếu tín nhiệm
>>Nghị quyết số 43/2022/QH15: Quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã chủ động triển khai các hoạt động đối ngoại đỉnh cao ở tầm chiến lược để hoá giải các thách thức, và triển khai xây dựng được các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam đối với tất cả các cường quốc lớn.
Kết quả hoạt động đối ngoại của chúng ta trong thời gian qua là một minh chứng khẳng định sự tôn trọng của các nước lớn và cộng đồng quốc tế đối với vị thế và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Điều này đã mở ra cho chúng ta những cơ hội để trở thành một trung tâm, nơi đối thoại của các đối thoại hoà bình và là điểm đến của các dòng dịch chuyển thương mại, đầu tư với chất lượng cao trên thế giới.
Không chỉ ngành công nghiệp bán dẫn, mà các ngành công nghiệp khác, các ngành thương mại, dịch vụ kể cả an sinh xã hội cũng sẽ được hưởng lợi của quá trình này.
Và chúng ta sẽ có cơ hội phát triển bứt phá trong thời gian tới. Nhưng để tận dụng tốt được cơ hội này hay không thì còn tuỳ thuộc vào sự chuẩn bị về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Về thể chế, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chúng ta cần có các chiến lược chính sách đột phá để phát triển các ngành kinh tế trong bối cảnh mới để không lặp lại tình trạng sau mấy chục năm mở cửa hội nhập, nhưng ngành công nghiệp chủ lực như ô tô, điện tử, dệt may, da giày, thậm chí cả nền nông nghiệp về căn bản vẫn dừng lại ở trình độ gia công lắp ráp.
Nếu tham gia các chuỗi giá trị thế giới, như nền công nghiệp đỉnh cao và tiềm năng như chíp bán dẫn, mà trong thời gian từ 10 đến 15 năm tới Việt Nam vẫn chỉ đảm nhận khâu gia công đóng gói thì đất nước không thể “chuyển mình” để trở thành quốc qua phát triển, thậm chí còn khó vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.
“Do đó, Việt Nam phải vươn lên tham gia ở đẳng cấp cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thậm chí đóng vai trò dẫn dắt làm chủ một số chuỗi cung ứng. Đây là thách thức rất lớn, và để làm được điều này thì rất cần có những quyết sách chiến lược ở tầm quốc gia”, đại biểu Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
15:28, 25/10/2023
18:22, 24/10/2023
04:24, 24/10/2023