Bất an quỹ bảo trì chung cư

Diendandoanhnghiep.vn Đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực bất động sản mà Bộ Xây dựng dự kiến trình Chính phủ trong tháng 12 tới được kỳ vọng phải giải quyết triệt để cuộc chiến tranh giành quỹ bảo trì chung cư.

Cư dân chung cư Artemis căng băng zôn biểu tình

Cư dân chung cư Artemis căng băng rôn phản đối chủ đầu tư

Trong đơn thư gửi tới Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mới đây, hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án Artemis (số 3 Lê Trọng Tấn - Hà Nội) cho biết, chủ đầu tư Công ty ACC Thăng Long thuộc Quân chủng Phòng không không quân - Bộ Quốc Phòng đang thiếu minh bạch trong thu chi, quản lý quỹ bảo trì của tòa nhà.

Cư dân bất an

Anh Hoàng Đình Kiên – Đại diện cư dân mua nhà tại dự án cho biết, chủ đầu tư đã thu phí bảo trì (tương đương 2% giá trị hợp đồng) của toàn bộ cư dân sau khi mua và nhận nhà. Tuy nhiên, việc thu tiền được thực hiện qua nhiều tài khoản ngân hàng, bằng các cách thức khác nhau như nộp trực tiếp hoặc gián tiếp.

Ban đại diện lâm thời đã nhiều lần thắc mắc và đề nghị chủ đầu tư đưa ra bản sao kê số dư tài khoản phí bảo trì 2% đã nộp nhưng chủ đầu tư từ chối. “Tới nay chúng tôi không biết khoản tiền lớn như vậy (khoảng 30 tỷ đồng) đang ở đâu, được sử dụng vào mục đích gì và có được chuyển giao lại cho cư dân hay không?” – anh Kiên cho biết. 

Cũng theo anh Kiên, tính đến nay số lượng cư dân chuyển về sinh sống tại tòa nhà đã đủ điều kiện theo luật định để thành lập Ban quản trị giúp đảm bảo an toàn, an ninh và kiểm soát tài chính toàn bộ tòa nhà nhưng nhiều lần đề nghị của cư dân bị chủ đầu tư từ chối.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại chung cư Star City (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã đưa vào sử dụng từ năm 2014 nhưng tới nay, phần quỹ bảo trì mà chủ đầu tư bàn giao cho cư dân chỉ khoảng 2,4 tỷ đồng trong tổng số hơn 30 tỷ đồng. Việc chủ đầu tư chậm bàn giao quỹ bảo trì gây ra nhiều hệ lụy khi các hạng mục trong tòa nhà xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa.

Bà Phạm Thị Thu Thủy – Cư dân sống tại chung cư cho biết, hệ thống thang máy có 6 chiếc thì hầu như khi nào cũng có 1 chiếc gặp trục trặc, rung lắc, gây mất an toàn cho cư dân. Nhiều mảng tường, cửa kính, tấm kính trần đã bị nứt vỡ, bong tróc nhưng không được sửa chữa, thay thế… khiến họ vô cùng bất an.

Quá bức xúc, mặc dù trời mưa, nhưng mới đây ngay từ sáng sớm cả trăm người dân đã tập trung tại khu vực cổng đón tiếp đại biểu vào dự Đại hội cổ đông 2018 của Ocean Group căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả tiền phí bảo trì.

Đủ căn cứ khởi kiện 

Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Minh Tuấn – Chủ tịch Công ty Quản lý toà nhà Việt thừa nhận, có tình trạng chủ đầu tư các tòa nhà không muốn tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị, hoặc tổ chức nhưng tác động để người dân tham gia không đầy đủ cơ số từ 50-70% theo quy định. Mục đích cuối cùng nhằm không có đơn vị tiếp nhận phí bảo trì.

"Thử hỏi với chung cư hơn 1.000 hộ, con số phí bảo trì lên đến vài chục tỉ đồng, chỉ việc chậm bàn giao mang tiền đi đầu tư hoặc gửi ngân hàng phát sinh lãi thì đã có thể trục lợi rất lớn” – ông Tuấn phân tích.

Luật sư Bùi Anh Tuấn - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, Luật Nhà ở quy định rõ chủ đầu tư phải bàn giao phí bảo trì 2% cho cư dân ngay khi ban quản trị tòa nhà được thành lập. Nghị định 99/2015 hướng dẫn thực thi luật này nêu rõ trong thời hạn 7 ngày sau khi ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao toàn bộ phí bảo trì cho đơn vị này, nếu không sẽ thực hiện các thủ tục cưỡng chế.

“Tuy nhiên, trên thực tế việc cưỡng chế chưa "ăn thua". Do đó, người dân có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì chung cư cùng với số tiền lãi tương ứng với việc chậm trả theo quy định của Bộ Luật Dân sự và khoản 2, điều 43, Thông tư 02 về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Trường hợp chủ đầu tư cố tình chiếm dụng phí bảo trì thì người dân có quyền tố cáo hành vi này đến công an” – Luật sư Tuấn cho biết.

Để tránh việc chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì cho cư dân, các chuyên gia cho rằng về lâu dài pháp luật cần phải sửa đổi về việc tiếp cận sớm nguồn phí bảo trì chung của tòa nhà. Bên cạnh đó, cần có quy chế riêng phối hợp với ngân hàng để thực hiện việc vô hiệu hóa tên chủ tài khoản hoặc cần tạm dừng tài khoản khi có tranh chấp. Có như vậy, quyền lợi của cư dân mới sớm được bảo đảm.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Bất an quỹ bảo trì chung cư tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714267837 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714267837 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10