Đại dịch Covid-19 và áp lực cơ cấu lại thị trường lao động

THY HẰNG 01/05/2022 05:15

Bên cạnh kỹ năng, tay nghề thì “sức khoẻ” thể chất và tinh thần của người lao động làm tăng chất lượng nguồn nhân lực cả hiện tại và tương lai.

>>>Thị trường lao động: Nhiều cơ hội lương, thưởng cạnh tranh

Lao động là nguồn lực và là yếu tố quan trọng nhất tạo nên tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng cao của nền kinh tế. Bên cạnh kỹ năng, tay nghề thì “sức khoẻ” thể chất và tinh thần của người lao động làm tăng chất lượng nguồn nhân lực cả hiện tại và tương lai.

Đại dịch

Đại dịch dẫn đến tình trạng nhiều người lao động không thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời, việc làm phi chính thức. 

Tác động "kép"

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã gây ra hậu quả nghiêm trọng không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn tác động tới mọi mặt đời sống xã hội của người lao động. Nói như chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê, đại dịch Covid-19 khiến nhiều lao động phải ngừng việc, giãn việc, nghỉ việc. Không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người lao động không thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời, việc làm phi chính thức. Thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm so với năm trước.

Cụ thể, năm 2021, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm giảm 1 triệu người so với năm 2020. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở mức 3,1%, tăng 0,71 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở mức 3,22%, tăng 0,54 điểm phần trăm so với năm trước.

Ngoài ra, tác động của đại dịch còn làm gia tăng khoảng cách về kỹ năng của người lao động hiện tại và những kỹ năng mà các doanh nghiệp cần để thích ứng với thay đổi về công nghệ và thị trường.

Đại dịch COVID-19 đã gây nên sự dịch chuyển lớn lao động từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế về các tỉnh, dẫn tới quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ, nhất là những tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, nơi đã và đang bị tác động rất nặng nề bởi đại dịch.

Theo đó, đại dịch đã tác động nặng nề và sâu sắc đến người lao động, đặc biệt là lao động di cư, lao động nữ, lao động có hợp đồng ngắn hạn và lao động tạm thời. Người lao động di cư đối mặt với khó khăn thách thức kép, đó là thu nhập, việc làm bị đe dọa và sự chia cắt khỏi gia đình ở quê. Thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài đã gây cho người lao động cú sốc nặng nề về tâm lý, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ tinh thần.

“Do bị giảm giờ làm, nghỉ việc tạm thời, hay mất việc nên người lao động buộc phải cắt giảm chi tiêu ngay cả các khoản thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, có đến 75,3% người lao động phải cắt giảm chi phí thực phẩm, 81,5% người lao động phải cắt giảm chi tiêu cơ bản khác như quần áo, đi lại, giáo dục, 33,2% người lao động cắt giảm chi phí nhà ở. Việc phải cắt giảm những khoản chi tiêu thiết yếu phản ánh rõ nét cuộc sống khốn khó của người lao động, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và khả năng tái tạo sức lao động”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Đại dịch COVID-19 đã gây nên sự dịch chuyển lớn lao động từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế về các tỉnh, dẫn tới quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ

Đại dịch COVID-19 đã gây nên sự dịch chuyển lớn lao động từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế về các tỉnh, dẫn tới quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ.

Trước tác động tiêu cực của đại dịch đối với người lao động và doanh nghiệp, chuyên gia nhấn mạnh, để nhanh chóng phục hồi kinh tế-xã hội với quan điểm lấy con người làm trung tâm, các gói kích thích tài khoá được coi là giải pháp then chốt trong quá trình phục hồi.

>>>Doanh nghiệp "khát" lao động để khôi phục sản xuất

>>>Lùi thời điểm tăng lương tối thiểu: (Bài 4) Ưu tiên hồi phục thị trường lao động

Chính sách hỗ trợ đột phá

Theo đánh giá của ILO, mỗi năm nếu bổ sung thêm cho gói kích thích tài khoá có trị giá bằng 1% GDP khi đó, tổng thời gian làm việc mỗi năm tăng thêm 0,3 điểm phần trăm so với quý IV năm 2019.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, quy mô các gói hỗ trợ chưa đủ lớn giúp các đối tượng được hỗ trợ vượt qua khó khăn. Do đó, chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, cần có các chính sách kinh tế đủ mạnh, vượt hơn mức bình thường để nền kinh tế nhanh phục hồi, tăng tốc theo kịp đà phục hồi của kinh tế thế giới.

Theo đó, Chính phủ và các địa phương cần có chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo an toàn phòng chống dịch, tạo niềm tin cho người lao động yên tâm quay trở lại làm việc trong điều kiện “bình thường mới”.

Trao đổi với DĐDN, TS Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nhận định, để giải quyết được vấn đề này, ba phương hướng chính cần tập trung.

Một là, phân bổ lại lực lượng lao động theo khu vực địa lý, giữa các vùng miền, giữa các vùng kinh tế trọng điểm với các tỉnh thành khác, góp phần giảm tải, giải được cả bài toán về các vấn đề về hạ tầng như nhà ở, chỗ ở, không gian sinh hoạt cho công nhân...

"Đặc biệt, tránh được hiện tượng di cư, nhập cư, tản cư ồ ạt, khó kiểm soát như đợt dịch lần thứ tư vừa qua. Với hơn 1,3 triệu người di chuyển hồi hương, quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ. Các tỉnh, thành trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An thiết hụt lao động trầm trọng; trong khi một số tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lại dôi dư lao động đột biến, thị trường việc làm không thể hấp thụ, dẫn đến tình trạng thất nghiệp khi cầu lao động không lớn", TS Nhạc Phan Linh nhấn mạnh.

Hai là, cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư, phát triển. Theo vị chuyên gia, về bản chất, đây là việc đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng; thúc đẩy cơ cấu lại và điều chỉnh chiến lược phát triển doanh nghiệp, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Khuyến khích phát triển đa ngành nghề, đa lĩnh vực, để vừa tranh thủ thu hút thêm vốn đầu tư, vừa phân bổ được lực lượng lao động, vừa có sự đón đầu xu hướng chuyển dịch sản xuất, khoa học công nghệ, vừa phòng tránh được rủi ro..

Ba là, cơ cấu đào tạo theo ngành nghề bằng cách phân bổ cân đối giữa các cấp, các loại hình. Điểm quan trọng là cần khắc phục tình trạng đào tạo không theo nhu cầu của thị trường, hay tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Cụ thể, trong thời gian qua, tình hình lao động các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ giảm mạnh. Ngược lại, lao động ngành nông nghiệp lại có xu hướng tăng. Do vậy, việc xây dựng chiến lược đào tạo và đào tạo nghề cần được gắn chặt chẽ với nhu cầu thị trường.

Có thể bạn quan tâm

  • Thị trường lao động: Nhiều cơ hội lương, thưởng cạnh tranh

    03:00, 28/04/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động

    20:20, 27/04/2022

  • Doanh nghiệp "khát" lao động để khôi phục sản xuất

    03:30, 25/04/2022

  • Lùi thời điểm tăng lương tối thiểu: (Bài 4) Ưu tiên hồi phục thị trường lao động

    04:00, 23/04/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đại dịch Covid-19 và áp lực cơ cấu lại thị trường lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO