Mới đây, “đại dự án” hồ chứa nước Bản Mồng, giai đoạn 1 đã được điều chỉnh chủ trương đầu tư, bố trí kinh phí hơn 230 tỷ đồng để kịp hoàn thành tiến độ trong năm 2025…
Được biết, đây là dự án trọng điểm quốc gia, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa khi có dung tích chứa nước lên đến 225 triệu m3; đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho hơn 18.800ha đất nông nghiệp; đồng thời bổ sung nước về mùa khô hạn cho sông Cả, cắt giảm lũ cho hạ du sông Hiếu. Ngoài ra còn kết hợp phát điện với công suất 45MW.
Loay hoay vì thiếu vốn
Dự án hồ chứa nước Bản Mồng được xây dựng trên thượng nguồn sông Hiếu do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư; trong đó, đầu mối chính đặt tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Dự án được phê duyệt vào năm 2009 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, với tổng mức đầu tư 3.744 tỷ đồng, bao gồm cả các hợp phần bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
>>Hiện trường đổ thải "bát nháo" tại dự án công trình hồ chứa nước bản Mồng ở Nghệ An
Với diện tích lòng hồ rộng 25km2, dự án hồ chứa nước Bản Mồng, giai đoạn 1 có các hạng mục chính đặt tại 3 huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn của tỉnh Nghệ An và một phần thuộc huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, bao gồm hồ chứa nước có dung tích 225 triệu m3, 8 trạm bơm lấy nước dọc sông Hiếu và nhà máy thủy điện với công suất lắp máy 45MW.
Theo quy hoạch, đại dự án có hệ thống kênh lấy nước trực tiếp từ hồ được thiết kế cấp nước với lưu lượng 8,76m3/s; tổng chiều dài 520km bao gồm kênh chính dài 98km, kênh cấp I dài 148km, kênh cấp II dài 274km… góp phần phục vụ việc tưới tiêu cho gần 8.000ha đất nông nghiệp vùng hạ du. Bên cạnh đó, hệ thống các trạm bơm lấy nước từ dòng sông Hiếu cũng được đầu tư xây mới và tưới cho 11.000ha đất nông nghiệp. Riêng về phần đập chính của dự án được thiết kế dài 221m, cao hơn 45m và là loại đập bê tông trọng lực; tràn xả lũ gồm 5 khoang, mỗi khoang rộng 75m.
Đến thời điểm hiện tại, hồ chứa nước Bản Mồng, giai đoạn 1 đã hoàn thành 98% hạng mục xây dựng công trình, chỉ chờ giải phóng mặt bằng lòng hồ là chặn dòng, tích nước, phát huy hiệu quả của dự án. Hiện nay, do chưa tích nước nên các khoang tràn vẫn còn đang để trống. Dự kiến, khi hoàn thành thì những cửa tràn này sẽ được lắp cửa van cung bằng thép bịt kín nhằm dâng nước đến cao trình thiết kế.
>>ĐBQH Tạ Văn Hạ: Căn cứ nào ra quyết định điều chỉnh liên quan đến dự án thủy điện bản Mồng?
Theo đại diện chủ đầu tư, dự án hồ chứa nước Bản Mồng có tổng mức vốn ban đầu là 3.744 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh tăng thêm 1.808 tỷ đồng. Như vậy, vốn đầu tư cho dự án này là 5.552 tỷ đồng, không bao gồm nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư hợp phần thủy điện. Trong đó, nguồn vốn giai đoạn từ năm 2021 - 2025 được bố trí 2.056 tỷ đồng; hiện đã được bố trí 1.822 tỷ đồng, còn thiếu 234 tỷ đồng.
Tháo gỡ vướng mắc
Về nguồn vốn còn thiếu nói trên, mới đây, tại quyết định số 1248/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm rà soát, cân đối trong phạm vi tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; bố trí đủ số vốn 234 tỷ đồng để hoàn thành dự án theo tiến độ vào năm 2025.
UBND các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu, nội dung, đề xuất điều chỉnh hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bổ sung chỉ tiêu đất thủy lợi cho dự án trên địa bàn theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đồng thời, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn và triển khai thực hiện hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng các nội dung khác trong phạm vi quản lý và trách nhiệm của địa phương theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện đầu tư xây dựng dự án; tổ chức bảo vệ phạm vi mặt bằng công trình đã được giải phóng đến khi công trình bàn giao đưa vào sử dụng, không để xảy ra tái lấn chiếm.
>>Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin liên quan đến dự án thủy điện bản Mồng và diện tích rừng
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có công văn thực hiện quyết định nêu trên của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Bản Mồng, giai đoạn 1 đảm bảo kịp thời, đúng quy định.
Lý giải về nguyên nhân bị “tắc” nguồn vốn, nhiều ý kiến của các bên liên quan đều cho rằng, đó là do vướng mắc về xác định thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự án hồ chứa nước Bản Mồng.
Cụ thể, tại thời điểm dự án được Thủ tướng cho phép đầu tư và Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án đầu tư thì Luật đầu tư công chưa được ban hành. Tuy nhiên, đến khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công năm 2013 (Điều 106) và Luật Đầu tư công năm 2019 (Điều 101) quy định chuyển tiếp cũng không có quy định thẩm quyền quyết định điều chỉnh bổ sung kinh phí đối với trường hợp của dự án này. Theo đó, Luật đầu tư công chỉ quy định chuyển tiếp đối với dự án có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, trong khi đó lại được triển khai trước khi Luật Đầu tư công có hiệu lực chỉ có văn bản cho phép đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án hồ chứa nước Bản Mồng phải chuyển đổi rất nhiều diện tích rừng, trong đó có nhiều rừng phòng hộ trên địa bàn Nghệ An
Qua tìm hiểu PV được biết, trong phiên thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV hồi tháng 3 vừa qua, đại biểu Quốc hội Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã phát biểu thảo luận, tiếp tục kiến nghị Chính phủ khẩn trương tháo gỡ khó khăn, xác định thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh bổ sung kinh phí dự án, sớm bố trí nguồn vốn để tiếp tục thi công, hoàn thiện dự án, nhằm hạn chế tình trạng lãng phí tài sản nhà nước và khó khăn của nhân dân sống trong vùng dự án.
Thực hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8/3/2023, đồng chí Lê Minh Khái - Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp về xử lý vướng mắc trong việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quyết định đầu tư dự án hồ chứa nước Bản Mồng.
Trên cơ sở kết quả cuộc họp đã được các đại biểu thống nhất về việc dự án không thuộc đối tượng chuyển tiếp được quy định tại Điều 106 Luật Đầu tư công năm 2014 và điều 101 Luật Đầu tư công năm 2019. Việc áp dụng pháp luật đối với việc điều chỉnh dự án này phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định “hành vi xảy ra tại thời điểm nào thì áp dụng văn bản quy phạm đang có hiệu lực tại thời điểm đó”.
Do vậy, việc điều chỉnh dự án trong thời điểm hiện nay phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án là thuộc Thủ tướng Chính phủ, thẩm quyền điều chỉnh quyết định đầu tư dự án thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An chỉ rõ nhiều sai phạm ở dự án khu vực bán đảo Lan Châu
00:06, 22/12/2023
Nghệ An chuẩn bị nguồn nhân lực đón “làn sóng” FDI
15:02, 21/12/2023
Nghệ An: Doanh nghiệp khu vực “tam cận lộ” nhưng lại… khổ vì nước
15:00, 19/12/2023
Vì sao vốn giải ngân đầu tư công ở Nghệ An vẫn đạt thấp?
11:38, 17/12/2023
Nghệ An: Dự án cảng biển Đông Hồi bị “tắc” do đâu?
15:13, 13/12/2023