Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề cao hơn tầm quan trọng của thể chế kinh tế và đã thay đổi trọng tâm của cải cách thể chế.
Đại hội XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1- 2/2 tại Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Đại hội sẽ quyết định những vấn đề quan trọng về nhân sự và chiến lược phát triển đất nước, trong đó có những quyết sách quan trọng về thể chế kinh tế.
Nhìn lại sau 35 năm đổi mới, đất nước, dĩ nhiên ngày càng phát triển, tiến xa hơn nhiều so với quá khứ. Thế và lực của Việt Nam đã lớn mạnh hơn nhiều về quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện; tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành phát triển kinh tế xã hội.
Nhờ đó, kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tăng độ mở nền kinh tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn. Khu vực tư nhân ngày càng trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước... Tức là, chúng ta đã tiến được bước dài.
Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực quy mô nền kinh tế chúng ta vẫn còn khiêm tốn, còn có khoảng cách. Quy mô các nền kinh tế như Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều lớn hơn Việt Nam nhiều lần. Chất lượng tăng trưởng, hiệu quả cạnh tranh kinh tế chưa cao, năng suất lao động có khoảng cách khá xa so với các nước khu vực. Nguy cơ tụt hậu còn hiện hữu..v..v.
Các chuyên gia kinh tế đều có chung một nhận định: Điểm yếu cốt tử của nền kinh tế hiện nay là hiệu quả sử dụng nguồn lực quá thấp và thể chế phân bố nguồn lực theo hành chính xin cho chính là nút thắt phải gỡ để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Nếu cứ như vậy thì không nâng cao được hiệu quả sử dụng nguồn lực, không tạo áp lực và dư địa cho áp dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Ngay trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII nhận định, bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn “lơ lửng”, động lực tăng trưởng không còn như trước, đặt ra yêu cầu đổi mới về thể chế, một nhiệm vụ rất khó khăn. Theo đó, chiến lược 2021-2030 của Đảng đã xác định quan điểm “lấy cải cách nâng cao chất lượng thể chế làm điều kiện tiên quyết để phát triển đất nước”.
"Trọng tâm của nó phát triển các thị trường nhân tố sản xuất và thực hiện phân bố nguồn lực nhà nước theo thị trường… Cùng đó là phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh và kiến tạo một môi trường kinh doanh an toàn trên cơ sở thay đổi vai trò, công cụ quản lý, chức năng và năng lực của Nhà nước…
Chúng ta có hy vọng để tin rằng: Nếu thực hiện tốt những gì Đại hội XIII đề ra, nhất là trong chiến lược 2021-2030 thì doanh nghiệp, người dân sẽ càng đầu tư nhiều hơn, lớn hơn, dài hạn hơn, trong đó có đầu tư vào khoa học công nghệ”- TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên thường trực Tổ biên tập Chiến lược 2021 – 2030 nói.
Một điểm cộng mà có lẽ ai cũng tự hào đó là dù chịu tiêu cực của bất ổn và khủng hoảng toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn giữ vững được ổn định vĩ mô, nằm trong nhóm 10 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế. Năm 2020, Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19 thành công vừa phát triển kinh tế xã hội.
Điều này phần nào cho thấy khả năng chống chịu của nền kinh tế ngày càng tốt hơn, tính độc lập tự chủ cải thiện hơn. Độ mở nền kinh tế lớn, nhưng Việt Nam vẫn đảm bảo tăng trưởng cao, ổn định. Đây là vấn đề tích cực trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2020 vừa qua.
Có thể nói, nếu như trước đây cuộc đổi mới lần thứ nhất là sự mở đường, thay đổi thể chế ở một giai đoạn sơ khai. Thì lần này, đổi mới thể chế ở giai đoạn chi phối và chất lượng hơn nhiều để đưa Việt Nam đến thịnh vượng như dự thảo văn kiện đề ra. Và hơn lúc nào hết, Đại hội hướng vào khát vọng của nhân dân, khát vọng về một Việt Nam “phồn vinh, hạnh phúc”.
Và để đạt được khát vọng đó, động lực vẫn là cải cách thể chế. Chúng ta cùng tin tưởng Đại hội XIII sẽ thành công tốt đẹp, với những con người mới, quyết sách mới. Bởi cũng chỉ đổi mới, sáng tạo mới có thể giúp Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh và bền vững.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 26/01/2021
05:24, 26/01/2021
05:15, 26/01/2021
05:00, 26/01/2021
05:00, 26/01/2021
04:00, 26/01/2021
11:00, 25/01/2021
09:51, 25/01/2021
08:35, 25/01/2021
08:00, 25/01/2021
07:45, 25/01/2021
06:00, 25/01/2021
05:35, 25/01/2021
05:30, 25/01/2021
16:00, 24/01/2021
11:49, 24/01/2021
11:14, 24/01/2021
08:15, 24/01/2021
07:59, 24/01/2021
05:05, 24/01/2021